Phúc tra qua loa, người dân bức xúc
Các Website khác - 10/01/2006
Ngày 9-1, không khí ở xã Đại Mạch, Đông Anh, Hà Nội, nơi xảy ra vụ khai khống số lượng gia cầm phải tiêu huỷ do dịch cúm gà để lấy tiền của Nhà nước, đã bớt "nóng", nhưng người dân vẫn rồng rắn kéo theo đoàn phúc tra của xã đến từng hộ. Và họ lại không khỏi bức xúc khi việc phúc tra được tiến hành rất hình thức.
Theo đoàn phúc tra của xã, chúng tôi tới nhà anh Hà Văn Tuấn ở đội 6, xóm Tây, thôn Đại Đồng.

Anh Tuấn trước kia khai đã tiêu hủy gần 2.000 con gà. Thế nhưng, khi đoàn phúc tra hỏi về chỗ chôn thì anh Tuấn khai đã đào lên cho lợn và cá ăn ngay sau khi Ban chỉ đạo tiêu hủy gia cầm ra khỏi nhà (?).

Tương tự như vậy, khi đoàn phúc tra tới nhà Phạm Văn Điệp cũng ở đội 6, chị Hằng (vợ anh Điệp) khai gần 2.000 con gà sau khi chôn cũng được đào lên để nấu cho lợn và cho cá ăn.

Trước đó, nhiều hộ gia đình khác ở Đại Đồng cũng đưa ra lý do chẳng còn gì mà kiểm tra vì đã đào gia cầm lên để nấu cám cho lợn ăn hoặc cho hàng xóm, hoặc làm thức ăn cho cá...

Dường như ai đó đã "thống nhất" với các hộ dân cư cách đổ tội cho lợn và cá để đối phó với đoàn phúc tra.

Ông Nguyễn Như Tảo, Trưởng đoàn phúc tra cho biết: Công việc của Đoàn là tới từng nhà trong số 44 hộ dân bị nghi ngờ có khai gian số gia cầm tiêu hủy, đo đạc diện tích chuồng trại thực tế và sau đó kiểm tra các hố chôn gia cầm. Còn khi người dân đã nói gia cầm sau khi chôn lại đào lên để nấu cám cho lợn, cho cá ăn thì cũng không có cách nào để xác minh xem có đúng như vậy không.

Theo đánh giá của nhiều người dân, việc tiến hành phúc tra này còn mang nặng tính hình thức bởi việc xác định diện tích chuồng trại của mỗi hộ gia đình không thể giúp đoàn phúc tra biết chính xác số lượng gia cầm mà hộ đó đã nuôi trước khi tiêu hủy là bao nhiêu, bởi có rất nhiều hộ có chuồng trại, nhưng từ lâu đã để không, không còn nuôi gia cầm nữa.

Trong báo cáo thống kê số lượng gia cầm của xã báo cáo lên huyện để tiêm vaccine hồi tháng 10-2005, cả xã chỉ có hơn 100.000 con gia cầm. Vậy mà thống kê số lượng gia cầm bị tiêu hủy trong đợt 1 (từ ngày 29-11 đến 7-12-2005), số lượng gia cầm đã lên đến gần 332.000 con, nếu tính cả đợt hai thì số lượng gia cầm của toàn xã đã là 433.000 con.


Và còn rất nhiều người dân nữa rất bức xúc trước việc đoàn công tác trong hai ngày qua đến các gia đình để kiểm tra hố chôn gia cầm thì chủ nhà đều từ chối không cho đào lên (vì chắc là không còn gì dưới hố), trong khi họ đã kê khai là tiêu hủy số gia cầm lớn. Nhiều người dân cho rằng gà mới tiêu hủy được một tháng, số lượng lớn thế sao lại không còn dấu vết gì, tại sao không cho đào lên? Đằng sau việc này hẳn có nhiều điều khuất tất, cần phải làm rõ.

Bà con cũng đề nghị cần tiếp tục phúc tra hai thôn còn lại bởi ở các thôn khác cũng có hiện tượng "chôn gia cầm trong vườn" và "số lượng gia cầm tăng đột biến".

Sáng 9-1, Công an và Viện Kiểm sát huyện đã họp, thống nhất ra quyết định số 07/KT-VA khởi tố vụ án với tội danh "Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 165 Bộ luật hình sự để điều tra vụ "tham nhũng gia cầm" nêu trên. Theo lãnh đạo công an huyện, mặc dù chưa gây thất thoát về tiền, nhưng vụ việc rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến dư luận.

Trước đó, ngày 8-1, đại diện những hộ dân liên quan đã bị triệu tập đến trụ sở Công an huyện. Trước mắt, Công an sẽ tiến hành điều tra, củng cố hồ sơ và nhất là bảo đảm tình hình an ninh trật tự trong xã.

Huyện ủy Đông Anh cũng vừa có công văn số 53-CV/HU gửi UBND huyện Đông Anh, Đảng ủy và UBND xã Đại Mạch yêu cầu UBND huyện chỉ đạo UBND xã Đại Mạch tiếp tục tổ chức việc phúc tra, kết luận rõ việc khai khống số lượng của tất cả các hộ dân có gia cầm tiêu hủy, làm rõ trách nhiệm của cán bộ, đảng viên có sai phạm và báo cáo kết quả về huyện ủy. Chỉ đạo UBND các xã trên địa bàn huyện rà soát việc kê khai và chi trả tiền hỗ trợ theo đúng quy định.

Theo Quân đội nhân dân