Chất lượng xét xử và việc thực hiện Nghị quyết 388 về bồi thường oan sai là hai vấn đề được các đại biểu tập trung chất vấn Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Hiện sáng nay. Nhưng dường như họ chưa hài lòng với câu trả lời rằng, chưa phát hiện cán bộ toà án có tiêu cực trong các vụ án oan sai.
"Năm qua, án chỉnh sửa chiếm 4%, huỷ 1% trong tổng số trên 17.000 vụ thụ lý. Ngoài nguyên nhân trong hàng trăm nghìn vụ án xảy ra khó tránh khỏi sai sót, còn nguyên nhân nào khác như thẩm phán, lãnh đạo có hành vi tiêu cực, thiếu tránh nhiệm hay năng lực yếu?", đại biểu Nguyễn Văn Tuyết đặt câu hỏi đầu tiên.
Ông Hiện thừa nhận, nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng trên là yếu tố con người. "Sai sót trong các vụ án không thể không nói tới nguyên nhân hiểu biết, nhận thức của thẩm phán". Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngành toà án nhìn chung là được, nhưng cơ bản thì chưa chính quy bài bản so với đòi hỏi hiện nay của xã hội.
Theo Chánh án, nếu án bị huỷ, sửa, thẩm phán phải giải trình. Lãnh đạo toà xem xét khả năng hoàn thành nhiệm vụ của người đó để có quyết định tái bổ nhiệm vào vị trí thẩm phán nữa hay không. Nếu phát hiện, cán bộ thiếu trách nhiệm, vi phạm pháp luật thì phải truy cứu tránh nhiệm hình sự cá nhân theo quy định. Nhấn mạnh thêm quyết tâm làm trong sạch đội ngũ cán bộ toà án, ông Hiện nói: "Hình phạt với những người này phải tăng nặng, vì đã có tội với đồng bào, cử tri".
Nội dung chất vấn của ông Đặng Như Lợi, Đinh Văn Oanh cùng xoáy vào kết quả bất nhất của hai cấp xét xử khi thụ lý cùng một vụ án. Chánh án Hiện giải thích, đây thường là những vụ án dân sự phức tạp. Các lãnh đạo TAND Tối cao thời kỳ trước đều đã có chỉ đạo giải quyết. Nhưng sau đó, cơ quan tố tụng đã thu thập được thêm nhiều chứng cứ, phát hiện tình tiết mới, vì thế nội dung vụ án đã được thay đổi. Hầu hết những vụ án trên được xét xử, có hiệu lực pháp luật trước năm 2.000. Tới nay, một số thẩm phán đã nghỉ hưu. Lãnh đạo toà chỉ đạo đơn vị chức năng kiểm điểm xem xét trách nhiệm họ.
"Hiện chưa có cơ quan nào phát hiện thẩm phán có tiêu cực trong quá trình tuyên những bản án trên", ông Hiện nói.
Ngoài chất lượng xét xử và sự công tâm của cán bộ toà án khi làm việc, vấn đề khác được người đại diện cho cử tri cả nước quan tâm là tiến trình giải quyết bồi thường oan sai cho người dân theo tinh thần nghị quyết 388. Chánh án cho biết, tới nay ngành toà án đã thương lượng thành công với 33 trường hợp có yêu cầu. Một số chưa tìm được tiếng nói chung là do người bị oan đưa ra mức bồi thường quá lớn. Về trách nhiệm của ngành toà án, Chánh án Hiện cho biết, cách xử lý hiện nay với những trường hợp thiếu bản lĩnh nghề nghiệp, chùn tay bỏ lọt tội phạm hoặc sợ trách nhiệm là thẩm phán ra quyết giải quyết vụ việc đó phải bị xem xét về tư cách thẩm phán, có thể bị cách chức hoặc không được bổ nhiệm khi hết nhiệm kỳ. Thậm chí, lãnh đạo cơ quan đó chịu trách nhiệm về quản lý.
Một hiện tượng khác nổi lên gần đây là từ sau khi có nghị quyết 388, một số cán bộ toà án vì sợ trách nhiệm, sợ bồi thường đã tuyên bị cáo không phạm tội dẫn tới việc bỏ lọt tội phạm. Đại biểu Đinh Văn Oanh yêu cầu: "Đề nghị đưa ra biện pháp khắc phục nếu không sẽ rất nguy hiểm?".
Ông Hiện tán thành, biểu hiện này cần đấu tranh, khắc phục. Tuy nhiên trình độ của thẩm phán, hội thẩm nhân dân trong một số vụ án phức tạp còn hạn chế nên đã tuyên bị cáo không phạm tội. Hiện, chưa phát hiện cán bộ nào do thiếu bản lĩnh nghề nghiệp, và sợ bồi thường mà HĐXX có biểu hiện chùn tay, bỏ lọt tội phạm.
Chưa bằng lòng với câu trả lời, có đại biểu nói tiếp: "Việc hình sự hoá quan hệ dân sự tại 3 vụ án nổi cộm là ông Phạm Văn Cường ở Nam Đinh, vụ hai mẹ con con trâu ở Yên Bái, vụ số 15 Thuốc Bắc. Tôi được biết, ngành công an và kiểm sát đã xử lý cán bộ liên quan rồi. Còn phía toà án thì sao?". Vẫn giống như câu trả lời trước, ông Hiện trả lời chưa phát hiện cán bộ có biểu hiện tiêu cực khi giải quyết những việc này.
Hiện người dân ít khởi kiện các vụ án hành chính một phần do chưa thật sự tin tưởng vào khả năng, hiệu quả giải quyết vụ án của thẩm phán do địa vị, quyền hạn của thẩm phán so với địa vị, quyền hạn của người bị kiện (thường là chủ tịch uỷ ban nhân dân các cấp, thủ trưởng các sở ban ngành). |
Chánh án nêu thực trạng hiện này là đơn đề nghị tái thẩm, giám đốc thẩm không có chiều hướng giảm, "đặc biệt trong tranh chấp dân sự, đương sự không muốn thi hành án nên cứ tiếp tục đâm đơn". Theo ông Hiện, do không có quy định về thời hạn làm thủ tục giám đốc thẩm hay tái thẩm. "Kháng cáo còn có hạn 15 ngày, con đây thì không quy định gì cả. Thích thì gửi, muốn trì hoãn thì gửi". Hằng năm, trên 10.000 đơn xin đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Toà tập trung xử lý đơn bức xúc khiếu nại kéo dài nên lượng công việc giải quyết đã tăng gấp đôi, chiếm 70-75%.
Anh Thư
▪ Cả trăm hộ dân ở Đồng Mỏ (Lạng Sơn) là nạn nhân của nạn “vay khống” (25/11/2005)
▪ Quản lý hóa chất, kháng sinh dùng cho sản xuất, kinh doanh thực phẩm (25/11/2005)
▪ Đánh cắp tài khoản qua mạng - thủ đoạn mới của tội phạm (25/11/2005)
▪ Cần làm rõ những sai phạm trong việc thuê Khách sạn Công đoàn, TP Việt Trì, Phú Thọ (25/11/2005)
▪ Bí thư thị ủy Sầm Sơn giao đất trái luật cho người thân (25/11/2005)
▪ Tạm giam 4 tháng ca sĩ Gary Glitter (25/11/2005)
▪ Mua hàng qua mạng Internet bằng tài khoản ăn cắp (25/11/2005)
▪ 8,4 tỷ đồng của Hà Kiều Anh cũng bị đề nghị xử lý (25/11/2005)
▪ Đồ vàng, trang sức ngọc của Lê Quốc Hồ là hàng giả (26/11/2005)
▪ Đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020 (24/11/2005)