Khi vào WTO: Phải đổi mới bộ máy công chức
Các Website khác - 18/05/2006
Khi vào WTO:
Phải đổi mới bộ máy công chức

Doanh nghiệp nhà nước cũng như bộ máy hành chính sẽ phải khẩn trương làm những vấn đề gì, khi mà thời khắc gia nhập WTO của VN đã cận kề? Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Hồ Xuân Hùng - Phó ban Đổi mới và Phát triển DNNN Trung ương - cho biết:

Nhiệt điện Phả Lại - doanh nghiệp
lớn cũng được cổ phần hoá.
Việc gia nhập WTO sẽ tạo ra áp lực mạnh để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của công tác đổi mới DN nhà nước (DNNN). Chúng tôi đang khẩn trương soát xét các DNNN để đánh giá, lựa chọn việc Nhà nước cần giữ những lĩnh vực nào, những ngành nào, lĩnh vực nào cần đẩy mạnh cổ phần hoá (CPH). Trong đó, sẽ tiếp tục rà soát lại các bộ, các TCty để chủ động bán bớt cổ phần ở những TCty mà lâu nay Nhà nước vẫn nắm giữ cổ phần chi phối và nắm quá nhiều - bởi cứ tiếp tục duy trì như tình hình hiện nay là rất gay. Mặt khác, sẽ tập trung để chỉ đạo thành công việc CPH một số TCty.

Một vấn đề mà chúng tôi rất quan tâm là phải khẩn trương xây dựng cơ chế cho thị trường nhân lực quản trị vốn rất quan trọng trong thời kỳ hội nhập. Vấn đề này chúng ta đã đặt ra và trên thực tế đã hình thành thị trường nhân lực nói chung, nhưng thị trường lao động quản trị DN vẫn chưa có, cho nên việc thi tuyển giám đốc mới chỉ nói chứ chưa làm được. Ngay cả việc đào tạo nhân lực quản trị cho DN cũng chưa đáp ứng được, chứ chưa nói gì đến việc hình thành thị trường. Nếu không khẩn trương triển khai vấn đề này, sẽ rất khó khăn cho việc hội nhập khi ta chính thức gia nhập WTO.

´ CPH các ngân hàng nhà nước là việc đã được nhắc đến từ lâu, nay việc gia nhập WTO đã đến gần. Vấn đề này sẽ có những bước đột phá không, thưa ông?

- Các ngân hàng thương mại phải hướng tới phục vụ DN, phải thâm nhập vào DN là điều rất quan trọng trong thời kỳ hội nhập. Sẽ không còn chuyện các DN được dựa vào ngân hàng để làm "nguồn sống" như trước đây, mà phải được đối xử bình đẳng trên cơ sở mối quan hệ cùng lợi ích, cùng bình đẳng trong kinh doanh.

Theo tôi, đây sẽ là yêu cầu bắt buộc và đã được thể hiện rất rõ trong quá trình đàm phán gia nhập WTO vừa qua. Theo đó, đối tác nước ngoài yêu cầu một số quỹ của Chính phủ tồn tại lâu nay sẽ phải chuyển sang hoạt động ngân hàng, để tạo sự bình đẳng giữa các DN chứ không có chuyện trợ cấp như trước đây. Ban Đổi mới và Phát triển DNNN sẽ tiếp tục soát xét lại để giảm thiểu độc quyền của DN, xoá bỏ bằng được vấn đề độc quyền hành chính, độc quyền kinh doanh.

Dứt khoát không cho DN sử dụng quyền năng hành chính trong độc quyền. Còn nếu bắt buộc phải cần độc quyền trong kinh doanh, thì cũng phải giảm đến mức tối thiểu. Vấn đề này phải làm bằng được và là điều sống còn. Chúng tôi cho rằng, những vấn đề nêu trên làm được càng sớm bao nhiêu thì càng chủ động được bấy nhiêu. Nếu không làm được những điều này, yêu cầu của hội nhập sẽ không chấp nhận chúng ta.

´ Vấn đề hành xử của các cơ quan hành chính đối với các DN đang là điều rất bức xúc, việc này có còn được tồn tại khi chúng ta gia nhập WTO?

- Đúng, vấn đề cải cách hành chính đang còn rất nặng nề, ì ạch. Việc cải cách hành chính lâu nay người ta mới chỉ tập trung vào thủ tục hành chính, thay đổi quy định..., nhưng điều quan trọng nhất để cải cách hành chính là bộ máy công chức hành xử với DN vẫn chưa thay đổi. Đây là lĩnh vực đã được đề cập từ lâu, nhưng không ai quan tâm tháo gỡ, nên những người thi hành ở dưới vẫn gây khó dễ cho DN mà không hướng tới lợi ích của DN.

Vấn đề là chúng ta phải làm sao khẩn trương đổi mới để các công chức nhà nước hướng trách nhiệm về DN, chứ không còn cảnh công chức chỉ nghĩ cách để ăn chặn qua việc gây khó khăn cho DN mà bất cứ ở chỗ nào, khúc nào cũng có thể tìm thấy. Đây là điều mà không sớm đổi mới, chính bộ máy hành chính sẽ trở thành rào cản gây khó khăn cho DN.

- Xin cảm ơn ông!

Công Thắng thực hiện