* Thưa ông, ông có thể cho biết vì sao không ban hành một thông tư riêng về chống in lậu mà lại đề cập tới cả vấn đề rộng lớn như vậy?
- Ông Nguyễn Kiểm: Thực ra in chỉ là một mắt xích nối liền xuất bản với phát hành, do đó muốn triệt tận gốc vấn nạn in lậu thì phải chống cả ở khâu xuất bản và phát hành lậu. Không có nhà in thì sẽ không có sách lậu, nhưng nếu thực trạng phát hành lậu không "rầm rộ" như hiện nay thì in ra cũng không thể tiêu thụ được.
Trên tinh thần đó, những người làm luật đang rất tích cực bàn thảo để cho ra đời thông tư có tính hoàn chỉnh nhất mà trong đó sẽ có những biện pháp tích cực để chống in lậu.
* Vậy những nội dung cơ bản nhất của thông tư là gì?
- Ông Nguyễn Kiểm: Hiện nay thông tư đã qua bảy lần soạn thảo và dự định sẽ ban hành trong năm nay. Tôi xin giới thiệu một số nội dung cơ bản đã đạt được sự thống nhất cao.
Về nguyên tắc và phạm vi phối hợp xử lý:
Một số vụ in lậu, in nối bản điển hình đã được phát hiện trong thời gian qua: * 6 triệu bản là số sách mà Công ty in Thái Nguyên đã in nối bản. * 120.720 lịch blốc 2005 do cơ sở in số 5 TP Hồ Chí Minh in lậu đã bị thu giữ.
|
Trách nhiệm chính về xử lý những sai phạm trong hoạt động xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm là các cơ quan chức năng của ngành VHTT. Việc phối hợp giữa hai ngành VHTT và Công an trong việc xử lý các vi phạm phải căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của các bên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Theo đó, Thông tư này sẽ là văn bản pháp luật có giá trị để hai ngành cùng phối hợp kiểm tra và xử lý tất cả các hành vi vi phạm trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm.
Về trách nhiệm và nội dung phối hợp, Thông tư nêu rõ:
Đối với cơ quan quản lý nhà nước các cấp xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm có trách nhiệm: tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hoạt động xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm bằng các hình thức, biện pháp thích hợp cho mọi đối tượng biết để thực hiện. Chủ động tiến hành kiểm tra hoặc phối hợp với cơ quan công an tiến hành kiểm tra định kỳ và đột xuất các hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm để kịp thời phát hiện những vi phạm và xử lý nghiêm minh theo đúng thẩm quyền, đúng pháp luật. Đối với các cấp công an: Phối hợp với lực lượng bảo vệ an ninh văn hóa tư tưởng kiểm tra, xử lý các sai phạm trong hoạt động xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm.
Về tổ chức thực hiện:
Để cho việc phối hợp tổ chức thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực, thông tư cũng quy định các cơ quan thường trực của ngành VHTT và ngành công an các cấp định kỳ 6 tháng một lần luân phiên tổ chức giao ban công tác, phối hợp kiểm tra xử lý các vi phạm; hằng năm tiến hành sơ kết rút kinh nghiệm về công tác phối hợp kiểm tra, xử lý các vi phạm được giao và trao đổi nội dung biện pháp phối hợp trong thời gian tiếp theo.
* Để thông tư thực sự đi vào cuộc sống, ông cho rằng cơ quan chức năng cần có động thái gì?
- Ông Nguyễn Kiểm: Theo quan điểm của tôi, ngành VHTT với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này nhất thiết phải đóng vai trò chủ động trong việc phối hợp với các cơ quan chức năng khác để tạo ra những chuyển biến tích cực cho hoạt động xuất bản, in và phát hành. Ngoài việc tuyên truyền giáo dục như đã nói ở trên, công tác thanh tra, kiểm tra theo nội dung của thông tư phải được tiến hành thường xuyên. Không chỉ đòi hỏi việc xử phạt phải nghiêm minh mà ngành VHTT còn phải tìm biện pháp để "xã hội hóa" việc chống in lậu nói riêng và chống xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm trái pháp luật nói chung. Song song với việc xử phạt nặng kẻ chủ mưu in lậu và những người tiếp tay là hình thức khen thưởng, biểu dương những người có công phát hiện, tố giác hành vi phạm tội này. Tiếp nữa, kiểm điểm trách nhiệm đối với những người đứng đầu các cơ quan, tổ chức theo tinh thần Quốc hội yêu cầu cũng là "liều thuốc" tốt khi ta sử dụng đối với những nhà in mắc "căn bệnh" này.
* Xin cảm ơn ông!
|