Hãy công bố mũ bảo hiểm tốt!
Các Website khác - 03/12/2007
Một vụ tai nạn giao thông trên đường phố TPHCM. Do đội không đúng cách nên cả hai nón bảo hiểm đều văng ra khỏi đầu nạn nhân khi va chạm xảy ra. (Ảnh: TTXVN).

Bác sĩ Tôn Thất Quỳnh Ái, trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM, hướng dẫn:

- Điều quan trọng nhất của một chiếc mũ bảo hiểm là chất lượng. Thường mũ bảo hiểm có hai lớp, lớp bảo vệ bên ngoài và lớp giảm lực bên trong. Tuy nhiên, thực tế nếu dùng mắt quan sát hoặc dùng tay kiểm tra thì khó có thể phân biệt đâu là tốt, xấu.

Chỉ có các cơ quan quản lý chất lượng của Nhà nước kiểm tra, kiểm chứng, xác nhận và công bố những loại mũ đạt chất lượng để người dân biết mà lựa chọn. Ông bà ta đã có câu “tiền nào của đó”, người dân đừng quá ham rẻ mà mua phải hàng kém chất lượng để không phải “tiền mất tật mang”.

Ngoài màu sắc khác nhau, hiện nay mũ bảo hiểm có nhiều kiểu dáng khác nhau. Nhiều người chọn loại nửa đầu hở tai để nghe điện thoại. Vậy theo bác sĩ, đội mũ loại nào thì an toàn nhất?

Về nguyên tắc, mũ che chắn càng nhiều thì phạm vi bảo vệ cũng được nhiều. Tuy nhiên, những loại mũ như vậy sẽ nặng hơn, đội sẽ nóng đầu hơn và dễ có cảm giác ngột ngạt. Tốt nhất là chọn kiểu nào mà khi đội vào chúng ta cảm giác thoải mái là được, không rộng và không chật, tức là vừa đầu, nhưng đừng quá thô sơ như nón bảo hộ, vì nón bảo hộ thường chỉ đỡ được vật từ trên cao rơi xuống.

Chúng ta rất cần thống nhất với nhau rằng đội mũ bảo hiểm là để bảo vệ tính mạng, sức khỏe, hạn chế thương vong, thương tích cho chính bản thân chúng ta nếu chẳng may bị tai nạn giao thông. Còn tai nạn giao thông thì không tránh ai, không chừa ai, không hẹn giờ, mình không gây ra nhưng nhiều khi người ta lại gây ra cho mình.

Tôi xin khẳng định lại giá trị của việc đội mũ là hạn chế chấn thương sọ não, hạn chế thương tích vùng đầu nếu bị tai nạn giao thông. Còn tai nạn giao thông thì do nhiều nguyên nhân gây nên. Tuy nhiên, tôi cũng tin rằng khi đội mũ bảo hiểm thì ý thức của người tham gia giao thông sẽ được nâng lên, từ đó góp phần hạn chế tai nạn giao thông.

Tại sao Bệnh viện Chợ Rẫy kiên trì đeo đuổi cuộc vận động đội mũ bảo hiểm suốt 10 năm qua?

 

Có rất nhiều chuyện mà các bác sĩ chuyên khoa chúng tôi biết được mà người dân không biết. Bây giờ là thời bình, vậy mà mỗi năm đất nước chúng ta mất hơn 10.000 người do tai nạn giao thông, chưa kể ngần ấy số người bị thương, tàn tật.

 

Tổn thất không tính nổi vì đa số nạn nhân đều trong tuổi lao động, không ít người là trụ cột trong gia đình. Họ chết đi hoặc bị tàn tật, sống đời thực vật đã để lại hoặc tạo thêm gánh nặng cho gia đình, cho xã hội. Đứng trước nhiều ca bị chấn thương sọ não, chúng tôi cứ hối tiếc: "Phải chi họ đội mũ bảo hiểm"!

Bệnh viện Chợ Rẫy có con số thống kê nào thuyết phục cho thấy nếu đội mũ bảo hiểm thì khả năng sống sót cao hơn khi tai nạn xảy ra?

Chúng tôi không có con số cụ thể để so sánh. Vì thực tế thời gian qua số người đội mũ bảo hiểm ít quá, nên phần lớn những người bị tai nạn đều rơi vào những người không đội mũ bảo hiểm. Tuy nhiên, có nhiều ca nhờ đội mũ bảo hiểm đã thoát chết, nếu không có mũ thì chấn thương sọ não và khả năng tử vong là điều không tránh khỏi.

Thưa bác sĩ, về cách đội mũ bảo hiểm, nên thắt quai (dây) đeo chặt hay lỏng thì tốt nhất?

Vừa ôm cằm là tốt nhất. Không nên quá chặt. Thắt dây làm sao đừng để lại lằn hai bên má sau khi đội. Cũng đừng quá lỏng hoặc không gài dây, vì như vậy khi vừa ngã khỏi xe thì mũ đã văng đi nơi khác, không còn giá trị che chắn cái đầu cho mình.

Theo bác sĩ, trẻ em ngồi xe có nên đội mũ bảo hiểm vì phổ biến hiện nay khi lên xe, đứa con ngồi giữa cha mẹ hoặc được mẹ bồng thì không có mũ?

Đã đội thì ai cũng phải đội. Chúng tôi đã chứng kiến cảnh đau lòng như thế này: khi tai nạn xảy ra, bố văng một nơi, mẹ văng một nơi, con văng một nơi, nhưng bố mẹ thì sống sót nhờ đội mũ bảo hiểm, còn đứa bé do không đội mũ nên không cứu được vì vỡ sọ. Tôi cũng khuyên cả người chạy xe đạp, xe đạp điện nên đội mũ bảo hiểm, vì như đã nói tai nạn giao thông không chừa bất cứ ai.

Nhiều người cho rằng đội mũ bảo hiểm sẽ hạn chế khả năng nghe và tầm quan sát?

Chỉ ở ta mới có tình trạng chạy xe bóp còi inh ỏi như vậy, chứ người ta chỉ cần đi đúng luật và quan sát kỹ là đủ rồi. Thực tế chúng ta thấy các tài xế ôtô ngồi trong xe kín mít lại còn mở nhạc, có nghe ai bóp còi đâu. Thường người chạy xe quan sát kỹ phía trước và nhìn phía sau thông qua kính chiếu hậu, chứ không có kiểu phải ngoái đầu nhìn lại như ta.

Thật ra, việc ngoái đầu nhìn lại như vậy rất dễ gây ra tai nạn, trong khi đó người dân chúng ta không sử dụng kính chiếu hậu, hoặc là gỡ bỏ đi hoặc là thay bằng cái kính nhỏ xíu để đối phó với cảnh sát giao thông. Như thế là không đúng với các qui tắc chung về giao thông.

Hiện nay trên thị trường có loại mũ có kính che mặt, ông có khuyên người dân chọn loại mũ này?

Như tôi đã nói, mũ che được càng nhiều thì càng tốt, riêng với kính che mặt thì phải đảm bảo chất lượng, đảm bảo độ trong suốt để không hạn chế tầm nhìn và khả năng quan sát của mắt.

Xin cảm ơn bác sĩ!

Theo Lê Anh Đủ
Tuổi Trẻ