Fairplay hay bị buộc phải fairplay? Trương Anh Ngọc Năm 1986, Maradona đã ghi bàn bằng tay và sau đó thừa nhận điều đó mà không chút ngượng ngùng. 20 năm sau, De Rossi, một ngôi sao trẻ của bóng đá Italia đã từ chối bàn thắng anh vừa ghi bằng tay vào lưới Messina dù trọng tài (không nhìn thấy) đã công nhận bàn thắng. Điều gì đã xảy ra sau 20 năm?
Serie A cần hình ảnh ấy để tự làm đẹp mình lên sau quá nhiều bê bối trong những năm qua: bóng đá không còn hấp dẫn như trước, khủng hoảng tài chính lan rộng và chưa hề có dấu hiệu giảm nhiệt, số lượng khán giả đến sân xuống đến mức thấp nhất trong 5 giải VĐQG hàng đầu Châu Âu, tình trạng phân biệt chủng tộc trên các khán đài đến mức báo động. Một tháng trước hành động của De Rossi, chấn thương nặng của Totti đã làm giảm đáng kể cơ hội đoạt Cúp vàng của ĐT Italia ở World Cup 2006. Nhưng điều xấu xa nhất và đáng buồn nhất là tâm lý chiến thắng bằng mọi giá đã đè nặng lên tất cả, làm mờ lương tâm của không ít cầu thủ. Sự thay đổi diễn ra ngay cả với các cầu thủ lớn. Tháng 6.2001, trận Lazio-Fiorentina 3-0, Nedved đã từng đề nghị trọng tài Collina huỷ bỏ quyết định cho đội bóng anh đang chơi lúc đó, Lazio, được hưởng một quả penalty vì đó không phải là một lỗi trong vòng cấm địa. Collina đã vui vẻ chấp nhận yêu cầu đó. Nhưng đó là Nedved của năm 2001, khác hẳn với Nedved năm 2006, khi những cú ngã như đóng kịch của anh đã kiếm cho Juve không ít điểm mùa này. Một pha ngã giả vờ để kiếm một quả phạt đền với một pha ghi bàn bằng tay về bản chất đều là lừa dối, nhưng ngã vờ luôn cần một người khác va chạm với mình để đổ lỗi nhằm được hưởng quả phạt, còn làm bàn bằng tay thì chính anh ta là người cố tình tạo nên tình huống đó và việc bàn thắng có được tính hay không phụ thuộc vào lương tâm của anh ta và vào sự tinh mắt của trọng tài. Nếu trọng tài không nhìn thấy, bàn thắng đã được ghi và người ghi bàn sẽ ăn mừng như thể anh ta vừa làm được điều thần kỳ một cách trong sáng. Nếu De Rossi không thú nhận với trọng tài Bergonzi và coi như không có chuyện gì xảy ra, các băng quay chậm sẽ được phát đi phát lại suốt cả tuần, hội đồng kỷ luật sẽ dùng băng hình làm bằng chứng để trừng phạt treo giò anh ít nhất 3 trận vì tội lừa dối và tên tuổi của anh sẽ nhanh chóng bị hoen ố. Vậy, có thể tin rằng, De Rossi đã thú nhận vì anh ta sợ những điều xấu nhất sẽ đến sau đó với mình chứ không phải là vì anh cảm thấy áy náy trước hành động không đẹp? Khả năng đó không phải là nhỏ. Hành động này chỉ để che giấu cho hành động kia và núp sau những định nghĩa về sự cao thượng. Anh kiếm tiền nhờ một show truyền hình mang tên "Đêm của số 10", trong đó, anh nhắc lại vụ đó một cách khoái trá. Anh cũng lại đòi tiền khi Hãng BBC muốn làm một bộ phim về "Bàn tay Chúa". Điều khác biệt là De Rossi đề nghị trọng tài huỷ bàn thắng, còn Maradona chỉ thừa nhận anh chơi bẩn khi trận đấu đã kết thúc và anh không thể phủ nhận được những bằng chứng. Nhưng De Rossi có thể bị phạt nặng vì bàn thắng ấy, còn Maradona thì không, có lẽ, bởi bàn thắng đẹp nhất trong lịch sử World Cup sau một cú lừa bóng đi qua một nửa đội Anh mà anh ghi sau đó không lâu đã xí xoá bàn thắng bẩn thỉu bằng tay trước đó, và biến kẻ tiểu nhân thành một người vĩ đại. |
▪ Ngành thể thao kỷ niệm 60 năm ngày thành lập (25/03/2006)
▪ Web xã hội tràn vào lãnh địa thể thao (26/03/2006)
▪ Vòng 11 Eurowindow V.League 2006: Đà Nẵng "rửa mặt" trên sân Quy Nhơn? (25/03/2006)
▪ Đặt cửa cho các đại gia (25/03/2006)
▪ LĐBĐVN đã tìm được đủ tiền cho Cúp Mùa xuân (25/03/2006)
▪ Đội khách sẽ lại thua (26/03/2006)
▪ Giải hạng Nhất QG 2006: Thể Công vẫn chưa vượt được Thanh Hoá (26/03/2006)
▪ Chưa tới tầm (25/03/2006)
▪ Công mạnh chọi thủ cứng (26/03/2006)
▪ HLV Troussier theo đạo Hồi (25/03/2006)