“Ông từ thiện” 86 tuổi
Các Website khác - 03/12/2007
Ông Sa đang điểm lại danh sách những mảnh đời khó khăn cần giúp đỡ.

Ông tên Nguyễn Trường Sa, năm nay tròn 86 tuổi. Những người khó khăn được ông giúp đỡ vẫn gọi ông một cách trìu mến là “ông già từ thiện”.

 

Ân nhân của người nghèo

 

Sau một hồi chạy xe lòng vòng, chúng tôi mới tìm được căn nhà của ông Nguyễn Trường Sa nằm khiêm tốn ở cuối thôn Định Xá. Đon đả mời tôi chén nước lá vằng, ông bảo “có gì ghê gớm đâu mà viết báo”, ông cũng như tất cả mọi người trong thôn Định Xá này, thấy người khó khăn thì giúp đỡ gọi là “lá lành đùm lá rách”.

 

Ông thủng thẳng kể: Khoảng năm 1997, trong một lần lên UBND xã Cam Thuỷ có việc, ông ghé Hội Từ thiện xã. Ngồi chuyện trò, tâm sự với mấy ông bạn ở Hội Từ thiện, ông mới biết thêm nhiều hoàn cảnh khó khăn đang cần được giúp đỡ trong khi kinh phí của xã quá eo hẹp. Trên đường đạp xe về nhà, ông cứ suy nghĩ mãi rồi đi đến quyết định sẽ chung tay với Hội Từ thiện xã làm “chiếc cầu” nối giữa người nghèo với những tấm lòng hảo tâm.

 

Nghĩ là làm, ông lấy toàn bộ số tiền gần 40 triệu đồng dành dụm, tiết kiệm cả đời để mua gạo, áo quần, chăn màn, gửi đến Hội Từ thiện xã Cam Thuỷ, từ đó đến tay người nghèo. Ngoài ra, hàng tháng ông đều tự trích 500 nghìn đồng tiền lương để mang đến Hội Từ thiện xã giúp những mảnh đời khó khăn.

 

Ông cụ chậm rãi tâm sự: “Mặc dù gia đình ông không khá giả, giàu có gì nhưng cũng được con cái lo lắng chu đáo từ miếng cơm, manh áo. Khi đau ốm lại có các con bên cạnh chăm sóc, vậy là hạnh phúc lắm chứ nhiều người đến tuổi già đau ốm không có ai thuốc thang nhìn mà xa xót cả lòng. Mình đến với họ, giúp họ miếng cơm, mảnh áo trong cơn khốn khó lòng mình cũng thấy thanh thản hơn”.

 

Ông kể trường hợp của cụ Nguyễn Văn Giả (90 tuổi) sống một mình không ai chăm sóc, sớm tối thui thủi. Thấy hoàn cảnh cụ Giả đáng thương, ông bàn với Hội Từ thiện xã Cam Thuỷ mỗi tháng trích 200 nghìn đồng biếu cụ. Mỗi khi nghe tin cụ Giả đau ốm, dù nắng hay mưa, ông cũng đến thăm rồi tự tay chăm sóc, trong khi bản thân ông cũng đã ở cái tuổi gần đất xa trời.

 

“Còn sống, còn làm việc thiện”

 

Đang dở câu chuyện, ông bỗng trầm ngâm: “Bây giờ tuổi đã già, sức đã yếu rồi nên dù cố gắng lắm thì mỗi tuần ông cũng chỉ đạp xe đi vận động bà con quyên góp được 1 lần. Bữa nào đau ốm không đủ sức đạp xe, ông lại nhờ các con chở đi lòng vòng các thôn, xã trong huyện quyên góp”.

 

Ông kể, ngoài việc đạp xe đi quyên góp, ông còn viết thư đến những người Quảng Trị thành đạt khắp mọi miền đất nước để vận động, kêu gọi họ cùng ông giúp đỡ người nghèo. Nhiều người hiểu được tấm lòng nhân ái của ông đã không tiếc tiền của gửi về cho quê hương còn nghèo khó.

 

Ông bảo mỗi lần nhận được quà quyên góp của những người con quê hương từ xa gửi về, dù chẳng phải quà của ông nhưng ông cũng phấn khởi đến mấy ngày. Ông tự nhủ, xã hội còn rất nhiều tấm lòng nhân ái.

 

Hỏi ông về những dự định sắp tới, ông cười nhẹ: “Chừng này tuổi rồi không biết còn sống được bao lâu nữa để mà dự định cho tương lai? Nhưng hễ còn sống ngày nào thì ông sẽ còn đi vận động, quyên góp giúp đỡ người nghèo ngày đó. Vẫn còn rất nhiều người nghèo khó cần đến ông”.

 

Sỹ Hoàng