Thẻ ưu tiên thủ tục hải quan
Các Website khác - 10/01/2006
Hỏi: Những doanh nghiệp như thế nào thì được cơ quan hải quan cấp thẻ ưu tiên thủ tục hải quan? Nếu doanh nghiệp có nhiều chi nhánh ở các địa phương khác nhau thì có thể sử dụng chung một thẻ không hay phải xin cấp riêng?
Trả lời: Tất cả các doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật về hải quan, được thành lập theo quy định của pháp luật có hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá ít nhất 365 ngày tính đến ngày xin cấp thẻ ưu tiên thủ tục hải quan được cấp thẻ ưu tiên thủ tục hải quan khi đáp ứng các điều kiện quy định trong Quy chế tạm thời về việc cấp thẻ ưu tiên thủ tục hải quan cho doanh nghiệp, ban hành kèm theo Quyết định số 1952/QĐ-TCHQ ngày 19-12-2005 của Tổng cục hải quan, cụ thể như sau:

- Không bị pháp luật xử lý về hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới.

- Không quá 2 lần bị xử lý vi phạm hành chính về hải quan với mức phạt vượt quá thẩm quyền của Chi cục trưởng hải quan.

- Không trốn thuế: không bị truy tố hoặc bị phạt ở mức 1 (một) lần số thuế phải nộp trở lên.

- Không nợ thuế quá 90 ngày.

- Thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ.

Đối với doanh nghiệp có nhiều chi nhánh, đơn vị trực thuộc thì thẻ được xét cấp cho từng chi nhánh, đơn vị trực thuộc, hạch toán độc lập, có mã số thuế riêng. Trường hợp doanh nghiệp có hoạt động trên nhiều địa bàn thuộc sự quản lý của một cục hải quan hoặc các cục hải quan khác nhau thì được Cục hải quan có liên quan xét cấp số lượng thẻ phù hợp.

Thẻ do Cục hải quan nào cấp chỉ có giá trị sử dụng trong phạm vi quản lý của Cục hải quan đó.

--------------------------

Điều chỉnh quy chế trả lương trong doanh nghiệp

Hỏi: Để phù hợp với chế độ lương mới của Nhà nước, doanh nghiệp chúng tôi (là một tổng công ty Nhà nước) đang có kế hoạch tính toán và tiến hành điều chỉnh quy chế trả lương của doanh nghiệp hiện vẫn đang áp dụng. Xin hỏi, việc điều chỉnh quy chế trả lương này có phải đáp ứng những yêu cầu gì không?

Trả lời: Theo quy định của Bộ luật lao động, luật doanh nghiệp Nhà nước, Nghị định số 28/CP (28-3-1998) và Nghị định số 03/2001/NĐ-CP (11-1-2001) của Chính phủ nay được thay thế bằng Nghị định 206/2004/NĐ-CP (14-12-2004) của Chính phủ quy định quản lý lao động, tiền lương và thu nhập trong các công ty Nhà nước và Nghị định số 114/2002/NĐ-CP (31-12-2002) của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về tiền lương thì việc trả lương cho người lao động thuộc trách nhiệm của giám đốc doanh nghiệp theo quy chế trả lương do doanh nghiệp xây dựng và đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trước khi thực hiện.

Quy chế trả lương phải bảo đảm dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch, khuyến khích người có tài năng, có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, năng suất lao động cao, đóng góp nhiều cho công ty. Khi xây dựng quy chế trả lương phải có sự tham gia của ban chấp hành công đoàn cùng cấp và phải phổ biến đến từng người lao động.

Việc tổng công ty của ông dự kiến điều chỉnh, bổ sung quy chế trả lương cho phù hợp với điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh của mình và mặt bằng tiền lương theo các quy định của chế độ tiền lương mới là cần thiết nhưng phải bảo đảm các nguyên tắc nêu trên.

--------------------------

Thời gian tính chế độ cho lao động dôi dư

Hỏi: Tôi năm nay 43 tuổi, hiện nay cơ quan tiến hành cổ phần hóa thì tôi thuộc danh sách lao động dôi dư nên sẽ phải nghỉ việc. Tôi muốn biết, khi tính chế độ theo quy định hiện hành thì khoảng thời gian tôi có đi lao động hợp tác ở nước ngoài trước đây có được tính vào thời gian để hưởng các chế độ hay không?

Trả lời: Thời gian được hưởng chế độ trợ cấp mất việc làm theo chế độ lao động dôi dư được quy định tại Tiết c Điểm 1 Mục II của Thông tư số 19/2004/TT-BLĐTBXH ngày 22-11-2004 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn chính sách đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước là tổng thời gian thực tế làm việc trong khu vực Nhà nước, bao gồm: thời gian người lao động thực tế làm việc tại doanh nghiệp Nhà nước: cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp Nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang được hưởng lương từ nguồn ngân sách Nhà nước; mọi thời gian có hưởng lương từ nguồn ngân sách Nhà nước, nguồn doanh nghiệp Nhà nước, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (thời gian đào tạo, công tác, nghỉ ốm đau, thai sản...); thời gian làm việc theo hình thức nhận khoán sản phẩm, khối lượng công việc trong thời gian này mà doanh nghiệp có trả lương và có đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định của pháp luật.

Vì vậy, thời gian lao động ở nước ngoài không được tính để hưởng chế độ theo Nghị định số 41/2002/NĐ-CP.

Theo Thời báo kinh tế Việt Nam