(VietNamNet) - Dân xóm nghèo dưới chân cầu Mai Lĩnh bắc qua sông Đáy (Hà Tây) bỏ không nổi nghề, dù sống 24/24 với những tiếng đập chát chúa, trong khói và mùi hắc nghẹt thở của hoá chất thùng phuy.
|
Một góc xóm thùng phuy. |
Nghiệp... “đồng nát thùng phuy”
Xóm thùng phuy xuất hiện ở xã Đồng Mai, huyện Thanh Oai, Hà Tây từ cả chục năm nay, khi các hộ dân làm nghề thu nhặt thùng phuy cũ tập trung về dựng nhà sinh sống dưới chân cầu. Cả xóm chỉ vẻn vẹn vài chục hộ, đủ thành phần dân cư.
Anh Tám, một người dân có thâm niên làm thùng phuy cũ lâu năm nhất trong xóm cho biết: “Chúng tôi làm cái nghề này và gắn bó với nó đã gần chục năm nay, ban đầu chỉ có vài người tụ tập lại, nhưng dần dà do làm ăn được nên chúng tôi kéo cả gia đình, vợ con đến đây mua đất tạo dựng cơ nghiệp”.
|
Các đống thùng phuy bịt kín đường vào xóm. Nền đường nham nhở vì phải làm thớt băm thùng phuy. |
Xóm thùng phuy khác hẳn các khu dân cư khác bởi những đống thùng phuy cũ xếp cao hơn cả mái nhà; đặc biệt âm thanh ồn ào với những tiếng gõ, đập chát chúa 24/24. Dân trong xóm suốt ngày kỳ rửa, đập, cắt và nung đốt. Những chiếc thùng phuy sẽ đỡ nhem nhuốc sau khi được nấu lên, cọ rửa để loại bỏ hoá chất. Nhiều chiếc quá cũ thì bị đập, cắt tan tành để thành sắt vụn.
Trong xóm, không nhà nào không sống bằng nghề tân trang hoăc đập, cắt thùng phuy cũ. Nhà neo người thì thuê nhân công về làm. Những hôm có xe ôtô vào bốc hàng, cả xóm như có hội, nhà nhà không ai bảo ai, nào búa, nào đòn thi nhau đập, bẩy những chiếc thùng phuy rỗng lên xe.
Đôi khi, vài ba ngày vẫn chẳng thấy bóng dáng xe bốc hàng đâu; cả xóm lo, vì như thế có nghĩa hàng chuyến trước vẫn chưa "đi" được. “Làm cái nghề này mà xe không đến bốc hàng thì có mà lo ngay ngáy. Không chỉ thất thu tiền bạc, mà hàng lấy về cũng không biết chứa vào đâu” - anh Tám trăn trở.
Trả lời về nguồn gốc của loại hàng đặc biệt này, anh Tám rỉ tai: "Chúng tôi đến các nhà máy, xưởng sửa chữa ôtô đóng trên địa bàn hoặc ở các tỉnh xa, móc nối với bảo vệ để họ tuồn hàng ra. Đôi khi thêm cả đồ “chôm” "chỉa"; mỗi thùng như thế cũng lãi được vài chục ngàn đồng”.
Thế nên, người dân xóm thùng phuyớiay lắm, làm quần quật tối ngày, bất kể trời nắng hay mưa. Do người lớn bận kiếm sống nên trẻ nhỏ trong xóm cũng bị gác lại chuyện học hành. Mấy chục nóc nhà ngày ngày loanh quanh với mấy cái thùng phuy lem luốc, nơi chân cầu bụi bặm.
|
Thùng phuy chờ xử lý xếp cao... gần bằng nóc nhà 2 tầng. |
Bám trụ nghề độc hại
Chỉ 3 giờ đứng trong xóm thùng phuy, PV VietNamNet đã thấy cồn cào, khó thở bởi thứ mùi nồng nặc bốc ra từ các đống thùng phuy và dòng sông bên cạnh. Đoạn sông Đáy ở đây đen ngòm, mỗi ngày tiếp nhận cả nghìn m3 nước cọ thùng phuy.
Ở đây, suốt ngày nghe tiếng đập phá, thấy cảnh nung nung đốt và kỳ rửa; đặc biệt, ngửi thấy một bầu không khí đặc quánh hơi dầu và hoá chất bốc ra từ những chiếc thùng phuy.
Toàn bộ hệ thống đường xá trong xóm chẳng còn hình dạng; đường chẳng ra đường, lối chẳng ra lối. Các công trình dân sinh và ngay cả mặt tiền Nghĩa trang liệt sĩ xã Đồng Mai dưới chân cầu cũng bị dầm nát. Đường bị xé lỗ chỗ (sau một thời gian dài làm thớt băm thùng phuy), cây cối và các bức tường xác xơ, bám đầy nhọ hoá chất.
|
Nước sông đen ngòm sau chục năm nhận nước rửa thùng phuy. |
Dân các thôn kế bên rất bức xúc với tiêng động chát chúa và mùi hắc toả ra từ xóm thùng phuy. Anh Đoàn Huy Thiệp (thôn Cò Bạt) ngao ngán: "Ngoài mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường, xóm thùng phuy còn nhiều lần để hoá chất cháy lan sang các khu vực khác và gây hoả hoạn".
Nhưng cả xóm thùng phuy, không ai muốn đổi nghề, càng không muốn dời đi nơi khác.
Ngày ngày, họ vẫn cần mẫn nung đốt, kỳ rửa những chiếc thùng phuy đầy hoá chất bằng đôi tay trần, không một chiếc khẩu trang, không manh áo bảo hộ. Quá quen với mùi hoá chất thường trực, đa số họ để nguyên người ngợm nhễ nhại ngồi ăn uống để làm tiếp.
Ngay bọn trẻ, tối đến vẫn được nhiều bà mẹ "hoãn" tắm rửa, cho phép mang cả hơi dầu, hơi hoá chất lên giường!
|
Nghĩa trang liệt sĩ xã Đồng Mai và trụ sở phân khu quản lý đường bộ 222 luôn bị chặn lối. |
Anh Tám và hầu hết bà còn ở đây bảo: "Biết là độc hại ô nhiễm, nhưng nếu không làm cái nghề này thì biết làm gì, đi đâu? Thà chịu đựng một chút nhưng có cơm ăn; chuyện khác tính sau..."
Ông Ngô Quang Thuận, Phó chủ tịch UBND xã Đồng Mai (Thanh Oai), phân bua: "Để bảo vệ sức khoẻ người dân và môi trường, nguồn nước, xã điều động lực lượng dân quân đến giải toả xóm thùng phuy nhiều lần, nhưng không thành. Nghề làm thùng phuy, bà con gắn bó đã lâu nên có cản cách gì cũng không được".
Người dân thì vì “bát cơm manh áo…”, không thể bỏ nghề mưu sinh. Chính quyền địa phương thì "bó tay" trước cảnh ô nhiễm, độc hại. Kết quả là xóm thùng phuy cứ tồn tại, sông Đáy tiếp tục lặng lẽ nhận về mình nhiều hoá chất không rõ nguồn gốc.