Mía đường đắng chát, do đâu? (Bài 2)
Các Website khác - 21/11/2005

Mía đường đắng chát, do đâu?
Bài 2: Vị đắng trút vào... hầu bao Nhà nước

Sai phạm nghiêm trọng trong việc mua sắm thiết bị máy móc, đấu thầu xây dựng; xây nhà máy ở nơi không có đủ nguyên liệu..., đã làm cho các dự án mía đường tiêu tốn hơn 5.434 tỉ đồng vốn đầu tư mà hiệu quả thì rất thấp.

Tất cả đều... lỗ
Theo cơ quan kiểm toán, kiểm tra 34 nhà máy và Cty trong dự án mía đường, tất cả đều bị lỗ nặng. Đó là thực tế mà không một vị chủ đầu tư nào che đậy được. Được biết, số lỗ luỹ kế của các nhà máy mía đường đến ngày 31.12.2003 đã lên tới gần 3.000 tỉ đồng. 33 nhà máy do bị lỗ quá nặng nên không những mất vốn kinh doanh mà còn thâm hụt 2.534 tỉ đồng.

Trong số 34 nhà máy, Cty đường được kiểm toán đều có nợ khó có khả năng hoặc không có khả năng thanh toán. Trong đó, số nợ phải trả lên tới hơn 6.466 tỉ đồng mà giá trị tài sản chỉ còn 3.200 tỉ đồng; nợ ngân sách nhà nước hơn 224 tỉ đồng, nợ lãi vay, chi phí bảo lãnh, phí tái bảo lãnh hơn 1.000 tỉ đồng...

Đã vậy, việc chấp hành chế độ tài chính của các nhà máy, Cty lại không nghiêm, quản lý tài chính không chặt chẽ, báo cáo tài chính không trung thực bởi trò lãi giả, lỗ thật; lỗ ít báo cáo nhiều... rất phổ biến.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng lỗ nêu trên bởi 94% vốn đầu tư xây dựng các nhà máy đường là vốn vay. Thậm chí, Nhà máy đường Trà Vinh còn đi vay 100% vốn để xây nhà máy, nên lãi của ngành sản xuất đường không đủ trang trải nổi lãi vay.

"Bỏ thì thương, vương thì... nợ"

Trước thực trạng quá khó khăn của ngành mía đường, ngày 4.3.2004, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 28/2004/QĐ-TTg về tổ chức lại sản xuất và thực hiện một số giải pháp xử lý khó khăn đối với các nhà máy và Cty đường.

Sau hơn một năm triển khai thực hiện Quyết định 28, một số nhà máy, Cty đường đã ổn định được sản xuất, hạn chế được tình trạng thua lỗ kéo dài. Tuy nhiên, khó khăn đối với ngành mía đường hiện nay vẫn chưa giảm, bởi giá thành sản xuất của các nhà máy đều cao hơn giá bán rất nhiều.

Cty mía đường Quảng Nam giá thành 1kg đường làm ra là 7.998đ, nhưng chỉ bán được 4.148đ; Cty mía đường Đắc Nông lỗ 1.632đ/kg; Bình Thuận lỗ 1.584đ/kg... Hoạt động sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, nhiều nhà máy, Cty mía đường đang trong hoàn cảnh "bỏ thì thương, vương thì... nợ".

Và nếu có được Nhà nước "ném" tiền tháo gỡ theo Quyết định 28 để xoá lãi tiền vay, trả thay tiền phí bảo lãnh, tái bảo lãnh, xoá thuế GTGT với số tiền lên tới hơn 1.979 tỉ đồng, thì nhiều nhà máy, Cty đường vẫn chưa thoát được nợ.

Trong số 34 nhà máy, mới chỉ có 8 nhà máy sau khi được Nhà nước rót tiền xoá nợ mới đủ sức để chuyển đổi sang hình thức cổ phần hoá, 4 đơn vị phải ngừng hoạt động vì không còn vốn kinh doanh, 22 đơn vị vẫn đang chìm ngập trong khó khăn, không đủ điều kiện để cổ phần hoá.

Muốn những nhà máy, Cty đường tồn tại, chỉ còn cách kiến nghị với UBND các tỉnh, các bộ ngành, Chính phủ có chính sách hỗ trợ đặc biệt.

Sai phạm, thiệt hại của các Cty, nhà máy đường là rất lớn, nhưng việc xử lý mới dừng ở kiến nghị "Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các tỉnh có nhà máy đường kiểm điểm để rút kinh nghiệm...", thì hương vị "đắng chát" chỉ còn dành cho ngân sách nhà nước.

Công Thắng