![]() |
Cục trưởng Thú y Bùi Quang Anh. Ảnh: N.T. |
Sau vụ khai khống gia cầm tiêu hủy nhằm chiếm đoạt tiền tỷ tại thôn Đại Đồng, xã Đại Mạch, huyện Đông Anh (Hà Nội), được phanh phui, chiều 9/1, trao đổi với VnExpress, Cục trưởng Thú y Bùi Quang Anh khẳng định, rà soát lại việc tiêu huỷ gia cầm là nhiệm vụ trọng tâm của các đoàn kiểm tra sắp tới.
- Vụ khai khống gia cầm tiêu hủy tại thôn Đại Đồng, xã Đại Mạch, cụ thể như thế nào, thưa ông?
- Thực ra, tôi chưa có báo cáo về chuyện này mà chỉ xem qua truyền hình. Theo tôi, để xảy ra sự việc thì trước hết là trách nhiệm quản lý của UBND xã Đại Mạch, thứ hai là chủ tịch UBND huyện và Ban chỉ đạo phòng chống cúm gia cầm xã, huyện. Kinh phí tiêu hủy Chính phủ giao một cục cho địa phương. Riêng Hà Nội, khoản tiền này do ngân sách thành phố đảm nhiệm.
- Thành phần ban chỉ đạo phòng chống cúm gia cầm ở xã Đại Mạch có nhân viên thú y. Hơn nữa, cán bộ thú y huyện cũng phải xuống kiểm tra. Như vậy, các cán bộ này cũng phải có trách nhiệm?
- Nhân viên thú y xã cũng do ông chủ tịch UBND xã, trạm thú y huyện Đông Anh quản lý. Thực ra, hệ thống thú y trong biên chế nhà nước chỉ khoảng 3-4 nghìn người, còn mạng lưới thú y cơ sở khoảng 50 nghìn. Mỗi xã thường có một cán bộ thú y, có trách nhiệm tham mưu, tư vấn cho chính quyền trong công tác phòng chống dịch. Thực tế, nhiều trường hợp anh em đành bất lực. Ví dụ thú y đóng tại các trạm kiểm dịch, nếu không có sự tham gia của công an thì không thể dừng xe và giữ lại.
Tôi cho rằng một vài thú y xã phường không thể làm hết việc. Họ chỉ có trách nhiệm truyền tải những thông điệp chuyên môn của Cục Thú y xuống cho chính quyền.
- Nhưng rõ ràng cán bộ thú y xã phải báo cáo ngay về việc khai khống, chứ không phải để người dân phát hiện?
- Đúng là cán bộ thú y phải có trách nhiệm báo cáo với UBND xã, Trạm thú y và Chi cục Thú y.
- Ông nghĩ sao trước ý kiến cho rằng trong số gần 4 triệu gia cầm tiêu hủy đợt dịch năm 2005 và mấy chục triệu gia cầm trong các năm trước, rất có thể sẽ có nhiều Đại Đồng?
- Tôi cho rằng trong hơn 40 triệu gia cầm phải tiêu hủy thời gian vừa qua (từ năm 2003 khi bùng phát dịch cúm) là có hiện tượng khai khống. Chính quyền các cấp phải đi kiểm tra việc tiêu hủy gia cầm, đặc biệt là Bộ Tài chính phải chỉ đạo các Sở Tài chính kiểm tra việc thống kê, chi trả tiền hỗ trợ tiêu hủy.
- Là cơ quan hướng dẫn về chuyên môn phòng chống dịch, nhưng tại Đại Mạch, các hố chôn gia cầm đều không đúng quy cách. Cục nhìn nhận trách nhiệm của mình như thế nào?
- Cục Thú y không thể xuống từng địa phương để kiểm tra việc tiêu hủy gia cầm, mà chỉ ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức tập huấn kỹ thuật, tổ chức hội nghị triển khai và giám sát tình hình dịch bệnh. Các hộ tiêu hủy gia cầm đâu có khai báo với Cục Thú y, mà chỉ khai với chính quyền địa phương, cụ thể là UBND xã, huyện. Ủy ban sẽ thành lập những đội kiểm soát chi tiêu tài chính, thành phần gồm tài chính, công an, dân quân, du kích, thú y.
- Cục Thú y sẽ phải tham mưu để kiểm tra việc tiêu hủy sắp tới như thế nào?
- Cái này Ban chỉ đạo phòng chống cúm gia cầm quốc gia đã nói rất nhiều lần. Thời gian qua, các đoàn kiểm tra của Chính phủ xuống địa phương làm rất nhiều việc, từ công tác chống dịch, xử lý môi trường, chi tiêu hỗ trợ tiêu hủy gia cầm. Nhưng rất tiếc không đoàn nào có báo cáo về việc kê khai khống gia cầm tiêu hủy. Vụ việc Đại Đồng được phanh phui sau, nên cuộc họp giao ban của Chính phủ vào thứ 5 tuần trước đã không đề cập đến vấn đề này. Có thể cuộc họp tuần này sẽ có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ.
- Vậy thời gian sắp tới, các đoàn kiểm tra của Chính phủ có xem xét lại việc tiêu hủy gia cầm?
- Chắc chắn xem xét lại việc tiêu hủy gia cầm sẽ là nội dung quan trọng của các đoàn kiểm tra sắp tới. Việc khai khống để chiếm đoạt tiền của nhà nước là không thể chấp nhận.
Phát hiện thêm 15 hộ gian dối trong kê khai tiêu hủy Hôm qua, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đã giao trách nhiệm cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp chặt chẽ với huyện Đông Anh kiểm tra, làm rõ những sai phạm của cán bộ và các cá nhân để xảy ra vụ kê khai khống ở xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, báo cáo thành phố trước 15/1. Cũng trong ngày 9/1, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ, Công an huyện Đông Anh, phối hợp với các ngành chức năng tiếp tục phúc tra việc tiêu huỷ gia cầm tự nguyện tại thôn Đại Đồng, xã Đại Mạch. Đến 17h cùng ngày, công việc phúc tra mới tạm dừng và đã phát hiện thêm 15 hộ chăn nuôi gia cầm tại thôn Đại Đồng đều có sự gian dối trong kê khai. Dưới các hố chôn gia cầm của 15 hộ trên chỉ có rất ít gà, vịt. Trong khi đó, mỗi hộ khai số lượng gia cầm được tiêu huỷ lên đến hàng nghìn con. Chủ tịch xã Đại Mạch: "Các hố có ít gia cầm vì người dân lấy về cho lợn" Tại buổi làm việc ngày 8/1 của Sở Nông nghiệp, Chi cục Thú y, Trạm thú y Đông Anh và Công an kinh tế thành phố, chủ tịch xã Đại Mạch giải trình: đào các hố hủy có rất ít gia cầm là do hủy gia cầm không có dịch nên người dân lấy về cho lợn, thôn không quản lý được. Theo báo cáo của Trạm thú y Đông Anh, việc tiêu hủy gia cầm ở Đại Mạch được tiến hành làm 3 đợt, bắt đầu từ ngày 29/11 đến 29/12/2005. 428 hộ chăn nuôi đã tự nguyện xin tiêu hủy 482.410 gia cầm. Trong đó, gà trên 0,5 kg là 191.620 con, gà dưới 0,5 kg là 26.750. Ngan, vịt trên 0,5 kg là 63.730 con. Còn lại là chim cút. Việc tổ chức tiêu huỷ do các tiểu ban chỉ đạo tiêu hủy gia cầm của 3 thôn Mạch Lũng, Đại Đồng, Mai Châu thực hiện. UBND xã cử y tế, dân phòng và trưởng ban thú y giám sát. Đến 7/12/2005, việc tiêu hủy tạm dừng vì có dư luận không minh bạch. UBND xã đã chấn chỉnh các tiểu ban và cử lực lượng dân phòng "chéo" thôn nọ giám sát thôn kia. Trong đợt 2 và 3 (từ 13/12 đến 29/12/2005), UBND xã đã cử Phó chủ tịch xã trực tiếp giám sát, chỉ đạo tiêu hủy. Trạm thú y huyện Đông Anh đã cử cán bộ Đỗ Thị Bích phụ trách 6 xã miền tây Đông Anh, trong đó có Đại Mạch, chịu trách nhiệm kiểm tra việc tiêu huỷ. Ngoài ra, Ban lãnh đạo trạm và Ban chỉ đạo pòng chống cúm của huyện đã đi kiểm tra đột xuất. Nhưng lúc đó không thấy có dấu hiệu gian dối. Đến 26/12/2005, Trạm thú y mới bắt đầu nhận được thông tin từ đường dây nóng về sự gian dối. |
Như Trang - Đoàn Loan
Theo dòng sự kiện: |
Khởi tố vụ gian lận tiêu huỷ gia cầm ở Đông Anh (09/01) |
Công an vào cuộc vụ khai khống gia cầm tiêu huỷ (09/01) |
Khai khống gà tiêu huỷ chiếm tiền tỷ (07/01) |
Xem tiếp» |
▪ Thổ Nhĩ Kỳ: Cúm gia cầm ở người lan tới thủ đô Ankara (09/01/2006)
▪ Hóa chất làm giảm sút sức khỏe (09/01/2006)
▪ Nói phải đi đôi với làm (09/01/2006)
▪ 300 hộ dân hơn sáu tháng nay chưa có điện trở lại (09/01/2006)
▪ Sinh viên Vinh với Làng trẻ em SOS (09/01/2006)
▪ Những bất cập của hệ thống giao thông đường bộ ở Bạc Liêu (09/01/2006)
▪ Mang thế giới về nhà (09/01/2006)
▪ Ước vọng của người dân Yên Thái đã thành hiện thực (09/01/2006)
▪ Muốn góp phần phát triển công nghệ và y học nước nhà (09/01/2006)
▪ Sau khi hạ nhiệt... (09/01/2006)