Lượng tăng - chất giảm
Cả nước hiện có khoảng 45 triệu người trong độ tuổi lao động (LĐ) và cứ một năm lại có thêm 1 triệu người bổ sung vào lực lượng LĐ. Các chuyên gia đánh giá, hiện nay Việt Nam có một lượng LĐ hùng hậu, có nhiều tiềm năng nhưng lại tỷ lệ nghịch với chất lượng.
Theo kết quả điều tra, tỷ lệ mù chữ của LĐ Việt Nam là 4%. Trong tỷ,lệ mù chữ này lại có sự cách biệt quá cao giữa các vùng miền và khu vực. Trong tám vùng lãnh thổ thì vùng có tỷ lệ LĐ mù chữ cao nhất là Tây Bắc (17%) và Tây Nguyên (10%), thấp nhất !à Đồng bằng sông Hồng (0,6%) và Bắc Trung Bộ (1,9%). Sự cách biệt này càng trở nên "trời-vực" khi so sánh nông thôn - thành thị, đồng bằng - miền núi, vùng sâu, vùng xa...
Kết quả điều tra cũng công bố một con số buồn về trình độ chuyên môn kỹ thuật của lực lượng LĐ hùng hậu này. Tỷ lệ LĐ qua đào tạo mới chỉ là 24% (tăng 2,2% so với năm 2004); trong đó, đặc biệt chú ý là tỷ lệ LĐ đã qua đào tạo nghề nói chung mới chiếm 15%.
Thứ trưởng LĐ-TB&XH Lê Duy Đồng đã thốt lên: "Con số khiến nhiều người suy ngẫm, nó đang chi phối đến nhiều hoạt động của nền kinh tế...". Đây cũng là chỉ tiêu không hoàn thành, trong khi tất cả các chỉ tiêu đều vượt (chỉ tiêu Đại hội Đảng IX đề ra là 30% LĐ qua đào tạo). Con số này vẫn phản ánh một thực tế là nền kinh tế đang thiếu trầm trọng LĐ có tay nghề; hệ thống giáo dục, định hướng nghề nghiệp vẫn có nhiều vấn đề: Qua đó cho thấy, tâm lý coi trọng bằng cấp còn bám rễ quá sâu trong đại bộ phận nhân dân.
Cơ cấu LĐ ì ạch đuổi theo cơ cấu kinh tế
Theo định hướng, cơ cấu LĐ phải dịch chuyển theo hướng giảm LĐ nông nghiệp, tăng LĐ công nghiệp và dịch vụ. Điều kiện cần đầu tiên để cơ cấu LĐ dịch chuyển mạnh theo hướng đó là phải tăng lực lượng LĐ có tay nghề, giảm LĐ "phổ thông" (thuần túy cơ bắp).
Thế nhưng, nhìn vào chất lượng LĐ qua các con số kể trên thì cũng đủ thấy tốc độ dịch chuyển của cơ cấu LĐ đang ở mức nào, trong khi cơ cấu kinh tế đang ngày càng năng động. Theo đó, một loạt vấn đề như thất nghiệp tại thành thị, LĐ nông thôn mất đất thiếu việc làm... vẫn chưa có lời giải.
Theo kết quả điều tra, hiện có 56% lực lượng LĐ làm việc tại khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; 17% là công nghiệp và xây dựng; dịch vụ là 25%. Theo các chuyên gia thì tuy cơ cấu LĐ có dịch chuyển theo tích cực và cố đuổi bắt cơ cấu kinh tế nhưng đây vẫn là "tốc độ rùa". Trên thực tế, cơ cấu kinh tế đang năng động và thay đổi từng ngày, từng giờ, nhưng cơ cấu LĐ vẫn gần như giẫm chân tại chỗ. Theo đó nền kinh tế đang vận hành thiếu đồng bộ.
Để chứng minh cho điều này, các chuyên gia của Bộ LĐ-TB&XH dẫn dụ, hiện nay các doanh nghiệp đang ở trong cơn khát LĐ nhưng khó tuyển được số lượng LĐ cần thiết và ưng ý; trong khi đó LĐ vẫn thất nghiệp nhiều. Sự bất cập giữa cơ cấu kinh tế- cơ cấu LĐ biểu hiện rõ nhất là tình trạng thừa thầy thiếu thợ, đào tạo nghề không theo kịp yêu cầu của nền kinh tế.
Tỷ lệ thất nghiệp tại thành thị giảm, thời gian nông nhàn cũng giảm (?) Con số ấn tượng nhất của cuộc điều tra lần này là tỷ lệ thất nghiệp chung tại thành thị còn 5,3% (giảm 0,3% so với năm 2004); đặc biệt ở độ tuổi 15 - 24 tỷ lệ này là 13% (giảm 0,5% so với năm 2004). Trong 8 vùng lãnh thổ thì Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất (5,6%)... Bên cạnh đó, tỷ lệ thời gian LĐ được sử dụng ở khu vực nông thôn là 80% (tăng 1,6% so với năm 2004). Tuy nhiên, trong khi cơ cấu LĐ đang ì ạch đuổi theo cơ cấu kinh tế năng động và thêm vào đó là chất lượng LĐ chưa cải thiện đáng kể mà tỷ lệ thất nghiệp lại giảm mạnh thì đây là sự mâu thuẫn lớn. Mâu thuẫn này xuất phát từ bất hợp lý của cơ cấu LĐ hay từ kết quả điều tra?
|
|