TP HCM chưa thể tự sản xuất ôtô
Các Website khác - 17/08/2005
Thành lập cụm công nghiệp sản xuất ôtô trên địa bàn TP HCM là điều rất khó khăn.

Đề án phát triển công nghiệp ôtô thành phố chỉ rõ TP HCM là đầu mối của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có đủ tiềm lực tài chính, cơ sở hạ tầng để phát triển cụm công nghiệp sản xuất ôtô, thậm chí đạt tỷ lệ nội địa hóa gần 100%. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, điều này khó có thể làm được.

Đại diện tổ nghiên cứu đề án, ông Nguyễn Hồng Anh cho rằng, thành phố nên lập các khu công nghiệp ôtô tập trung để hướng các đơn vị sản xuất trong lĩnh vực này có cùng một định hướng chiến lược. Ưu tiên chọn sản xuất lắp ráp các loại xe buýt từ 25 chỗ ngồi trở lên, kế đến là xe 7-9 chỗ ngồi và các loại xe tải chuyên dùng. Việc xây dựng cụm công nghiệp ôtô là bước khởi đầu, nhằm thu hút và tập trung các nhà máy sản xuất phụ tùng thuộc các ngành công nghiệp phụ trợ. Đồng thời, doanh nghiệp dễ dàng trao đổi hàng hóa giữa các đối tác trong khu vực sản xuất nhưng giảm được chi phí vận chuyển.

Đề án còn đưa ra chính sách ưu đãi cho người mua xe ôtô trả trước 30% và hỗ trợ lãi vay 6,48%/năm trong thời hạn tối đa 10 năm. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ nội địa hóa theo quy định của Chính phủ đạt gần 100%. Ngoài ra, ở giai đoạn này công nghiệp ôtô thành phố cần đầu tư sâu hơn vào các chi tiết cơ khí như: sản xuất máy lạnh, hệ thống truyền động, thủy lực cho xe chuyên dùng... Tuy nhiên, theo các kỹ sư cơ khí, những chiến lược mà đề án đưa ra chưa rõ ràng và cụ thể.

Theo một kỹ sư trường đại học Bách khoa TP HCM, nếu chỉ chú trọng đến chiến lược phát triển nhưng lại bỏ quên nhu cầu của thị trường thì khó có thể thành công. Trước đây, thành phố cũng đã sản xuất thành công xe lam nhưng chỉ sau một thời gian nó đã bị quên lãng, không còn xuất hiện trên đường phố. Vì thế, nếu không có chiến lược cụ thể thì khó có thể thực thi thành công mục tiêu đề án đưa ra. Mặt khác, hiện ngành cơ khí chế tạo máy của thành phố chỉ chiếm từ 1,5% đến 2,5% GDP đầu thành phố. Máy móc thiết bị của ngành cơ khí đã lạc hậu so với các nước trong khu vực từ 20 đến 30 năm, thậm chí có lĩnh vực lạc hậu đến 50 năm. Năng suất lao động của ngành này hiện chỉ bằng 2% mức trung bình của thế giới.

Phó Chủ tịch thường trực UBND TP HCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, phát triển công nghiệp ôtô là lĩnh còn quá mới mẻ đối với thành phố. Những chiến lược trong đề án cũng chưa nói lên được điều gì cụ thể về thị trường tiêu thụ cũng như cách tổ chức bán hành. Bên cạnh đó, đề án cũng chưa đề cập đến vấn đề sản xuất trọn gói sản phẩm hay từng bộ phận linh kiện riêng lẻ. Theo ông Nhân, nếu muốn phát triển ngành ôtô cũng không cần thiết phải sản xuất trọn gói sản phẩm khi không đủ khả năng. Doanh nghiệp có thể sản xuất từng bộ phận riêng nhưng có sức đảm bảo được chất lượng thì sẽ thu hút đông đảo khách hàng trong và ngoài nước.

Vì thế, để bảo đảm tính khoa học thành phố sẽ mời chuyên gia Nhật Bản phản biện cho đề án phát triển công nghiệp ôtô thành phố vào đầu tháng tới. Mục tiêu là ôtô do thành phố sản xuất phải có giá rẻ và tốt hơn xe nhập. "Vấn đề quan trọng là ngành ôtô thành phố phải làm chủ được thiết kế và nghiên cứu sản xuất đồng bộ. Nội địa hóa không phải là mục tiêu chính trị mà mục đích là để làm giảm giá thành sản phẩm nhưng có đủ sức cạnh tranh", ông Nhân nhấn mạnh.

Nguyễn Thùy