144 hóa đơn GTGT và "món lời" gần 5,5 tỷ
Ngay từ khi Nhà nước có chủ trương cho hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với các cá nhân, doanh nghiệp để khuyến khích mua hàng hóa bán ra nước ngoài, Công ty sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Chấn Hưng (POLIMEX) đã tiếp cận rất nhanh với chủ trương, chính sách mới. Sau một thời gian nghiên cứu, lợi dụng việc hoàn thuế VAT cho các doanh nghiệp, chỉ trong vòng một năm từ tháng 9-2000 đến 9-2001, Công ty POLIMEX, dưới sự điều hành của "giám đốc" Nguyễn Thị Lắng, đã liên tiếp ký khống hàng loạt các hợp đồng kinh tế mua hàng nông sản của 9 doanh nghiệp và 3 hộ kinh doanh cá thể trong nước, tổng cộng 2.353 tấn hàng trị giá hơn 110 tỷ đồng, trong đó tiền thuế VAT lên tới xấp xỉ 5,5 tỷ!
Không có việc kinh doanh mua hàng nông hải sản của các đơn vị trong nước, POLIMEX đã mượn hàng trị giá hơn 106 tỷ để mở 99 tờ khai hải quan làm thủ tục xuất khẩu bán cho 6 doanh nghiệp của Trung Quốc qua các cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị (Lạng Sơn), Móng Cái, Hoành Mô, Bắc Phong Sinh (Quảng Ninh) và cửa khẩu quốc tế Lào Cai. 144 hóa đơn GTGT đã được đưa vào 7 bộ hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT và đã được Cục Thuế Hà Nội ra 7 quyết định hoàn thuế cho công ty, số tiền hoàn thuế VAT gần 5,5 tỷ đã được chuyển khoản vào tài khoản của POLIMEX tại Ngân hàng Thương mại cổ phần nhà Hà Nội. Ngoài ra công ty này còn nhận được hơn 31 triệu đồng tiền khấu trừ thuế GTGT.
Một trong số sáu doanh nghiệp mà POLIMEX bán hàng là Công ty Thương mại hữu hạn Đạt Thành, theo điều tra của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an và thông báo của Cục Thuế Nhà nước nhân dân Trung Hoa là không tồn tại. Kết quả xác minh ở cục thuế các địa phương hầu hết các đơn vị bán hàng cho POLIMEX đều đã giải thể và bỏ trốn. Ngay lập tức Cục Thuế Hà Nội đã ra quyết định thu hồi số tiền đã hoàn thuế GTGT cho POLIMEX nhưng đến tận thời điểm này vẫn chưa có hồi âm. Công ty POLIMEX là công ty như thế nào mà có thể "qua mặt" được cơ quan thuế nhà nước một cách trắng trợn như vậy?
Tội phạm thời hoàn thuế VAT
Là một doanh nghiệp của Nhà nước, được thành lập theo Quyết định số 1874QĐ/UB ngày 8-5-1993 của UBND TP Hà Nội, POLIMEX được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội cấp phép kinh doanh, có mã số thuế tại Cục Thuế Hà Nội, Nguyễn Thị Lắng làm Giám đốc. Nguyễn Thị Lắng đã tìm ra những đầu mối đối tác cho POLIMEX trong các thương vụ làm ăn, theo phương thức các doanh nghiệp bán hàng cho POLIMEX tự lo vốn mua hàng, chi phí, lệ phí làm thủ tục hải quan xuất khẩu, giao hàng, trực tiếp nhận tiền của các công ty Trung Quốc.
Công ty POLIMEX đứng tư cách pháp nhân xuất khẩu hàng và cử người mang hồ sơ, tờ khai hải quan khống cùng với doanh nghiệp bán hàng mở tờ khai hải quan và làm thủ tục xuất khẩu. Sau đó lập hồ sơ xin hoàn thuế GTGT. Công ty POLIMEX được hưởng lãi 0,4 - 0,6% trị giá lô hàng xuất khẩu cho công ty phía Trung Quốc. Khi nhận tiền hoàn thuế GTGT, POLIMEX giữ lại số tiền được hưởng lãi, phần còn lại chi trả cho doanh nghiệp bán hàng.
Nguyễn Thị Lắng đã thống nhất với lãnh đạo và các phòng ban công ty để tổ chức thực hiện. Lê Văn Minh (Phó Trưởng phòng nghiệp vụ), Nguyễn Thị Nhạn là cán bộ phòng nghiệp vụ được cử đi để phối hợp giao hàng xuất khẩu nhưng thực chất chỉ làm mỗi nhiệm vụ mang hợp đồng ngoại cùng bộ hồ sơ mở tờ khai hải quan (gồm giấy giới thiệu tờ khai hải quan, phụ lục tờ khai hải quan, bảng kê hàng hóa, hóa đơn GTGT đều đã được Nguyễn Thị Lắng ký, đóng dấu khống) giao cho "quân" của Nguyễn Thị Phượng là Vũ Văn Dũng và "quân" của Tăng Bá Trưởng là Phạm Thị Ngân để Dũng quan hệ mượn hàng của các tư thương buôn bán với Trung Quốc, đứng danh Công ty POLIMEX mở tờ khai hải quan làm thủ tục xuất khẩu hàng.
Việc mượn hàng làm thủ tục hải quan như vậy được thanh toán từ 300.000 đồng đến 1.200.000 đồng cho một tấn cá mực khô tùy theo ngày, chủ hàng sẽ nhận số tiền này thông qua Dũng. Các bộ hồ sơ lần lượt hoàn thành thủ tục và Dũng sẽ giao lại cho Lê Văn Minh vào cuối ngày. Mọi lệ phí làm thủ tục hải quan, việc kiểm hóa, giao nhận hàng và thanh toán tiền hàng với công y Trung Quốc do Vũ Văn Dũng, Phạm Thị Ngân và một đội ngũ người của Dũng và Ngân đảm nhận.
Sau khi các bộ tờ khai hải quan đã hoàn thành thủ tục thông quan, Minh quay về công ty báo cáo Nguyễn Thị Lắng và giao lại cho Phòng Kế toán. Kế toán trưởng Nguyễn Thị Thu Dung và kế toán viên Nguyễn Thị Hồng Ngọc lập các hợp đồng nội, phiếu nhập kho, phiếu thu, phiếu chi, biên bản thanh lý hợp đồng để hợp thức hóa hàng hóa mua vào và làm hồ sơ đề nghị xin hoàn thuế VAT.
Những đại gia từ nam chí bắc sa lưới
Từ kết quả điều tra ban đầu cho thấy toàn bộ số hàng ghi trong hóa đơn của doanh nghiệp TMDV Phượng Bình và doanh nghiệp TMDV Kim Long bán hàng cho POLIMEX là hàng mượn của tư nhân ở Lạng Sơn xuất bán sang Trung Quốc. Xác minh tại Công ty Cổ phần Nông hải sản xuất khẩu Hải Hà (Quảng Trị) được biết, công ty này không có cá mực khô bán cho POLIMEX. Toàn bộ chứng từ sổ sách đều lập theo sự chỉ đạo của Nguyễn Quang Chước - Giám đốc công ty. Các hóa đơn xuất từ các công ty như Hải Lâm Sơn (Kiên Giang), Nam Phương (Tây Ninh), Trường Sơn (Long An), cơ sở tư nhân Doãn Hữu Khuy (Hà Nam)... đều là khống, hiện các công ty này đã giải thể, lãnh đạo đã bỏ trốn khỏi nơi đăng ký kinh doanh.
Danh sách các đại gia bỏ trốn đã lên đến con số 6. Người đầu tiên là Nguyễn Thị Phương - Giám đốc Công ty TMDV Phượng Bình (Hải Dương), tiếp đó là Nguyễn Thị Huế - Giám đốc doanh nghiệp Kim Long (Hải Dương), Tăng Bá Trưởng - Giám đốc cơ sở kinh doanh cá thể Tăng Bá Trưởng, Trần Thành Nhân - Giám đốc "ruột" của ba công ty Việt Phương, Đăng Khoa, Đại Việt (sau này thuê ba người khác đứng tên giám đốc), Nguyễn Huy Huệ - Giám đốc Công ty Nam Phương (Tây Ninh) và Phạm Thị Ngân - đối tượng buôn bán ngoài xã hội, người đã móc nối với Tăng Bá Trưởng tổ chức mượn hàng đứng danh nghĩa Công ty POLIMEX mở các tờ khai xuất khẩu hàng cho 5 doanh nghiệp Trung Quốc để POLIMEX tiếp tục hợp thức hóa hồ sơ rút tiền hoàn thuế của Nhà nước.
Do đã hết thời hạn điều tra đối với các đối tượng này nên Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can vào ngày 19-9-2005. 7 bị can còn lại lần lượt bị truy tố ra trước TAND TP Hà Nội với tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 139 BLHS.
Một thẩm phán TAND TP Hà Nội cho biết: "Loại án chiếm đoạt thuế VAT khá mới mẻ và phức tạp khiến cho quá trình tiến hành tố tụng tốn rất nhiều thời gian và công sức. Với khoảng hơn 5.000 bút lục, thẩm phán phải đọc nghiên cứu hồ sơ ròng rã hơn một tháng, quá trình điều tra kéo dài. 4 trong 13 bị can bị VKSNDTC đề nghị khung hình phạt cao nhất. HĐXX sẽ phải làm việc rất vất vả".
Đây là vụ án chiếm đoạt thuế VAT lớn đầu tiên mà TAND TP Hà Nội xét xử trong năm 2006. Theo dự kiến, phiên tòa sẽ diễn ra vào ngày 19-1-2006.
|