Vừa tìm vừa lo
Các Website khác - 29/11/2005

Vừa tìm vừa lo

Những ai quan tâm đến sự nghiệp xuất khẩu lao động sẽ không thể không đặt câu hỏi: Lấy đâu ra những lao động chất lượng để đáp ứng yêu cầu? Lấy gì đảm bảo người lao động không phá hợp đồng, không trốn khỏi nhà máy? Sở dĩ đặt câu hỏi như vậy là bởi một loạt bài học nhỡn tiền: Hơn một nửa số lao động bỏ trốn tại Đài Loan và Nhật Bản là lao động VN. Ngay cả thị trường mới tinh như Anh Quốc, doanh nghiệp VN mới đưa đi được vài trăm trường hợp, nhưng đã có 2/3 số người trốn ở lại.

Nghị định mới nhất của Chính phủ (số 141 ngày 11.11.2005) về các biện pháp quản lý người lao động VN làm việc ở nước ngoài được coi là một văn bản pháp quy mạnh mẽ nhất về việc chống trốn, theo đó người lao động vi phạm bị buộc về nước và có thể bị phạt đến 20 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp, việc ra đời nghị định trên dường như là để "đối ngoại" là chính (để phía bạn thấy rằng Nhà nước ta đang có những biện pháp quyết liệt để hạn chế lao động vi phạm) chứ không mấy có tác dụng trong thực tế. Về bản chất, người lao động khi vi phạm luật pháp ở nước ngoài, về trong nước vẫn là người không vi phạm gì.

Thật khó khép người lao động bỏ trốn vào tội hình sự, bởi điều đó có thể là vi hiến, song có quá nhiều cách khác để hạn chế. Theo các chuyên gia, một số nước đã có luật riêng cho lĩnh vực XKLĐ. Vi phạm hợp đồng khi ra nước ngoài làm việc, người lao động không những phải bị chịu trách nhiệm trực tiếp (phạt hành chính), mà người bảo lãnh cũng liên đới chịu hậu quả. Ví dụ, khi người lao động đi ra nước ngoài phải có người nhà bảo lãnh (có thể là chính quyền địa phương, bố mẹ đẻ, anh chị hoặc người thân...), nếu bỏ trốn thì cả người lao động và người bảo lãnh đều phải chịu hậu quả như đã nói trên. Có nghĩa là người lao động ra nước ngoài chỉ có một cách duy nhất là phải làm ăn chân chính...

Xuân Quang