(VietNamNet) - Ngày 12/1, Hà Nội có thể cấp phép cho những điểm buôn bán đầu tiên và tới 15/1, sẽ cấp phép từ 10 đến 15 điểm buôn bán gia cầm trong một quận để đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong dịp Tết.
Thông tin này được Giám đốc Sở Thương mại Nguyễn Mạnh Hoàng đưa ra tại buổi làm việc của UBND TP. Hà Nội với Đoàn kiểm tra của Chính phủ, do Thứ trưởng Thương mại Phan Thế Ruệ dẫn đầu, về tình hình dịch cúm gia cầm và công tác chuẩn bị hàng hoá cho dịp Tết Nguyên đán.
Lãnh đạo Sở NN-PTNT Hà Nội cho biết, TP đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt và khống chế được dịch cúm gia cầm. Hiện nay không có tình trạng nuôi gia cầm trong nội thành, nội thị. Các điểm bán gia cầm sống nhỏ lẻ tại các chợ đã bị cấm.
Hiện nay, trước tình hình dịch cúm gia cầm đã bước đầu được khống chế trong cả nước và trước nhu cầu gia cầm sạch tăng cao trong dịp Tết, Sở Thương mại hiện đã bắt đầu tiếp nhận hồ sơ và kiểm tra các điểm đăng ký buôn bán gia cầm sạch.
Phó Chủ tịch UBND TP, ông Lê Quý Đôn, khẳng định, thành phố không cấm việc buôn bán gia cầm, nhưng sẽ kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, tiêu thụ gia cầm trên địa bàn để bảo đảm an toàn cho người dân. Thành phố đã và sẽ xây dựng thêm các điểm giết mổ tập trung để đáp ứng nhu cầu về tiêu thụ gia cầm.
Chặn gia cầm từ tỉnh khác, nên hay không?
Tại Hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch cúm gia cầm và kiểm dịch, kiểm soát giết mổ gia cầm phục vụ Tết Nguyên đán cho lãnh đạo các Chi cục Thú y các tỉnh từ Ninh Bình trở ra, do Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) tổ chức hôm 10/1, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội Nguyễn Văn Phúc cũng cho biết, hiện TP có 8 trạm kiểm soát đặt tại các cửa ngõ ra vào TP. Lực lượng thú y cũng thường xuyên đi kiểm tra các siêu thị, các điểm được phép bán gia cầm trong việc thực hiện các quy định về bảo quản, nhãn mác, kiểm dịch...
Song, Chi cục thú y Hà Nội cũng như một số địa phương khác đã tuyên bố không nhập gia cầm từ các tỉnh lân cận, kể cả khi gia cầm đó đã được kiểm dịch. Hoặc khi vào Hà Nội, gia cầm buộc phải được kiểm tra lại tại các điểm kiểm soát trên của TP.
Ông Nguyễn Văn Phúc lý giải, thực ra không phải là Hà Nội không tin tưởng vào công tác kiểm dịch tại các địa phương khác, mà bởi vì người dân có nhiều cách "lách luật" khác nhau để đưa gia cầm không đảm bảo vào TP. Như vậy thì rất khó khăn cho công tác kiểm soát.
Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Thú y Bùi Quang Anh nhắc nhở, theo quy định, các địa phương nếu cứ lo gia cầm kiểm dịch không tốt mà cấm vận chuyển và địa bàn mình là không đúng. Bởi một số quốc gia cũng đã lên tiếng phản đối khi Việt Nam ngừng nhập khẩu sản phẩm gia cầm, và hiện nay quy định này đã bị bãi bỏ.
Do vậy, các địa phương cần có một phương án hợp lý, như có thể ủy quyền cho thú y quận, huyện kiểm dịch để gia cầm có nguồn gốc rõ ràng. Khi gia cầm đã có giấy kiểm dịch, không nhất thiết phải đi qua trạm kiểm soát khi vào Hà Nội.
"Điều quan trọng là phải tăng cường khâu kiểm dịch, chứ không vì lý do lực lượng thú y quá mỏng, kiểm soát không chặt chẽ mà ngăn chặn gia cầm có nguồn gốc rõ ràng vào địa bàn tỉnh mình", ông Quang Anh nhấn mạnh.
H.Phạm - Hà Yên
▪ Hoàn thành phục chế bộ sưu tầm tranh cổ về Thăng Long - Hà Nội (10/01/2006)
▪ Thổ Nhĩ Kỳ: Cúm gia cầm ở người lan tới thủ đô Ankara (09/01/2006)
▪ Hóa chất làm giảm sút sức khỏe (09/01/2006)
▪ Nhiều nơi căng thẳng nước sạch (10/01/2006)
▪ Nghề "may nóng" rẻ nhất thế giới (10/01/2006)
▪ Năm lời khuyên khi ăn thịt gà (10/01/2006)
▪ Nói phải đi đôi với làm (09/01/2006)
▪ 300 hộ dân hơn sáu tháng nay chưa có điện trở lại (09/01/2006)
▪ Sinh viên Vinh với Làng trẻ em SOS (09/01/2006)
▪ Những bất cập của hệ thống giao thông đường bộ ở Bạc Liêu (09/01/2006)