Cơ quan điều tra đã xác định, từ năm 1998 đến tháng 2-2003, số tiền Công ty Sinhanco chi ra từ những khoản kê khống chứng từ lên đến gần 66 tỷ đồng nhằm lấy doanh số xuất hàng sang Lào để nhập xe gắn máy. Đây là một trong những vụ điển hình về những thủ đoạn rút ruột Nhà nước từ việc kê khống hóa đơn.
Có 65,8 tỷ đồng quỹ đen nhờ... hóa đơn khống
Từ năm 1998, Huỳnh Liên Thuận - nguyên Giám đốc Công ty Sinhanco - đã thông đồng với các Công ty nước ngoài ghi thấp giá trị hàng hoá khi nhập vào, nhằm trốn một phần thuế nhập khẩu. Nhưng chính cách "nhập nhèm" này đã trở thành gánh nặng tài chính cho Công ty Sinhanco. Để giải quyết hậu quả, Huỳnh Liên Thuận chỉ đạo dùng hóa đơn khống để... lấp khoản tài chính hao hụt do giá vào thấp giả tạo.
Theo chỉ đạo đó, Đặng Thị Ngọc Dung (nguyên là kế toán trưởng Công ty Sinhanco) đã thông qua Huỳnh Tân (nhân viên vận chuyển Công ty Sinhanco) mua 144 hóa đơn vận chuyển của Công ty thương mại tổng hợp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với chi phí 5,5% trên giá trị hóa đơn. Sau đó, Dung chỉ đạo cho Phòng kế toán kê khống giá trị cao gấp nhiều lần để hợp thức hoá cho các khoản chi bất minh khác. Tương tự, Thuận chỉ đạo mua của Công ty TNHH Phi Vân 44 hóa đơn, mua của Công ty TNHH Nhân Thiện 28 hóa đơn, mua của HTX Quyết Tiến 12 hóa đơn, mua của HTX vận tải Thắng Lợi 12 hóa đơn... Từ các hóa đơn này, các đối tượng đã khai khống thành 66 tỷ đồng. Nhờ đó, sau khi được thoái thu thuế đầu vào, Công ty Sinhanco đã lập được gần 65,8 tỷ đồng quỹ đen. Và đây chính là nguồn tài chính quan trọng nhất trong quá trình Huỳnh Liên Thuận chung chi cho tất cả các khoản chi phí từ tiêu cực đến... chạy án.
Dùng hóa đơn khống để hợp thức hoá chi phí sai
Đại tá Nguyễn Hòa Bình - Cục trưởng C15, Tổng cục Cảnh sát: - Trong 5 năm qua, lực lượng cảnh sát kinh tế đã phá 188 chuyên án. Trong đó, có đối tượng đã khai khống doanh số trên hóa đơn trên 2.000 tỷ đồng, đã hoàn thiện hồ sơ để xin hoàn thuế 31 tỷ đồng và đã rút được 25 tỷ đồng thì bị phát hiện. - Theo thông báo của hải quan, trên toàn quốc các khoản thuế nhập khẩu khó thu hồi lên tới gần 1.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu do doanh nghiệp "ma" nợ, song... "bùng".
|
Tại phiên toà, bị cáo Huỳnh Liên Thuận thừa nhận: "Việc mua hóa đơn khống được thống nhất thực hiện theo chỉ đạo của Ban Giám đốc Công ty Sinhanco..." và kế toán trưởng Đặng Thị Ngọc Dung đã hợp thức hoá hóa đơn mua vào cho phù hợp với các tờ khai xuất khẩu hàng hoá. Giai đoạn đầu, Dung mua những cuốn hóa đơn khống về tự kê, tự ghi và tự ký vào. Nhưng khi có Luật Thuế, Dung lập tức chỉ đạo Phòng kế toán và một số nhân viên Công ty mở chiến dịch thu mua hóa đơn khống của những đơn vị có chức năng, nhằm kê chi phí cho phù hợp. Còn các đơn vị bán hóa đơn được hưởng 5,5% tổng số tiền ghi trên hóa đơn xuất.
Để làm rõ hành vi "Cố ý làm trái..." mua hóa đơn khống gây thiệt hại 53,8 tỷ đồng, HĐXX chất vấn bị cáo Trần Thị Huyền Anh (nguyên là Phó phòng kế toán) trong việc viết các phiếu chi. Bị cáo Trần Thị Huyền Anh khai nhận, đã thực hiện ba loại chi (sai nguyên tắc) theo lệnh ban giám đốc. Một là các loại chi ngoài hợp đồng (không có chứng từ) theo bản kê chi tiết trên các hợp đồng ngoại được giám đốc duyệt. Hai là chi cho các đối tượng cho Công ty vay tiền, trên các phiếu chi chỉ ghi số tiền trả lãi theo lãi suất ngân hàng nhà nước, số còn lại sẽ tất toán theo cách không chứng từ. Ba là chi theo lệnh miệng của giám đốc.
Không dừng lại ở đấy, các bị cáo còn tổ chức mua bốn hóa đơn khống xuất hơn 44.000 lít nước lã, với tên gọi là tinh dầu sả trị giá... gần 9,5 tỷ đồng, trong đó tiền chi tiêu cực phí lên đến hơn 1,6 tỷ đồng. Và chuyện cười ra nước mắt là, khi bị chất vấn quanh việc mua hóa đơn khống gây thiệt hại gần 53,8 tỷ đồng, bị cáo Huỳnh Liên Thuận "chày cối" cãi: Có phạm tội nhưng không gây thiệt hại, mà trái lại còn làm lợi cho Công ty (!). Cụ thể, việc mua hóa đơn tuy phải trả từ 0,3 đến 3% tổng số tiền ghi trên hóa đơn, nhưng khi quyết toán thuế lại được khấu trừ đầu vào nên... rất lãi. Còn việc Nhà nước mất tiền thì đó là việc của... Nhà nước (!?).
|