Cha mẹ "cá biệt"
Các Website khác - 29/11/2005

Lâu nay, chỉ thường nghe cụm từ “học sinh cá biệt” - ám chỉ những đứa trẻ có vẻ khác thường, khó dạy, thậm chí hư hỏng. Đôi khi sự cá biệt của những đứa trẻ ấy lại do từ cha mẹ chúng...

Soạn: AM 634491 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Quyền lực của cha mẹ (!?)

Bà Nguyễn Thị Hường, Hiệu trưởng Trường THCS Bình Quới Tây (Q. Bình Thạnh, TP.HCM), cho biết bà cứ nhớ mãi lần mình tiếp một ông bố đã hầm hầm đến la lối: “Trường dạy con tôi thế nào mà tôi nói nó không nghe lời”. Hỏi ra mới biết... “nó” đã bỏ ra đường suốt đêm vì chịu hết nổi khi nghe bố mẹ cãi vã. Hai ông bà gây xong, ra tìm “nó” kêu vào nhà, “nó” nhất định không vào!

Tương tự, tại Trường THPT An Nhơn Tây (huyện Củ Chi, TP.HCM), ông hiệu trưởng Bùi Hồng Chiến cho biết đã từng tiếp một phụ huynh vào trường mắng vốn vì: “Tại sao nhà trường dạy con tui... mất dạy với cha mẹ?”. Tìm hiểu mới biết: Ông bố này uống rượu say, về kiếm chuyện với vợ, “nó”phản đối, ông lấy cây đánh nó, nó giật cây, trước khi bỏ chạy nó còn “nhá nhá" vài cái với ông. Thật đáng tiếc là các bậc phụ huynh trên lại luôn cho mình hành xử đúng, lại còn “lý luận”: “Tôi đẻ nó ra, nó không có quyền. Tôi có mọi quyền với nó!”.

Không phải chỉ những phụ huynh có trình độ văn hóa thấp mới nhận thức hạn chế. Văn phòng Tư vấn trẻ em (VPTVTE) TP.HCM (57 Ký Con, Q.1, TP.HCM) từng tiếp nhiều phụ huynh tự hào là mình có trình độ đại học, có khả năng dạy con... không cần sự góp ý của ai cả.

Hãy thử xem cách dạy dỗ con của một ông bố trình độ đại học, thằng bé bỏ nhà đi bụi, nhân viên xã hội phát hiện em ngủ bụi ở vỉa hè, lân la làm quen, biết là “ma mới” nên nhanh chóng đưa em đến gặp bà Phan Thanh Minh - trưởng văn phòng. Lý do cậu bé đang học lớp 10 này bỏ nhà đi là để phản đối "Bố quá độc tài, buộc con phải làm theo mọi ý muốn của ông, từ học hành đến áo quần, tóc tai... Ngay đến phòng ngủ của con cũng phải “khoét cửa” để ông nhìn vào xem con đang làm gì!”...

Do bực tức, thằng bé mặt nặng mày nhẹ tối ngày thì ông bố cho rằng con mình “mất dạy”, hăm sẽ cạo đầu nếu nó không thay đổi thái độ, không chờ bố cạo đầu, thằng bé đã cạo đầu trọc lóc. Lẽ ra phải tìm tiếng nói chung với con, ông bố lại kết án: “Nó hết thuốc chữa!”.

Trường hợp của một bé gái dưới đây còn tệ hơn: em đã cầu cứu VPTVTE vì bị bà mẹ xích vào chân giường do đã... đi chơi với bạn bè! Bà mẹ giải thích: “Xung quanh chỗ tôi ở xì ke ma túy rất nhiều, tôi sợ nó nhiễm mới làm vậy!”. Tư vấn viên giải thích mãi mà bà mẹ vẫn khăng khăng giữ ý định của mình. Em buồn bực: “Má con làm quá, con sẽ bỏ nhà đi bụi”.

Kinh tế gia đình là ưu tiên số một?

Tư vấn viên của trường L., kể về trường hợp một em gái mới học lớp 9, có cha mẹ đều là thạc sĩ, tiến sĩ, đang ở nước ngoài, để lại em “giữ nhà” cùng với một người làm! Em nói, em không muốn theo ba mẹ qua sống ở Mỹ, vì bên ấy ba mẹ em cũng vắng nhà suốt. Ở đây em còn có bà nội. Tuy nhiên, vì cuộc sống ở nước ngoài bận rộn nên ba mẹ em không thể mang theo một bà già bán thân bất toại, bà nội lại chỉ có mình ba em là con nên đã quyết định gửi bà nội ở... nhà nuôi người già!

Tiếp xúc với học sinh này tư vấn viên mới thấy em đang có biểu hiện rối nhiễu tâm lý, mất niềm tin vào cuộc sống. VPTVTE đã động viên để em đồng ý sang Mỹ sống với cha mẹ vào giữa tháng 10/2005. Sự bỏ mặc con cái của cha mẹ em, đã làm tổn thương tâm hồn bé nhỏ của em. Mặt khác, em lại bị ảnh hưởng tâm lý khi phải chứng kiến cách cư xử trái đạo lý của cha mẹ đối với bà nội. Em từng hỏi chuyên viên tư vấn tâm lý: “Sống để làm gì mà sao vô tình vô nghĩa?”.

Sự cá biệt của cha mẹ còn quá đáng hơn khi không tạo điều kiện cho con cái vươn lên. Chị Nguyễn Thị Thu Hà, tư vấn viên của điểm tư vấn thuộc P.2, Q. Bình Thạnh, TP.HCM kể: Thấy một học sinh nghèo phải nghỉ học, chúng tôi đã xin cho em một suất học bổng để học nghề. Thủ tục xong hết, nhưng buổi khai giảng không thấy em đến lớp. Hỏi người mẹ, bà ấy nói: “Thông cảm, chắc nó học không được vì chiều nó còn đi bán vé số!”.

Thạc sĩ tâm lý Thạch Ngọc Yến cảnh báo những đứa trẻ có vấn đề đều xuất phát từ thái độ ứng xử của cha mẹ. Đối với con cái, cha mẹ không nên dùng biện pháp cấm đoán, đánh chửi, sỉ nhục, dùng quyền lực áp đảo mà nên tôn trọng thảo luận cùng con.

“Học sinh cá biệt thì cần được sự giúp đỡ trong học hành, lối sống, cha mẹ cá biệt cũng thế” - bà Phan Thanh Minh, trưởng VPTVTE, xác định: Nhưng ai là người giúp cho cha mẹ cá biệt? Vì sao hiện nay có nhiều trẻ lớn lên trong gia đình giàu có lại hư hỏng? Tại sao có gia đình con cái hiếu thảo, nhưng có gia đình thì ngược lại? Mỗi đứa trẻ đều hình thành nhân cách trong gia đình, vì thế lối sống của cha mẹ có tác động rất quan trọng đến quá trình này.

(Theo Phụ nữ)