Cần tiêu chí chuẩn cho các trường quốc tế
Các Website khác - 25/03/2006

"Khi chọn trường quốc tế cho con học, chúng tôi mù mờ không hiểu nơi nào đúng chuẩn, nơi nào không. Các trường cần có tiêu chí chung và đảm bảo chất lượng, tránh tình trạng chỉ kinh doanh trên cái tên", bà Nguyễn Minh Hương, Ban Văn hoá xã hội, HĐND TP HCM, nói.

Phó Giám đốc Sở văn hoá Thông tin TP HCM Nguyễn Thế Thanh. Ảnh: T.T.

Tại buổi làm việc giữa Ban Văn hoá Xã hội với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, hôm qua, bà Hương cho rằng, mục đích của xã hội hoá giáo dục là nâng cao hiệu quả học tập của học sinh. Hiện hệ thống các trường ngoài công lập nói chung, trường quốc tế nói riêng phát triển khá mạnh nhưng việc giám sát chuyên môn, quản lý của cấp ngành chức năng chưa sát. Chất lượng dạy và học của một số trường có thể cũng bị "thả nổi".

"Việc giám sát, quản lý với các trường này có khoảng cách không nhỏ so với công lập. Trường, lớp công lập được kiểm tra thường xuyên nhưng hệ khác thì ngược lại. Ngành giáo dục nên xem xét để đưa ra những tiêu chuẩn về chất lượng trường quốc tế và công bố theo định kỳ hằng năm, giúp phụ huynh yên tâm cho con đi học", bà Hương đề xuất.

Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Ban Văn hóa Xã hội thành phố, phản ánh, nhiều trường mang danh quốc tế vẫn chỉ đào tạo theo chương trình của Bộ Giáo dục đào tạo và Sở trực thuộc. "Tên gọi này chưa ổn. Nên chăng các trường quốc tế chỉ lấy tên là bán công hoặc tư thục chất lượng cao?", ông Minh đặt vấn đề.

Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thông tin TP HCM Nguyễn Thế Thanh, cũng cho rằng, cần điều chỉnh chất lượng hoạt động của các trường ngoài công lập gắn mác quốc tế. Vì thực tế ở một số trường, học sinh không còn hứng thú học như những ngày đầu. Và hoạt động dã ngoại chỉ đi một địa điểm, không tạo điều kiện cho học sinh mở mang tầm mắt, tiếp thu cái mới.

Tuy nhiên, cũng theo bà Thanh, không nên e ngại khi nói đến tính từ "quốc tế". "Vì bản chất của từ này là nói đến chuẩn mực, tiêu chuẩn giáo dục của các nước tiên tiến. So với những trường khác thì Trường quốc tế Úc Châu, Á Châu của thành phố quả là có những khoảng cách trong tổ chức, thực hiện", bà Thanh phản ánh. "Nhưng do Việt Nam còn những điều kiện hạn chế nên tiêu chuẩn trường quốc tế như thế nào là vấn đề xác định trong tương lai".

Ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, nhìn nhận, ngành giáo dục cần xây dựng một mô hình chuẩn cho các trường giáo dục quốc tế và lấy đó làm chủ đạo, nhân rộng cho hệ thống chung, tạo sức mạnh dư luận trong xã hội.

Theo ông Minh, trong quan niệm của nhiều người, khi nói tới trường quốc tế, thường đề cập những vấn đề hình thức: thày cô, học sinh và cách quản lý ra sao, có máy lạnh, hồ bơi hay không...? "Vấn đề quan trọng nhất là mục tiêu đào tạo: học để biết, để làm, để cùng chung sống... Tri thức được thế giới quy làm 6 bậc: biết - hiểu - vận dụng - phân tích - tổng hợp và đánh giá", ông Minh nói. "Nhưng thực tế, học sinh của chúng ta nói chung mới được cung cấp thông tin là chính. Lác đác mới có trường tổ chức cho các em học, hiểu và làm".

Ông Minh cũng khẳng định, hệ công lập vẫn là chủ lực trong đào tạo. Hình thức đa dạng hoá các trường lớp như hiện nay là để tạo cơ chế cho hệ này thực sự phát huy vai trò của mình.

Thanh Lương