Việt Nam - đối tác đặc biệt của Liên Hợp Quốc Ngày 24.5, một ngày dày đặc các hoạt động của Tổng Thư ký LHQ Kofi Annan tại Hà Nội, đã đem lại những ấn tượng tốt đẹp cho ông về Việt Nam. Các cuộc di chuyển như con thoi trên đường, các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Việt Nam đã khiến ông Annan cảm nhận được "sự năng động và sức sống của Việt Nam" và tin tưởng rằng, sự năng động đó sẽ được tiếp tục - như lời ông đã khẳng định với các nhà báo. Chia sẻ với các nạn nhân bão số 1
Ông Annan đã hoan nghênh những nỗ lực của VN trong việc tăng cường dân chủ, pháp quyền tại cơ sở. Quyết tâm chống tham nhũng, những cố gắng của VN trong việc cải thiện đời sống mọi mặt của đồng bào các dân tộc thiểu số và nâng cao vai trò, vị trí của phụ nữ trong xã hội được ông Annan đánh giá cao. Ông Annan chúc Việt Nam sẽ tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC vào dịp cuối năm nay. Ông Annan khẳng định, LHQ sẽ tăng cường hợp tác và hỗ trợ VN đồng thời, bày tỏ mong muốn Việt Nam đóng góp nhiều hơn nữa vào các hoạt động của LHQ, phát huy vai trò đi đầu trong việc thực hiện các sáng kiến của LHQ đối với các nước đang phát triển, tham gia tích cực vào quá trình cải tổ LHQ và nâng cao vị trí, vai trò của LHQ. Làm việc với Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống cúm gia cầm của VN, ông Annan rất hài lòng về những nỗ lực của Việt Nam khi biết rằng, 5 tháng qua ở VN không phát hiện ổ dịch mới nào, 6 tháng qua không có người nào ở VN bị nhiễm cúm gia cầm. Ông khẳng định, LHQ sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc phòng chống dịch cúm gia cầm và các cơ quan LHQ sẽ đóng vai trò điều phối viên trong phòng, chống dịch.
Cuộc họp báo chiều 24.5 của Tổng Thư ký LHQ Kofi Annan tại Hà Nội là tâm điểm thu hút của các phóng viên trong và ngoài nước, bởi việc tiếp cận ông Annan trong các hoạt động trong ngày là hầu như không thể được. 17h45 cuộc họp mới bắt đầu, nhưng từ 17h đến 17h30, khoảng 70 phóng viên đã qua các bước kiểm tra an ninh và có mặt tại phòng họp. Có lẽ chính ông Annan cũng ngỡ ngàng với sự có mặt đông đảo đó và ông phải đề nghị các phóng viên để ông bắt đầu bằng một phát biểu ngắn: "Tôi vui mừng biết chừng nào khi được đến thăm VN. VN và LHQ đã xây dựng được mối quan hệ hợp tác rất đặc biệt trong 30 năm qua. VN luôn thể hiện tính tự chủ trong việc quyết định những vấn đề liên quan đến sự hợp tác. Điều quan trọng là VN luôn thúc đẩy sự phát triển để phục vụ cho tất cả mọi người, chứ không chỉ vì lợi ích của một nhóm người nào đó. Ông Annan ghi nhận, công cuộc xoá đói giảm nghèo ở VN "mang tính lịch sử" khi Việt Nam đã giúp rất nhiều người thoát khỏi đói nghèo: "Mặc dù thu nhập bình quân đầu người của VN so với nhiều nước khác chưa cao, nhưng chỉ số phát triển con người của VN đã đạt mức tương đương hoặc bằng các nước có thu nhập bình quân đầu người cao hơn VN rất nhiều. Các cơ quan LHQ ở VN có sự hợp tác chặt chẽ với VN ở nhiều cấp, từ trung ương đến địa phương. LHQ cam kết tiếp tục bên cạnh VN cho tới chừng nào mà đói nghèo chưa được giải quyết, người dân chưa được tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ y tế, giáo dục, việc phòng, chống dịch HIV, môi trường và phát triển bền vững chưa được đảm bảo". Về hướng hợp tác giữa VN và LHQ giai đoạn 2006 - 2010, ông Annan cho biết: "Hai bên sẽ tập trung nâng cao chất lượng phát triển, tạo dịch vụ tốt hơn cho người dân, xây dựng các thể chế dân chủ cho VN. Chúng tôi hy vọng góp phần thúc đẩy bền vững, xây dựng các thể chế dân chủ, đặc biệt các cơ quan đại diện cho người dân như Quốc hội hay hội đồng nhân dân". Được nhiều phóng viên quan tâm là vấn đề VN đang ứng cử vào vị trí thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ. Ông Annan cho biết: "Hiện nay VN là ứng cử viên duy nhất của Châu AÁ và cần sự ủng hộ của tất cả các nước ở khu vực này. Việc cạnh tranh là rất khắc nghiệt, nhưng đến nay cơ hội cho VN là rất tốt. Nhưng khi đó trách nhiệm của VN sẽ rất lớn lao trong việc hợp tác với các thành viên khác để gìn giữ hoà bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy sự phát triển chung". Trách nhiệm của Tổng Thư ký "Làm Tổng Thư ký LHQ có khó không?" là câu hỏi mà phóng viên Lao Động đặt ra. Ông Annan nói: "Đấy là một công việc khó và có những thách thức đặc biệt. Dù vậy, vẫn cần có người làm công việc này, một công việc mang đầy trách nhiệm. Tôi đã làm việc này 10 năm, có những thời điểm vô cùng khó khăn, có thách thức và cả sự thất vọng. Nhưng thật may là mọi việc vẫn tiến triển". Trong các điểm dừng chân trước như Trung Quốc, Nhật Bản, ông Annan đã gặp gỡ và nói chuyện với sinh viên các nước này, nhưng ở VN ông không có chương trình này. Giải thích về điều đó với Lao Động, ông nói: "Tôi luôn muốn và thích gặp sinh viên, vì đó là lãnh đạo tương lai của các nước. Bên cạnh việc chia sẻ, tôi có thể học hỏi được nhiều từ họ. Nhưng chương trình hoạt động rất dày đặc và tôi hy vọng lần sau sẽ có cơ hội gặp". Cuộc họp báo diễn ra chừng 20 phút. Cơ hội đặt câu hỏi của các nhà báo VN là rất ít. Một số phóng viên nước ngoài đã đặt câu hỏi về tình hình Iran, ông Annan vẫn nhấn mạnh đến giải pháp ngoại giao. Song ông nói vui, dường như mọi vấn đề của VN đã được giải quyết tốt, nên các nhà báo rất chú ý đến vấn đề Iran. Mỹ Hằng
|
▪ Đại sứ Singapore thăm toà soạn Báo Lao Động (25/05/2006)
▪ Lụt lớn ở miền bắc Thái Lan do mưa lớn và lở đất (25/05/2006)
▪ Yêu cầu Uỷ ban Châu Âu điều trần về áp thuế phá giá giày da với Việt Nam (25/05/2006)
▪ Hạ viện Italia đã thông qua danh sách chính phủ mới (25/05/2006)
▪ Số điện thoại đắt nhất thế giới (25/05/2006)
▪ Ông Bush không định xem phim của ông Al Gore (25/05/2006)
▪ "VN sẽ đạt được những Mục tiêu Thiên niên kỷ vào năm 2015" (24/05/2006)
▪ Tham nhũng - vấn đề chung của cả APEC (25/05/2006)
▪ Máy bay Mỹ oanh tạc một ngôi làng ở miền nam Afghanistan (24/05/2006)
▪ Iraq: Nữ luật sư biện hộ cho Saddam Hussein bị đuổi ra khỏi toà (24/05/2006)