Áp lực giảm thuế đè nặng ngân khố quốc gia
Các Website khác - 25/11/2005
Hàng hoá nội địa sẽ chịu nhiều sức ép cạnh tranh.

Thực hiện lộ trình CEPT/AFTA, hơn một tháng nữa, thuế nhập khẩu một loạt các mặt hàng sẽ giảm và chỉ còn ở mức 0-5%. Cơ quan thuế thở phào vì đã rà soát hết nhóm mặt hàng thuộc diện cắt giảm song họ cũng canh cánh lỗi lo thất thu ngân sách và đặc biệt là sức cạnh tranh của doanh nghiệp khi rời lá chắn bảo hộ.

Ông Quách Đức Pháp, Vụ trưởng Vụ chính sách Thuế, Bộ Tài chính, khẳng định, đến thời điểm này, Bộ Tài chính đã rà soát hầu hết các mặt hàng thuộc diện cắt giảm thuế theo đúng cam kết. Theo lộ trình AFTA, VN có 3 nhóm hàng hóa chính gồm nhóm nhạy cảm cần bảo hộ, nhóm bình thường và nhóm không cần bảo hộ. Với nhóm cần bảo hộ, từ vài năm nay Bộ Tài chính thực hiện chính sách nâng thuế nhập khẩu lên, sau đó hạ xuống từ từ để các doanh nghiệp trong nước làm quen dần với ngưỡng cửa hội nhập. Ngoài thuế suất, Nhà nước còn có chính sách phi thuế để tạo thêm một hàng rào cho hàng cần bảo hộ.

Đối với mặt hàng thuộc loại bình thường thì áp dụng ngay mức thuế theo lộ trình chung. Riêng nhóm mặt hàng hóa không cần bảo hộ thì sẵn sàng mở cửa với mức thuế suất nhập khẩu sắp tới sẽ là 0%.

Như vậy, kể từ ngày 1/1/2006, các mặt hàng theo lộ trình sẽ tự động áp dụng mức thuế suất mới. Vấn đề còn lại theo các chuyên gia tài chính, Nhà nước sẽ phải có phương án để tăng thu khi ngân khố quốc gia được dự đoán là sẽ giảm khi áp dụng chính sách thuế mới.

Đại diện cho cơ quan làm công tác trực tiếp thu thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Văn Ninh cho rằng, thông thường khi thuế suất thay đổi theo chiều hướng tăng hay giảm ngân sách Nhà nước sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể.

Theo ông, khi nhiều mặt hàng đang chịu thuế nhập khẩu 10% bỗng chốc bị cắt giảm còn 0-5% thì thu ngân sách chắc chắn sẽ giảm theo. Do vậy, nhiệm vụ đặt ra cho cơ quan thuế trong năm 2006, bên cạnh các biện pháp chống thất thu và nợ đọng thuế, đối tượng nộp thuế cũng sẽ được mở rộng hơn, trong đó bao gồm cả cá nhân và doanh nghiệp...

Dưới cái nhìn khả quan hơn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung khẳng định, việc cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế về cơ bản không ảnh hưởng nhiều đến ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, giá dầu thế giới leo thang, tảng băng trên thị trường nhà đất vẫn chưa được hâm nóng thì khả năng tác động đến ngân khố quốc gia là có thể kể đến. Chính vì vậy, mục tiêu thu ngân sách đề ra cho năm 2006 vẫn trông đợi nhiều vào xuất khẩu dầu thô.

Theo ông, năm 2006, sẽ xuất khẩu khoảng 18,5 triệu tấn dầu thô ở mức giá trung bình 56,7 USD/thùng. Với mức này, dầu thô sẽ đóng góp khoảng 63.400 tỷ đồng, tăng 14,2% so với năm 2005. Mức đóng góp của dầu thô còn lớn hơn đóng góp của hoạt động xuất nhập khẩu (56.000 tỷ đồng). Trong khi đó, khu vực kinh tế quốc doanh sẽ đóng góp 42.243 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước, khu vực ngoài quốc doanh 20.650 tỷ đồng và khu vực đầu tư nước ngoài khoảng 27.807 tỷ đồng.

Một điểm khiến cơ quan làm chính sách thuế lo ngại nhất hiện nay vẫn là khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp khi mở cửa thị trường, hàng loạt dòng thuế bị cắt giảm. Ông Nguyễn Đình Vu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế phân tích, khi gia nhập WTO, bắt đầu cuộc cạnh tranh khốc liệt cùng các nước khác, do vậy, các doanh nghiệp cần nắm vững được thị trường trong nước.

Theo ông, các doanh nghiệp trong nước hiện vẫn còn được bao bọc bởi hàng rào thuế quan, được chính phủ ưu đãi về thuế nên vẫn có thể cạnh tranh với hàng nhập ngoại. Tuy nhiên, gia nhập WTO, doanh nghiệp VN sẽ phải cạnh tranh công bằng với các nước có công nghệ tiên tiến, nếu không chuẩn bị tâm lý sớm, họ sẽ rất khó đứng vững.

Thứ trưởng Trương Chí Trung cũng thừa nhận, thời gian qua, chính sách nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt còn nặng về bảo hộ sản xuất trong nước. Tuy nhiên, việc bảo hộ này vẫn chưa có chọn lọc, kéo dài nhiều thời gian nên chưa hình thành được ngành công nghiệp sản xuất như mong muốn. Chẳng hạn như ngành sản xuất và lắp ráp ôtô, hàng điện tử... Chính điều này đã làm hạn chế tính chủ động của các doanh nghiệp trong việc sắp xếp lại sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh.

Còn ông Quách Đức Pháp thì khẳng định, Nhà nước chỉ bảo hộ trong một chừng mực nhất định chứ không thể quá nuông chiều doanh nghiệp bằng chính sách thuế như thời gian qua. Do vậy, các doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn tâm lý mới mong cạnh tranh với các đối tác nước ngoài khi mở cửa thị trường", ông Pháp nói.

Minh Khuyên