Khi không có thầy, học sinh vẫn biết cách học!
Các Website khác - 01/12/2005
Thầy Trần Đức Huyên (bìa trái) cùng các GV tham gia chương trình giao lưu đứng trước "gian hàng" giới thiệu giáo án điện tử của Việt Nam
Trở về từ cuộc giao lưu "Nhà giáo sáng tạo" (Hàn Quốc) với gần 100 GV của 25 nước châu Á - Thái Bình Dương, thầy Trần Đức Huyên, HP, GV toán Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã có nhiều băn khoăn về việc dạy và học ở nước ta hiện nay.

Thầy cho biết:

- Mỗi nước tham gia giao lưu được phân bố một gian hàng. Ở đây chúng tôi (đoàn Việt Nam có 3 GV tham gia ba môn toán, tiếng Anh, văn) bày sản phẩm của mình là các giáo án điện tử, dự án giao cho HS thực hiện để bổ trợ bài học...

Chúng tôi tham quan gian hàng các nước bạn ở bộ môn của mình quan tâm, tìm hiểu việc sử dụng công nghệ thông tin của GV nước bạn trong việc giảng dạy, tham quan một số trường học... Ngoài ra chúng tôi cũng được tham gia một hoạt động sáng tạo khá độc đáo.

Ban tổ chức bố trí cho mỗi người đến tham quan một số địa điểm không liên quan gì đến giáo dục như: nhà hát Opera, buổi biểu diễn thời trang jean Levis, Đài phát thanh... Sau đó trở về, họ hỏi chúng tôi đã có ý tưởng nào vận dụng cho giáo dục và những ý tưởng đó được dán lên bảng cho mọi người xem.

* Qua đó, thầy có nhận xét gì về việc giảng dạy bằng giáo án điện tử của ta và các nước lân cận?

- Khác rất lớn của ta với các nước là họ phát triển việc đưa công nghệ thông tin vào giảng dạy theo 3 cấp. Cấp 1 gọi là E. Teaching (dạy học với sự giúp đỡ của công nghệ thông tin) tức là dùng các phương tiện hiện đại để hổ trợ việc dạy như đưa âm nhạc, hình ảnh, đoạn phim... Tuy bài dạy rất hấp dẫn nhưng hiệu quả lại hạn chế: vẫn tập trung vào người thầy, lấy thầy làm trung tâm. Thầy lo soạn bài, làm đủ việc để ra bài dạy. HS cũng có hoạt động nhưng không hiệu quả.

Sang cấp 2: E. Learning (tự học với sự giúp đỡ của công nghệ thông tin). Người thầy thúc đẩy HS dùng phương tiện để kiểm sóat việc học. Cụ thể là khuyến khích HS kỹ năng dùng Internet tìm kiếm thông tin. GV đưa ra một công cụ là WebQuest (kiểu như một trang web nháp).

WebQuest gồm 4 phần: giới thiệu tên chủ đề sẽ học, nhiệm vụ HS phải làm gì, giới thiệu những trang web HS có thể truy cập và cuối cùng là HS tự đánh giá mình. Như vậy HS học dựa trên cơ sở dự án do chính các em làm.

Cấp 3: U. Learning (học mọi nơi, mọi lúc, mọi chỗ). Không gian học tập được mở rộng không phải chỉ trong lớp, có thầy mới học được mà phải học mọi lúc mọi nơi, với mọi phương tiện. Trường học không dạy kiến thức mà trang bị kỹ năng cho HS tự học. 2/3 giáo án của GV các nước tập trung ở cấp độ này. Đây là cái đích phải tới của việc giảng dạy với giáo án điện tử, trong khi ta đang dừng ở cấp 1.

* Ở nước ta, HS đang lệch theo hướng khoa học tự nhiên (KHTN), bởi với hướng này, đường vào đại học của HS sẽ rộng hơn, đường vào đời cũng dễ dàng hơn. Các nước trong khu vực khuynh hướng chọn của HS được thể hiện thế nào?

- Một điểm đặc biệt khác mà tôi quan tâm là họ chú trọng khoa học xã hội (KHXH) hơn. Trao đổi với GV các nước về điều này tôi được lý giải, đó là do kinh tế thị trường. Họ cho rằng KHXH cần thiết cho việc kinh doanh mua bán tiếp thị, thúc đẩy thương mại... Cũng vì vậy mà những SV nước ngoài qua nước ta du học cũng chỉ học các ngành xã hội (trong khi ở ta cho rằng học KHXH chỉ có thể làm báo, dạy học, viết văn...).

Họ vẫn cho KHTN là quan trọng nhưng chủ yếu dạy ứng dụng thực tế chứ không đi vào hàn lâm, lý thuyết. Như ở Úc, GV cho biết HS cấp 3 được chọn 3 chương trình toán để học toán lý thuyết thuần túy để trở thành nhà toán học, toán ứng dụng để ứng dụng vào các ngành khác và toán dùng trong kinh tế (chỉ học xác suất thống kê).

Nếu một HS quá mê toán có thể chọn học cả ba loại, bù lại sẽ được miễn những môn khác. Còn ở ta chỉ có toán lý thuyết nên HS không có gì để lựa chọn.

* Có lẽ do các điều kiện đầu tư cho giáo dục của ta như trường ốc, cơ sở vật chất, lương bổng thầy cô chưa được cao?

- Chỉ nói riêng ở Hàn Quốc, kết quả hiện nay là do họ đầu tư rất nhiều cho giáo dục. Một số trường tôi đựơc đến tham quan cho thấy cách tổ chức rất quy củ. Có những trường về mặt quy mô thua trường của ta nhưng cách bố trí phòng ốc, bảng, dụng cụ học tập, tổ chức các môn học ngoại khóa đều rất chu đáo.

Lương một GV tập sự khoảng 2.000 USD/tháng. Còn lương một GV sau 15 năm dạy học là 3.500 USD/tháng cho thấy việc tích lũy thâm niên rất quan trọng. Tôi hỏi so sánh lương với mức sống của họ, họ không trả lời thẳng mà ví "với đồng lương của mình chúng tôi có thể đi du lịch nước ngoài".

Họ cũng cho biết nghề dạy học là một trong những nghề được tôn vinh ở Hàn Quốc và được giới trẻ yêu thích, phụ nữ thích lấy chồng là GV bởi lương cao, thu nhập ổn định (trong khi làm các nghề khác như kỹ sư lương có thể cao hơn nhưng lại tùy thuộc vào công ty. Công ty phá sản thì nhân viên thất nghiệp), và 65 tuổi mới về hưu.

GV nước ta phần nhiều sống nhờ vào việc làm thêm chứ không bằng đồng lương nhà nước, vì vậy thời gian dành cho nhà trường không hoàn toàn và nhiều người cảm thấy công việc của trường trở thành gánh nặng. Trong khi GV Nhật cho biết họ chỉ nghỉ hè 2 tuần là phải vào trường tham gia các hoạt động của nhà trường như đặt sách cho thư viện soạn kế hoạch chương trình năm học tới.

* Vậy theo thầy, cái hay của các nước mà chúng ta cần nhanh chóng tiếp nhận là gì? Là một nhà giáo, thầy rút ra điều gì cho riêng mình?

- GV họ rất thông thạo sử dụng Internet, kỹ năng tìm kiếm thành thạo và dạy HS kỹ năng này, khuyến khích sử dụng Internet. Ở nước ta GV cũng sử dụng Internet nhưng cường độ không nhiều và đang mày mò. Người GV phải giỏi mới dạy đựơc HS nhiều.

Cái hay khác là mỗi bài học họ công bố tiêu chuẩn đánh giá trước, bài này cần đạt được những gì... Như vậy HS hình thành kỹ năng tự kiểm soát việc học của mình. Cách dạy của họ là khi không có người thầy HS vẫn biết học gì, biết tự làm việc và thấy việc học có lợi cho mình nên say mê học.

Còn ở chúng ta lúc nào HS cũng phải có người thầy đứng một bên, thậm chí nhiều nơi dò bài cho HS học (cũng do hệ thống thi cử của ta). Với những cách học của họ, HS ra trường sức sáng tạo mới bắt đầu. Còn HS chúng ta tốt nghiệp là kết thúc. Để hướng tới yêu cầu trên, tôi nghĩ bản thân người thầy phải tự học thêm rất nhiều. Phải biết tự cảnh tỉnh mình đừng tự hào có giáo án hay, âm thanh hình ảnh đẹp rồi bắt HS ngồi nghe.

Theo Tuổi Trẻ