Hỏi: Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ cháy, nổ bình chứa gas do các cửa hàng kinh doanh sang chiết gas trái phép hoặc cơ sở không đủ điều kiện bảo quản gas. Đề nghị cho biết trách nhiệm pháp lý của những cơ sở này?
Trả lời: Khi xảy ra cháy, nổ tại các cơ sở kinh doanh gas hoặc các chất nguy hiểm về cháy, nổ khác (gọi chung là chất nguy hiểm), cơ quan phòng cháy, chữa cháy (PCCC) sẽ phối hợp với lực lượng an ninh trật tự ở địa phương xác định nguyên nhân cháy, nổ. Trường hợp người sản xuất, kinh doanh, sử dụng chất nguy hiểm về cháy, nổ có hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy cạnh về PCCC thì tùy theo mức độ gây thiệt hại về người và tài sản phải chịu trách nhiệm hình sự hoặc bồi thường dân sự. Trường hợp cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể:
- Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi: không có quy định về PCCC phù hợp với tính chất nguy hiểm cháy, nổ của chất nguy hiểm trong quá trình xuất, nhập chất đó; sử dụng trái phép chất nguy hiểm.
- Hành vi bố trí, sắp xếp chất nguy hiểm vượt quá số lượng hoặc khối lượng quy định bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng.
- Những hành vi bố trí, sắp xếp chất nguy hiểm không theo từng nhóm riêng theo quy định; sử dụng thiết bị, phương tiện chứa chất nguy hiểm chưa được kiểm định hoặc đã hết hạn sử dụng; sử dụng kho, thiết bị chứa chất nguy hiểm không bảo đảm các điều kiện về PCCC thì bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng.
- Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi tàng trữ trái phép chất nguy hiểm về cháy, nổ.
- Tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh chất nguy hiểm về cháy, nổ nếu không có biện pháp, phương tiện ngăn ngừa tích tụ tĩnh điện theo quy định; không có biện pháp thông gió tự nhiên hoặc thiết bị thông gió cưỡng bức thì bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.
- Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi sản xuất, kinh doanh chất nguy hiểm mà không có "Giấy chứng nhận đủ điều kiện về PCCC".
- Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau: không lắp đặt thiết bị phát hiện và xử lý rò rỉ của các chất nguy hiểm ra môi trường chung quanh theo quy định; không có phương án và thiết bị xử lý sự cố bục vỡ bể chứa, thiết bị đường ống đối với các chất cháy là dầu mỏ, sản phẩm dầu mỏ và các chất lỏng dễ cháy khác; kinh doanh chất nguy hiểm về cháy, nổ thuộc danh mục cấm kinh doanh.
- Hành vi sản xuất, kinh doanh trái phép chất nguy hiểm về cháy, nổ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.
---------
Tên doanh nghiệp thế nào là hợp pháp?
Hỏi: Tôi đang làm thủ tục đăng ký lập công ty dịch vụ nhà đất, chủ yếu là môi giới mua bán và thuê nhà ở. Xin hỏi: Pháp luật quy định việc đặt tên doanh nghiệp như thế nào?
Trả lời: Tên gọi của một doanh nghiệp, xét về mặt nào đó, là chuyện riêng tư thể hiện ý chí, nguyện vọng, xu hướng, sở thích... của những người sáng lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, vì tên gọi của doanh nghiệp là để phân biệt đơn vị này với đơn vị khác, là yếu tố để xác định loại hình doanh nghiệp, lãnh vực kinh doanh, quy mô hoạt động, là tài sản vô hình của doanh nghiệp... và thể hiện thuần phong, mỹ tục, văn hóa dân tộc... nên nhà nước có những quy định khá chặt chẽ trong việc đặt tên cho doanh nghiệp mà những ai muốn đăng ký kinh doanh phải tuân theo.
Theo Luật doanh nghiệp và Nghị định 109/2004/NĐ-CP ngày 2-4-2004 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh, bạn cần lưu ý một số điểm sau đây khi chọn đặt tên cho doanh nghiệp sắp thành lập của mình:
- Tên doanh nghiệp phải bảo đảm không trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên doanh nghiệp khác đã đăng ký kinh doanh;
- Không vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ thuật của dân tộc;
- Phải viết bằng tiếng Việt và có thể viết thêm bằng một hoặc một số tiếng nước ngoài với khổ chữ nhỏ hơn.
- Tên doanh nghiệp phải có ít nhất hai thành tố sau đây: loại hình doanh nghiệp và tên riêng (Thí dụ: Công ty trách nhiệm hữu hạn XYZ, Công ty cổ phần XYZ...).
Một lưu ý khác: tên riêng của doanh nghiệp phải được viết bằng tiếng Việt, có thể kèm theo chữ số và ký hiệu phát âm được. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể sử dụng ngành, nghề kinh doanh hay yếu tố phụ trợ khác để cấu thành tên doanh nghiệp (Thí dụ: Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại dịch vụ XYZ...)
Có mấy điểm cần tránh khi đặt tên doanh nghiệp như sau đây:
- Không được đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký.
- Không được sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị - xã hội để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.
- Không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc để đặt tên riêng cho doanh nghiệp.
Lưu ý: Tên trùng là tên của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký được viết hoa hoặc bằng tiếng Việt hoàn toàn giống với tên em doanh nghiệp đã đăng ký.
Các trường hợp sau đây được coi là gây nhầm lẫn với tên doanh nghiệp khác:
- Tên bằng tiếng Việt của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký được đọc giống như tên doanh nghiệp đã đăng ký.
- Tên bằng tiếng Việt của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký chỉ khác tên của doanh nghiệp đã đăng ký bởi ký hiệu "&".
- Tên viết tắt của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp đã đăng ký;
- Tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký trùng với tên nước ngoài của doanh nghiệp đã đăng ký;
- Tên của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký khác với tên của doanh nghiệp đã đăng ký bởi số tự nhiên, số thứ tự hoặc các chữ cái tiếng Việt (A, B, C...) ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó, trừ trường hợp doanh nghiệp yêu cầu đăng ký là doanh nghiệp con của doanh nghiệp đã đăng ký.
- Tên của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký khác với tên doanh nghiệp đã đăng ký bởi các từ "Bắc", "miền Bắc", "Nam", "miền Nam", "Trung", "miền Trung", "Tây", "miền Tây", "Đông", "miền Đông" trừ trường hợp doanh nghiệp yêu cầu đăng ký là doanh nghiệp con của doanh nghiệp đã đăng ký.
----------
Nghề giám sát thi công công trình
Hỏi: Tôi đang tiến hành đăng ký thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn ngành nghề xây dựng công trình, nhưng Sở kế hoạch và Đầu tư yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề thi công công trình. Tôi không có bằng đại học xây dựng mà chỉ tham gia một lớp bồi dưỡng nghiệp vụ giám sát thi công thì có được cấp chứng chỉ không? Điều kiện để được cấp chứng chỉ này như thế nào?
Trả lời: Điều 52, chương V, Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 7-2-2005 của Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình như sau:
- Người được cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình phải có trình độ đại học trở lên thuộc chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực hành nghề xin đăng ký; đã trực tiếp tham gia thiết kế, thi công xây dựng hoặc giám sát thi công xây dựng công trình ít nhất 5 năm; đã qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ giám sát thi công xây dựng.
- Đối với vùng sâu, vùng xa, những người có trình độ cao đẳng, trung cấp thuộc chuyên ngành xây dựng phù hợp; đã trực tiếp tham gia thiết kế hoặc thi công xây dựng hoặc giám sát thi công xây dựng công trình ít nhất 5 năm; đã qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ giám sát thi công xây dựng.
Các bản sao phải được chứng thực "Sao y bản chính".
----------
Quảng cáo hàng hóa nước ngoài
Hỏi: Muốn thực hiện quảng cáo mẫu hàng hóa nhập ngoại thì yêu cầu thủ tục gì? Có nhất thiết phải có giấy phép nhập khẩu không?
Trả lời: Căn cứ theo điều 17 Nghị định số 194/CP ngày 31-12-1994 của Chính phủ thì hàng hóa do nước ngoài sản xuất muốn được quảng cáo phải có các điều kiện sau:
- Đã được cấp giấy phép nhập khẩu vào Việt Nam;
- Nhãn hiệu, biểu tượng đã đăng ký sở hữu công nghiệp ở nước sở tại hoặc ở Việt Nam;
- Giấy chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng của nước sản xuất hoặc của Việt Nam.
- Nếu là dược phẩm, dược liệu, mỹ phẩm, dụng cụ y tế phải được phép của Bộ Y tế Việt Nam.
Tổng hợp
|