Phân quota dệt may phải nhất quán
Các Website khác - 11/01/2006

Chiều 10/1, hội nghị điều hành hạn ngạch dệt may 2006 diễn ra tại TP HCM, Liên Bộ Thương mại dự kiến sẽ dành 50% nguồn quota trong năm để cấp visa tự động, thay vì 70% như đã thông báo trước đây. Phần còn lại, sẽ cấp theo hình thức ký quỹ bảo lãnh. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã phản đối.

Giám đốc Công ty Song Ngọc, kiêm Chủ tịch Hiệp hội Dệt may và Thêu đan thành phố (Agtek) Nguyễn Đức Hoan, cho biết, nếu xét theo thành tích xuất khẩu của năm trước thì lượng quota công ty có được trong năm 2006 không đáng kể. Cuối năm ngoái, sau khi Bộ Thương mại ra thông báo cấp visa tự động cho 38 Cat hàng đi Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2006, với tỷ lệ 70%, Song Ngọc đã lên kế hoạch ký 500.000 với các khách hàng Mỹ. Hiện công ty đã và đang trong giai đoạn sản xuất để hoàn thành đơn hàng.

Doanh nghiệp muốn phân bổ hạn ngạch theo hình thức cấp visa tự động. Ảnh: T.V.

Trong khi đó, Bộ Thương mại có ý định giảm tỷ lệ cấp visa tự động từ 70% xuống còn 50%. Như vậy, các đơn hàng của công ty đang làm dở không biết phải giải quyết theo cách nào. "Trước đây không có quota tôi đâu dám ký hợp xuất vào thị trường Mỹ, mặc dù vẫn có đối tác đến đặt hàng. Giờ đây, với 500.000 cái quần nếu xét theo thành tích thì quota công ty có được chỉ đủ để xuất 100.000 cái. Số còn lại biết bán cho ai", ông Hoan nói. Theo ông, để tránh thiệt hại cho các doanh nghiệp dệt may, Bộ nên sớm có một quyết định rõ ràng và dứt điểm trong việc phân bổ hạn ngạch.

Chủ một doanh nghiệp khác bức xúc: "Bản thân thông tư số 18 của Liên Bộ đã có sự lấn cấn trong việc cấp visa tự động. Do đó, Bộ Thương mại nên nhanh chóng quyết định dứt điểm về tỷ lệ cấp visa tự động và ký quỹ để chúng tôi còn yên tâm sản xuất từ nay đến hết tháng 6". Tuy nhiên, vị quan chức này cũng cho rằng, phương án tốt nhất là Bộ nên cấp visa tự động cho doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm, với mức khống chế dưới 70%. Bắt đầu từ tháng 7, Bộ tính đến phương án ký quỹ hạn ngạch cho doanh nghiệp cũng chưa muộn. Như vậy, những đơn vị đã ký đơn hàng sẽ không bị ảnh hưởng.

Cùng chung quan điểm trên nhưng ông Lê Viết Tòa, Phó tổng giám đốc Công ty may Việt Tiến cho rằng, tự động hay không tự động quy cho cùng chính là phân bổ quota xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Chỉ cần Bộ Thương mại tính toán làm sao để xuất hết lượng quota mà Mỹ đã dành cho dệt may VN. Tuy nhiên, Bộ cần có sự nhất quán, trong phân giao hạn ngạch để có sự công bằng giữa các doanh nghiệp. Về phần doanh nghiệp, một khi đã nhận quota phải có trách nhiệm đảm bảo xuất hàng. Theo ông Tòa, nên kết hợp cả 2 phương án cấp visa tự động và ký quỹ bảo lãnh trước khi nhận hạn ngạch xuất khẩu.

Phát biểu tại hội nghị chiều 10/1, đại diện một nhà nhập khẩu cho biết, rất lo lắng trước khi ký hợp đồng với các doanh nghiệp dệt may VN. Lý do, đến nay Bộ Thương mại vẫn chưa thống nhất việc phân chia quota cho doanh nghiệp. "Mới đầu, Bộ cấp theo hình thức tự động nay có thêm hình thức ký quỹ bảo lãnh. Trong khi đó, chúng tôi rất sợ rủi ro. Trước đây, công ty đã gặp trường hợp tương tự, buộc lòng phải chuyển hàng quota Philippin, Trung Quốc để nhập vào Mỹ, vì đã đến hẹn giao hàng cho nhà phân phối", bà đưa ra dẫn chứng. Vì thế, nếu trong thời gian tới, Bộ Thương mại không nhanh chóng quyết định phương án phân bổ hạn ngạch công ty của bà sẽ chuyển sang thị trường khác để đặt hàng.

Đại diện Hiệp hội dệt may Hàn Quốc tại VN cho biết, tỷ lệ tăng trưởng quota hàng năm mà VN có được là trên 7%. Theo ông, với lượng hạn ngạch này, nếu Bộ Thương mại VN có sự điều chỉnh khéo léo chắc chắn ngành may sẽ tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, trong 2 tháng trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu dệt may VN đang có dấu hiệu chậm lại. Điều này cho thấy, việc phân bổ quota đến nay vẫn bất cập hạn chế sự phát triển của doanh nghiệp.

Trả lời doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Thanh, Trưởng Ban điều hành hạn ngạch dệt may cho rằng, cấp visa tự động cho phép khai thác triệt để nguồn hạn ngạch, gia tăng đáng kể khả năng tiếp cận quota của doanh nghiệp. Đặc biệt, thực hiện theo phương án này sẽ hạn chế tối đa hiện tượng đầu cơ quota để kiếm lời và khắc phục được việc thừa thiếu hạn ngạch với nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, nếu cấp visa tự động trên 50% nguồn hạn ngạch sẽ tăng nguy cơ gian lận của các thương nhân trong việc thực hiện quota, nhất là việc cấp visa tự động hoàn toàn. Mặt khác, nếu phân bỏ hạn ngạch theo phương án này khó có thể khuyến khích thương nhân gia tăng việc thực hiện quota đã được phân giao. Đặc biệt, các doanh nghiệp có đơn hàng cuối năm sẽ không còn quota để xuất khẩu

Nguyễn Thùy