Giờ mới là bắt đầu "cuộc chơi"!
Các Website khác - 16/05/2006
Giờ mới là bắt đầu "cuộc chơi"!
Nhóm P.V Kinh tế


Niềm vui về kết quả của vòng đàm phán Việt - Mỹ vừa diễn ra tại Washington chưa lắng xuống, thì các DN - đối tượng chính trong "sân chơi" WTO - đã rốt ráo bắt tay ngay vào chuẩn bị cho cuộc chơi sòng phẳng, nhưng đầy nghiệt ngã...

Các ngân hàng thương mại sẽ bị
nước ngoài chia sẻ thị phần khi Việt
Nam gia nhập WTO.

Ngành ngân hàng: Không thể chần chừ!

Đó là thái độ của ông Phạm Huy Hùng - TGĐ Ngân hàng Công thương VN (ICB). Theo ông Hùng, khi vào WTO sẽ kèm theo những điều kiện về mở cửa thị trường dịch vụ tài chính, tăng tỉ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài trong ngân hàng (NH). Các công ty tài chính, bảo hiểm... lớn trên thế giới sẽ vào VN và thị phần sẽ bị chia sẻ mạnh. Các NH không còn cách nào khác là phải nhanh chóng đưa sản phẩm mới ra thị trường, phải "chạy" nhanh hơn trong cuộc cạnh tranh này.

Ông Trần Bắc Hà - TGĐ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN (BIDV) - cũng khẳng định: Khi hội nhập, chắc chắn các ngân hàng VN sẽ gặp khó khăn. Nhưng các NH VN cũng có ưu điểm là am hiểu địa phương và hệ
thống mạng lưới tốt. Và cả ICB và BIDV đã sẵn sàng!

Dệt may: Sẵn sàng vào cuộc chơi!
Đó là khẳng định của Chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN Lê Quốc Ân. Theo ông Ân, toàn bộ các DN dệt may nhà nước đã CPH gần hết. Các DN dệt may cũng đã quen hoạt động theo cơ chế thị trường từ hơn 10 năm nay nên không hề bỡ ngỡ với chuyện WTO.

Về việc các DN dệt may sẽ không nhận được sự hỗ trợ từ Quyết định 55/CP của Chính phủ do bị phía Mỹ yêu cầu trong quá trình đàm phán gia nhập WTO vừa qua, ông Ân khẳng định: Bỏ cũng không sao, bởi vì thực chất Quyết định 55/CP cho đến nay thực hiện không đáng kể. Mặt khác, nhu cầu vốn mà các DN vay được từ quỹ ưu đãi này chỉ đáp ứng được từ 5-10% nhu cầu vốn của các DN.

Thực phẩm: Thách thức; CNTT: Phấn chấn

Ông Nguyễn Chí Nguyện (Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực - thực phẩm TPHCM) - tỏ ra băn khoăn: Khi VN gia nhập WTO, sự cạnh tranh trong ngành này càng quyết liệt hơn. Đặc biệt là tiêu chí về VSATTP, các tập đoàn quốc tế có nhiều bề dày hơn, công nghệ hiện đại chuẩn hoá cao hơn là những thách thức rất lớn đối với DN trong nước.

Còn ông Chu Tiến Dũng (Phó Chủ tịch Hội Tin học TPHCM, GĐ Cty phát triển Công viên phần mềm Quang Trung) lại tỏ ra phấn chấn: So với nhiều ngành khác, ngành CNTT sẽ gặp thuận lợi nhiều hơn là áp lực khi VN gia nhập tổ chức này, các nhà đầu tư sẽ đến VN đầu tư thuận lợi hơn. Việc gia nhập WTO thậm chí sẽ mang đến cho chúng ta nhiều đơn hàng gia công phần mềm hơn. Cái chính hiện nay là dịch vụ, chúng ta phải nâng cao chất lượng hơn nữa để cạnh tranh chứ không hẳn ở vấn đề giá.

TS Trần Đình Thiên - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế VN: Giờ mới là thời điểm bắt đầu cuộc chơi
Kết thúc phiên đàm phán là một thành công, song VN còn rất nhiều việc phải làm và bây giờ mới là thời điểm bắt đầu cuộc chơi, với việc thắng thua phụ thuộc phần lớn vào sức cạnh tranh của nền kinh tế và của bản thân mỗi DN. Những ngành còn được bảo hộ và Nhà nước còn giữ độc quyền là những ngành sẽ yếu sức cạnh tranh hơn cả khi hội nhập (như các ngành thép, mía đường...). Tuy nhiên, vượt lên tất cả những vấn đề này, cái "được" cho nền kinh tế VN là động lực nâng cao sức cạnh tranh và phải biến thách thức thành cơ hội thúc đẩy sự phát triển của cả nền kinh tế theo chiều hướng tốt. Vì thế, chúng ta mới chủ trương vào WTO. H.Q ghi