Công nhân điện nhận khoán đường dây
Các Website khác - 17/08/2005
Tuyên Quang:
Công nhân điện nhận khoán đường dây

Ghi chỉ số côngtơ tại vùng
cao Sơn Dương (Tuyên
Quang).

Tuyên Quang (TQ) là một trong vài địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện giao khoán đến mỗi công nhân điện từng kilômét đường dây, từng trạm biến áp, từng cây cột điện... Khoán - cách làm tưởng như không mới trong nhiều ngành kinh tế khác - đã phát huy hiệu quả bất ngờ, trong quản lý và khai thác điện năng.


Anh công nhân (CN) Hoàng Minh Khanh (tổ điện 1, P.Tân Quang, thị xã TQ) mỗi tháng nhận khoán 2.293m đường dây AV, 723 cây cột, 73 bộ xuất tuyến cùng 185 côngtơ, tương đương với 185 hộ sử dụng điện. Trách nhiệm của anh là phải thường xuyên kiểm tra để đường dây không bị cây đổ, sự cố thoáng qua, các thiết bị không bị hoen gỉ, các hộ dân đóng tiền điện đủ, đúng hạn... Nếu làm tốt phần việc đã được khoán, cuối năm công nhân sẽ được lên lương, được thưởng xứng đáng. Còn nếu làm không tốt, không được khen thưởng đã đành, mà có khi còn bị phạt, phải bỏ tiền túi ra đền (trong trường hợp để mất mát tài sản, thiết bị...).

TQ là một tỉnh miền núi, diện tích rộng, địa hình hiểm trở, từ đầu đường dây tới cuối đường dây điện, có khi cách xa nhau tới hàng trăm cây số. Tuy vậy, việc giao khoán được thực hiện rất cụ thể, từ cấp điện lực, chi nhánh, tổ điện, cho tới từng người lao động. Tính trung bình, mỗi công nhân phụ trách 6,7km đường dây 35kVA, 2,5 trạm biến áp, 3,7km đường dây hạ thế và 183 khách hàng. Từ trụ sở điện lực, Ban giám đốc có thể theo dõi dễ dàng khối lượng và tiến độ công việc của từng công nhân.

Theo ông Tống Đại Hồng - Giám đốc Điện lực TQ, trước kia, khi chưa khoán, công nhân kiểm tra đường dây đi cả tổ, có khi tới 7 - 8 người. Đông vậy nhưng đến khi xảy ra sự cố, không biết quy trách nhiệm cho ai. Thực hiện phương án khoán, 226 công nhân trong điện lực đều nhận sổ khoán - mọi người gọi vui là "sổ đỏ thửa ruộng nhà mình". Hiệu quả thấy ngay: Sự cố giảm hẳn, việc áp giá điện, thu tiền sát hơn, dễ dàng hơn. Đối với người lao động, thu nhập nhờ khoán mà cao hơn (2 triệu đồng/tháng), trình độ kỹ thuật công nhân cũng được nâng lên (nhờ phải trực tiếp đọc và quản lý bản vẽ), đó là chưa kể tâm lý ai cũng thấy thoải mái vì mọi việc công bằng, làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít.

Khi mới bắt đầu thực hiện phương án khoán, có một số người không đồng tình, nhưng đến nay, tuyệt đại đa số công nhân đều tỏ ra thích thú với cách làm mới.

Nhiều điện lực các địa phương khác như Hải Dương, Hà Tĩnh, Bắc Ninh, Hà Giang... đã đến TQ để học tập mô hình khoán này. Quang Phương