Việt Nam dẫn đầu các nước đang phát triển về thành tích giảm tỷ lệ nghèo từ trên 60% vào năm 1990 xuống còn 29,1% vào năm 2002. Ngoài ra, Việt Nam còn đặt mục tiêu xoá đói vào năm 2005 và giảm tiếp 60% tỷ lệ người nghèo vào năm 2010. Những thành tích này chủ yếu là kết quả của công cuộc đổi mới rộng rãi được khởi xướng vào năm 1986.
Đã từ lâu, UNDP cùng các đối tác quốc tế sát cánh với Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong công cuộc đổi mới cũng như hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và xoá đói giảm nghèo của Việt Nam trong quá trình đó. Tuy nhiên, các thành tựu của Việt Nam hiện đang bị đe doạ bởi bệnh dịch HIV/AIDS ngày càng gia tăng. Nếu không kịp thời ngăn chặn, HIV/AIDS sẽ vượt ra ngoài tầm kiểm soát và trở thành một đại dịch gây ra những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế-xã hội như làm cho nghèo đói gia tăng và đẩy lùi những thành quả phát triển đạt được từ trước đến nay.
Theo thông báo mà Bộ Y tế nhận được, tính đến tháng 9 năm 2003, tổng số người bị nhiễm HIV lên tới 71.350. Số trường hợp nhiễm HIV phát hiện được hiện gia tăng khoảng 1.300 người mỗi tháng, trong khi cách đây mới một thập kỷ đó là con số gia tăng của cả một năm. Có thể rút ra kết luận rõ ràng là HIV/AIDS đang gia tăng và với tốc độ cao hơn nhiều. Đây mới chỉ là những trường hợp nhiễm HIV phát hiện được; còn có nhiều người bị nhiễm nhưng không biết hoặc chưa thông báo. Vì vậy, con số thực tế còn cao hơn gấp nhiều lần.
Có mối liên quan chặt chẽ giữa nghèo đói và HIV/AIDS - vì vậy, thông điệp về HIV cũng phù hợp với Ngày Quốc tế Xoá đói Giảm nghèo. Nghèo đói làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm và tạo thuận lợi cho sự lây lan của HIV. Tình trạng bị nhiễm HIV có thể khiến cho các cá nhân và gia đình bị lâm vào một cuộc sống nghèo đói. Nghèo đói - HIV/AIDS - nghèo đói hơn trở thành một chuỗi tai hoạ liên đới với nhau.
Mặc dù nghèo đói không trực tiếp gây ra HIV, song nó tạo ra môi trường làm gia tăng nguy cơ nhiễm virút HIV của người dân. Do nghèo đói và thiếu cơ hội kinh tế, nhiều thanh niên di cư từ nông thôn lên các thành phố - họ thường không có nơi nương tựa và tiếp xúc với những hành vi nguy cơ. Người nghèo có ít điều kiện được tiếp cận với giáo dục và thông tin, vì vậy có ít hiểu biết hơn về cách thức tự bảo vệ khỏi bị nhiễm HIV. Trong bối cảnh đó, phụ nữ và trẻ em gái là những đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương. Người nghèo còn có điều kiện dinh dưỡng thấp hơn và sức khoẻ kém hơn, làm cho họ ít có khả năng vượt qua nguy cơ bị nhiễm virút HIV và khiến cho những người đã bị nhiễm trở nên mẫn cảm hơn với các hiện tượng viêm nhiễm thứ cấp liên quan tới HIV.
Nghèo đói làm gia tăng sự lây lan của HIV/AIDS, và ngược lại bệnh dịch này kìm hãm tăng trưởng kinh tế. Nó tiêu tốn ngân quỹ y tế công cộng và các khoản thu khác của Nhà nước mà lẽ ra có thể được đầu tư cho mục đích phát triển kinh tế và phúc lợi của người dân. Như vậy, nó làm tiêu hao nguồn vốn tiết kiệm và tài sản của quốc gia. Bệnh dịch HIV/AIDS còn làm cho tình trạng nghèo đói trở nên tồi tệ hơn vì nó giảm cơ hội việc làm của những người lao động không bị nhiễm khi thị trường có sự điều chỉnh để đối phó với tác động xấu của bệnh dịch này đối với nền kinh tế quốc gia.
TS Nafis Sadik, Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về vấn đề HIV/AIDS ở Châu á - Thái Bình Dương, đang ở thăm Việt Nam trong tuần này, nói: "Để thành công, các chính sách cần phải vượt qua những tư tưởng tồn tại từ bao lâu nay - trong đó có quan điểm cơ bản cho rằng nghèo đói và bất bình đẳng là những thực tế không thể tránh khỏi của cuộc sống. HIV/AIDS xảy ra phổ biến hơn nhiều ở người nghèo. Các nhà lãnh đạo trên thế giới đã thông qua mục tiêu giảm một nửa tỷ lệ nghèo cùng cực trong vòng 15 năm tới. Để thành công, phương thức tiếp cận với HIV/AIDS phải vượt ra ngoài phạm trù kinh tế. Phương thức này đòi hỏi phải tiếp cận với những người nghèo nhất, cung cấp cho họ những dịch vụ thiết yếu, được coi như những công cụ cho phép họ vừa tự bảo vệ khỏi bị nhiễm HIV lại vừa tự thoát khỏi cảnh nghèo. Các công cụ cơ bản là giáo dục, chăm sóc y tế và bình đẳng giới, trong đó chú trọng tới thanh niên, vốn là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất."
TS Sadik kêu gọi: "AIDS không phải là một biến cố thông thường. Nó đòi hỏi phải có một sự đáp ứng phi thường. HIV/AIDS là thách thức nghiêm trọng nhất đối với phát triển ở các nước Châu Á - Thái Bình Dương từ trước đến nay, và càng nghiêm trọng hơn bởi nó chưa thể hiện đầy đủ sức tàn phá của mình. Các nước Châu Phi đã chứng kiến tác động khủng khiếp với quy mô lớn nhất của căn bệnh này. Hai trong số các nước tiên tiến nhất ở Châu lục này, Bốt-xoa-na và Nam Phi, đang lường trước khả năng xảy ra một thảm hoạ về kinh tế và sự phân huỷ về xã hội do hậu quả của căn bệnh HIV/AIDS. Điều đó có thể xảy ra tại đây. Nếu tất cả chúng ta cùng chung sức chung lòng và phối hợp hành động - và chỉ bằng cách đó - chúng ta mới có thể ngăn chặn không để cho khu vực Châu Á- Thái Bình Dương có chung số phận như vậy".
HIV/AIDS tiếp tục lan rộng và huỷ hoại không biết bao nhiêu con người, gia đình và cộng đồng. Nó đe doạ cướp đi những thành quả phát triển mà Việt Nam tốn bao công sức mới đạt được. Nhân Ngày Quốc tế Xoá đói Giảm nghèo, UNDP kêu gọi các nhà lãnh đạo Việt Nam huy động mọi nguồn nhân lực và tài lực cần thiết theo phương thức đáp ứng đa ngành. Kinh nghiệm của Việt Nam trong việc giải quyết những biến cố trước đây cho thấy có thể đạt được thành công khi phát huy được nội lực và tập trung sức mạnh tổng hợp của các cá nhân và tập thể cho một mục tiêu duy nhất. Việt Nam cần phải làm hết sức mình để ngăn chặn và đẩy lui sự lây lan của căn bệnh HIV/AIDS.
Tuyên bố của UNDP nhân ngày Quốc tế Xóa đói Giảm nghèo
Jordan Ryan, Đại diện Thường trú UNDP
Nếu Quý vị muốn biết thêm thông tin, xin vui lòng liên hệ với Barbara Cohen, Phòng Quan hệ đối tác và Truyền thông của UNDP, ĐT.: 9421495 (máy lẻ: 159) hoặc Bà Nguyễn Phương Mai, Cán bộ Chương trình UNDP, ĐT.: 9421495 (máy lẻ: 150) hoặc Ông Nguyễn Tiên Phong, ĐT.: 9421495 (máy lẻ: 141).
▪ Heroin, AIDS lên web (08/04/2003)
▪ Bom nổ chậm của Châu Á (13/10/2002)
▪ Ngày Thế giới Phòng chống AIDS: Các tổ chức sức khoẻ thế giới đặt mục tiêu chống AIDS (01/12/2003)
▪ Nhân Ngày Thế giới phòng chống AIDS 1.12: Châu Á có nguy cơ theo gót Châu Phi (01/12/2003)
▪ "Tảng băng chìm" HIV/AIDS đang bắt đầu nổi lên (25/11/2003)
▪ Tình trạng nạo phá thai ở vị thành niên: Hậu quả của sự "tế nhị" (10/07/2003)
▪ "Du lịch tình dục trẻ em" đã tràn sang VN (02/07/2003)
▪ Những đứa trẻ trong vòng vây tội lỗi (18/01/2003)
▪ Báo động lây nhiễm HIV/AIDS (13/01/2003)
▪ AIDS - mối đe dọa lớn cho sự ổn định toàn cầu (28/11/2002)