Ðể thu hút trí tuệ của toàn Ðảng, toàn dân trong việc chuẩn bị Báo cáo Chính trị trình Ðại hội X của Ðảng, Ban Bí thư Trung ương Ðảng đã chủ trương đưa dự thảo Báo cáo Chính trị lấy ý kiến toàn dân. Sau một tháng đã có hàng vạn ý kiến đóng góp cho dự thảo. Ý kiến đóng góp rất phong phú, đa dạng. Trung ương xem xét tiếp thu tất cả các ý kiến đóng góp hợp lý, xác đáng. Ðồng thời kiên quyết phê phán, bác bỏ những ý kiến chống đối, thù địch. Riêng tôi, qua những bài đã đọc, tôi thấy cần phải vạch trần sự ngụy biện trong một số quan điểm sai trái đã được tung lên trên mạng internet.
Về chủ nghĩa Mác - Lê-nin
Có ý kiến cho rằng: Sao lại cứ nêu tiêu chuẩn phải trung thành với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, ngoại lai, lỗi thời từng đưa Liên Xô và các nước Xã hội chủ nghĩa ở Ðông Âu đến sụp đổ, một học thuyết không có tác dụng gì cả được sinh ra gần 160 năm trước đây ở châu Âu không hiểu biết gì về phương Ðông và Việt Nam ta (?).
Theo tôi, đánh giá một học thuyết phải xem học thuyết đó có điểm gì đúng, sai trong quá trình từ khi hình thành đến nay học thuyết đó có giúp gì cho dân mình, nước mình, và nhân loại hay không.
Nói rằng chủ nghĩa Mác - Lê-nin không có tác dụng gì cả, đã đưa Liên Xô đến chỗ sụp đổ là vô tình hay cố ý quên đi một thời kỳ lịch sử vẻ vang mà Liên Xô, dưới tư tưởng chỉ đường của chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã cống hiến cho nhân loại.
Trên lĩnh vực khoa học kỹ thuật, Liên Xô từ một nước tư bản trung bình đã vươn lên thành siêu cường, có nhiều thành tựu vượt Mỹ, một nước được coi là đứng đầu thế giới tư bản, với nền khoa học kỹ thuật hiện đại. Liên Xô là nước đầu tiên phóng vệ tinh nhân tạo, đặt quốc huy lên mặt trăng, đưa con người lên vũ trụ v.v... mở đầu một giai đoạn khám phá vũ trụ được tiếp tục đến ngày nay.
Trên lĩnh vực xây dựng chủ nghĩa xã hội, được tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lê-nin soi sáng, Liên Xô trong một thời gian rất ngắn đã xây dựng nền kinh tế, quốc phòng hùng mạnh, làm lực lượng chủ công trong cuộc chiến đấu thần thánh đánh bại chủ nghĩa phát-xít, cứu loài người khỏi họa diệt chủng trong chiến tranh thế giới thứ II.
Với Việt Nam, làm sao nhân dân ta quên được, sau gần trăm năm dưới sự thống trị tàn bạo của thực dân Pháp, của quân phiệt Nhật Bản rồi sau đó là đế quốc Mỹ, dưới ánh sáng soi đường của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ðảng Cộng sản Việt Nam vận dụng một cách sáng tạo, đã thành công trong Cách mạng tháng Tám, xây dựng Nhà nước công nông đầu tiên ở Ðông-Nam Á, sau đó tiến hành thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp rồi chống đế quốc Mỹ, giành độc lập thống nhất đất nước. Từ đó Việt Nam trở thành mẫu mực cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước bị lệ thuộc trên thế giới.
Trong quá trình đổi mới, Ðảng ta kiên định độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trên nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã đưa sự nghiệp cách mạng Việt Nam vượt qua những thử thách hiểm nghèo giành được thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Như vậy, qua kiểm nghiệm trong thực tế đấu tranh cách mạng, những nguyên lý cơ bản của học thuyết Mác - Lê-nin vẫn đúng. Nếu vận dụng sáng tạo, cách mạng sẽ tiến lên, nếu vận dụng sai, cách mạng sẽ gặp khó khăn thậm chí có nguy cơ sụp đổ. Vấn đề đặt ra là: cùng với sự khẳng định, nắm chắc tư tưởng khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, phải kịp thời bổ sung những điểm mới đã được đúc kết trong thực tiễn cách mạng, làm cho nó phong phú hơn chứ không phải là vứt bỏ nó; không thể "chê đất lệch vì người múa vụng".
Về chủ nghĩa xã hội
Về mục tiêu tiến tới của cách mạng nước ta, có ý kiến không tán thành xây dựng chủ nghĩa xã hội, thắc mắc tại sao ở đâu cũng nêu quy luật phát triển cách mạng Việt Nam là kết hợp độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Rằng, xã hội chủ nghĩa là không tưởng, không có hình thù cụ thể(!). Mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Ðông Âu đã sụp đổ. Ngay Mác cũng không nói đến xã hội chủ nghĩa mà chỉ nói chủ nghĩa cộng sản thay thế chủ nghĩa tư bản. Nói kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là không có cơ sở, lý luận không hề có khái niệm này (!).
Ðúng là Mác không nói xã hội chủ nghĩa là giai đoạn cao nhất của các hình thái kinh tế xã hội mà ông nói hình thái kinh tế xã hội cao nhất sau chế độ tư bản là chủ nghĩa cộng sản. Chủ nghĩa xã hội là giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản. Từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản phải qua thời kỳ quá độ. Thời kỳ quá độ này, như Lê-nin từng viết: Là khá lâu dài vì cải tổ sản xuất là việc khó khăn, vì cần phải có thời gian mới thực hiện được những thay đổi căn bản trong mọi lĩnh vực của cuộc sống và vì phải trải qua một cuộc đấu tranh quyết liệt, lâu dài mới có thể thắng được sức mạnh to lớn của thói quen quản lý theo kiểu tiểu tư sản và tư sản.
Ở Việt Nam, sau khi hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, Ðảng ta lựa chọn con đường đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Ðộc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là con đường của cách mạng Việt Nam được Bác Hồ chọn ngay từ khi thành lập Ðảng. Thực tế lịch sử cho thấy, đây là sự lựa chọn đúng đắn duy nhất của cách mạng Việt Nam, giành độc lập dân tộc, kháng chiến thắng lợi và xây dựng đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Có người nói: theo chủ nghĩa xã hội là theo mô hình nào, vì Liên Xô đã sụp đổ sau 70 năm xây dựng, không còn là điều kiện để giúp ta (!).
Nói như vậy là coi nhẹ tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo của Ðảng và nhân dân ta. Ngay khi có Liên Xô, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân dân ta không tiến hành chiến tranh cách mạng theo kiểu trận địa chiến như Liên Xô mà là toàn dân kháng chiến, đánh giặc bằng hai chân, ba mũi giáp công trên ba vùng chiến lược, tiến lên giành toàn thắng bằng tổng tiến công và nổi dậy.
Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam ngày nay cũng thế. Chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta xây dựng sẽ có nội dung xã hội chủ nghĩa nhưng đậm đà bản sắc Việt Nam, kết hợp, phản ánh đầy đủ những nhu cầu cấp thiết của nhân dân, phong tục, tập quán tốt đẹp và truyền thống yêu nước, cách mạng của nhân dân ta.
Hiện nay, nước ta đang còn trong thời kỳ quá độ, tiến lên xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội chứ chưa phải là đã có chủ nghĩa xã hội như có người lầm tưởng. Chúng ta đã, đang và sẽ xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình đã được phác thảo trong "Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội".
Trong quá trình đổi mới, định hướng lớn về chính sách kinh tế xã hội, chủ trương của Ðảng và Nhà nước ta là phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Xóa bỏ cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp, hình thành cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước bằng pháp luật, kế hoạch, chính sách và các công cụ khác. Xây dựng và phát triển đồng bộ các thị trường hàng tiêu dùng, vật tư, dịch vụ, tiền vốn, sức lao động,... thực hiện giao lưu kinh tế thông suốt trong nước với thị trường thế giới.
Về khái niệm theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có người không đồng tình, cho rằng: đã là cơ chế thị trường sao lại là cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (?).
Xin nói ngay, đây là sự sáng tạo với tinh thần độc lập tự chủ của chúng ta, không theo cơ chế thị trường tư bản chủ nghĩa mà phát triển kinh tế thị trường chịu sự chi phối của các quy luật: quy luật giá trị, quy luật cung cầu và phải trải qua cạnh tranh lành mạnh, theo pháp luật của Nhà nước, không dung túng những việc làm phi pháp: đầu cơ, tích trữ, buôn lậu, dùng tiền và các thế lực đen tối chèn ép những người sản xuất nhỏ hoặc các tổ chức làm ăn chân chính. Theo định hướng xã hội chủ nghĩa, còn có nghĩa là các nhà kinh doanh được phép làm giàu theo khả năng có thể của mình nhưng trong khuôn khổ luật pháp, phục vụ lợi ích của đất nước, của nhân dân, phải chăm sóc đến đời sống của những người lao động, làm giảm bớt sự cách biệt giữa người giàu với người nghèo, góp phần xóa đói, giảm nghèo trong xã hội.
Nhà nước trong việc quản lý của mình sẽ đảm bảo cho mọi người sản xuất kinh doanh, mọi thành phần kinh tế được bình đẳng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm mọi tư liệu sản xuất đều có người làm chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình.
Lại có người nói rằng, Hồ Chủ tịch trong những năm cuối đời, Người đã, ngay cả trong Di chúc, ít dùng cụm từ chủ nghĩa xã hội (?). Sự thật trái lại. Từ năm 1960 đến 1969, Bác Hồ nhiều lần nói về chủ nghĩa xã hội. Thí dụ: Người thường nói và viết: Con đường tiến tới chủ nghĩa xã hội của các dân tộc là con đường chung của thời đại, lịch sử không ai ngăn cản được; Những người Cộng sản chúng ta không một phút nào được quên lý tưởng cao cả của mình là phấn đấu cho Tổ quốc hoàn toàn độc lập, cho chủ nghĩa xã hội hoàn toàn thắng lợi trên đất nước ta và trên thế giới; Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động thì được nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần dần được xóa bỏ... Tóm lại xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt. Ðó là chủ nghĩa xã hội; hoặc "Muốn có con người xã hội chủ nghĩa phải xây dựng tư tưởng xã hội chủ nghĩa, tư tưởng cộng sản chủ nghĩa";...
Trích dẫn một số câu của Bác Hồ trên đây, tất nhiên còn rất ít so với những lời Người đã nói và viết, để chứng tỏ Người quan tâm, chú trọng phương hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội như thế nào.
Về Ðảng cầm quyền
Ðây là vấn đề được nhiều người đóng góp ý kiến. Với tình nghĩa sâu sắc với Ðảng, trong tinh thần xây dựng chân thành, không ít người, vừa thương vừa giận, đã phê phán, thậm chí phê phán gay gắt những hiện tượng tiêu cực mà Ðảng ta để xảy ra trong thời gian dài, đến nay vẫn chưa được ngăn chặn đẩy lùi, như các tệ nạn tham nhũng, quan liêu, lãng phí, cửa quyền, ức hiếp dân, làm khó cho dân bằng những thủ tục rườm rà, xử lý nhiều việc oan sai, dân đi khiếu nại đến đâu cũng vấp phải sự im lặng đáng sợ...
Những ý kiến đó tuy gay gắt nhưng xây dựng, chân thành với Ðảng. Cũng xuất hiện một số ý kiến quy kết mọi xấu xa trong xã hội là hậu quả của chế độ một Ðảng cầm quyền. Họ cho rằng, kinh tế đã chấp nhận có nhiều thành phần, thì chính trị cũng phải có đa đảng, cạnh tranh nhau trong việc lãnh đạo đất nước (!).
Nước ta hiện nay đang trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ðể làm tròn nhiệm vụ nặng nề này, đưa Tổ quốc ta tiến lên nhanh và vững chắc, vấn đề đặt ra không phải là thay một Ðảng có lịch sử 76 năm nay, đã có nhiều thành tích, kinh nghiệm trong lãnh đạo nhân dân, được nhân dân tín nhiệm bằng một đảng mới hay thêm nhiều đảng mới, mà là chỉnh đốn lại Ðảng như Bác Hồ đã dạy trong Di chúc của Người, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả lãnh đạo của Ðảng bằng việc củng cố lại nhận thức, đổi mới tư duy lãnh đạo, đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo, gắn bó chặt chẽ, máu thịt hơn nữa với nhân dân.
|