Hàng trăm học viên của Khóa đào tạo kinh doanh bất động sản (tổ chức tại 31B Phan Đình Phùng, Phú Nhuận, TP HCM) dở khóc dở mếu vì không được cấp chứng chỉ hoặc “đứt gánh giữa đường”. Trong khi đó, trưởng ban đào tạo Ngô Phát Đạt thì đã biến mất.
Anh Nguyễn Công Minh, học viên khóa 5 (C5), cho biết vào tháng 10/2004, anh đọc báo thấy quảng cáo chiêu sinh lớp kinh doanh bất động sản do Hiệp hội bất động sản nhà đất Việt Nam tổ chức tại TP HCM. Cuối tháng 11/2004, anh đến địa chỉ 31-31B Phan Đình Phùng đăng ký và đóng học phí 5.500.000 đồng, chia làm hai đợt.
"Phiếu thu tiền do ông Ngô Phát Đạt - trưởng ban đào tạo - ký nhận, bên trên là con dấu Hiệp hội bất động sản nhà đất Việt Nam - Ban đào tạo. Sau khi thi tốt nghiệp vào ngày 29/3/2005, ông Đạt hứa sau một tháng sẽ được cấp chứng chỉ nghề kinh doanh bất động sản (có giá trị trên toàn quốc). Nhưng sau đó ông Đạt không biết đi đâu mất", anh Minh nói.
Học viên các khóa C3, C4 với tổng số gần 100 người đều bị ông Đạt “xù” chứng chỉ. Riêng khóa C6 mới học được gần một tháng thì trung tâm đóng cửa. Chị Nguyễn Thị Kim Loan, khóa C6, cho biết: “Chúng tôi gọi điện cho ông Đạt nhưng ông này tắt máy. Chúng tôi liên hệ với người cho thuê căn nhà 31B Phan Đình Phùng thì được biết từ lâu ban đào tạo không thanh toán tiền thuê nhà nên chủ nhà hủy hợp đồng, lấy lại nhà để bán”.
Ông Đạt đã “qua mặt” Hiệp hội Bất động sản nhà đất VN?
Theo tìm hiểu, tại khóa C1 và C2, ông Đạt - với tư cách trưởng ban đào tạo của Hiệp hội bất động sản nhà đất Việt Nam - đã liên kết với Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội mở lớp đào tạo “chuyên viên địa ốc” và được trường này cấp bằng hẳn hoi. Đến khóa C3, do có nhiều vấn đề lèm nhèm trong quản lý, Đại học Kinh tế quốc dân rút lui.
Tuy nhiên ông Đạt không thông qua Hiệp hội bất động sản nhà đất Việt Nam, tự động mở tiếp các khóa C3, C4, C5 và C6 và đổi tên gọi thành “quản trị kinh doanh bất động sản” và “thẩm định giá bất động sản”.
Một thành viên của ban chấp hành Hiệp hội nói: “Ngoài Hiệp hội bất động sản nhà đất Việt Nam (có pháp nhân), cá nhân ông Đạt không thể đứng ra tổ chức mở lớp đào tạo. Nghiêm trọng hơn, ông Đạt đã tự khắc con dấu, tự thu phí và không nộp tiền về Hiệp hội. Những việc làm này ông Đạt đều qua mặt tổ chức”.
Chỉ tính riêng tiền học phí của các khóa C4, C5 và C6, ông Đạt đã “ôm” trọn trên 760 triệu đồng của 223 học viên. Ngoài ra, ông Đạt còn lập ra một loại quỹ “hội viên câu lạc bộ thẩm định giá” trên 55 triệu đồng, “quỹ hội phí” của các đơn vị kinh doanh nhà đất, địa ốc 104 triệu đồng. Số tiền quỹ này ông Đạt chỉ đạo cho nhân viên dưới quyền chi vào quà cáp, tiệc tùng và bỏ túi riêng.
Sau khi có đơn tố cáo của học viên, ngày 1/8/2005, Hiệp hội bất động sản nhà đất Việt Nam vội vã ra thông báo nêu rõ “tạm thời ngừng giao dịch về đào tạo, tiếp nhận hồ sơ, phí xin gia nhập Hiệp hội và hội phí hằng năm tại địa chỉ 31B Phan Đình Phùng”.
Theo nguồn tin, căn cứ vào đơn tố cáo và hồ sơ do các học viên cung cấp, cơ quan điều tra Công an Phú Nhuận đã thụ lý, xác minh, điều tra ban đầu. Cơ quan điều tra đã triệu tập một số người liên quan lên lấy lời khai. Riêng Ngô Phát Đạt, theo cơ quan điều tra, đã nhiều lần liên hệ nhưng không gặp được ông.
(Theo Tuổi Trẻ)
▪ Một năm đấu tranh quyết liệt phòng, chống tội phạm hình sự (09/01/2006)
▪ Một năm đấu tranh quyết liệt phòng, chống tội phạm hình sự (09/01/2006)
▪ Công an Trung Quốc đã giải cứu Đặng Thị May (09/01/2006)
▪ Công an Trung Quốc đã giải cứu Đặng Thị May (09/01/2006)
▪ Xử lý dứt điểm tình trạng xe "dù", bến "cóc" ở Ðà Nẵng (09/01/2006)
▪ Xử lý dứt điểm tình trạng xe "dù", bến "cóc" ở Ðà Nẵng (09/01/2006)
▪ Trợ cấp xã hội cho người cao tuổi (09/01/2006)
▪ Quy chế quản lý tài chính đối với hoạt động kinh doanh trò chơi có thưởng (09/01/2006)
▪ Sẽ có thông tư về chống in lậu (10/01/2006)
▪ Say rượu, bia ở nơi công cộng bị phạt bao nhiêu tiền? (09/01/2006)