Nhiều kết quả bất ngờ
Các thí sinh ôn bài trước khi bước vào kỳ thi bổ túc THPT lần 2 (tháng 12-2003) - kỳ thi được ngành GD-ĐT TP.HCM xin thêm để đẩy mạnh phổ cập giáo dục bậc trung học |
TS Hồ Thiệu Hùng - chủ nhiệm đề tài - cho biết:
- Chúng tôi thực hiện đề tài này với ba nội dung: một là tính toán chỉ số phát triển con người (HDI) của TP; hai là tính toán một số chỉ tiêu thuộc mục tiêu thiên niên kỷ mà VN đã ký cam kết với các nước trên thế giới và một số chỉ tiêu được cụ thể hóa riêng cho VN; và ba là tính toán một số chỉ tiêu khác liên quan đến mức sống vật chất và tinh thần của người dân TP.HCM nói chung và từng quận huyện nói riêng.
Lâu nay chúng ta biết số liệu về HDI của VN, nhưng rất tiếc là không biết, không tính HDI cho chính địa phương mình qua từng giai đoạn. Từ những kết quả này, chúng ta có thể nhìn được mình rõ hơn, đo được mình bằng thước đo mà thế giới áp dụng.
TP ta (và từng quận huyện) sẽ xác định được tốt hơn mục tiêu phấn đấu trong những năm tới, sẽ tự đề ra những chỉ tiêu mang tính khả thi hơn trên một số lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Điều này sẽ phục vụ rất thiết thực cho Đảng bộ và nhân dân TP, Đảng bộ và nhân dân từng quận huyện, đặc biệt là các cấp lãnh đạo.
* Thưa ông, khi khảo sát, có những vấn đề nào khiến nhóm thực hiện phải đặc biệt chú ý?
- Chúng tôi rất bất ngờ và thú vị trước tình trạng học vấn của nữ giới được cải thiện một cách nhanh chóng và vượt nam giới, nếu chỉ tính riêng trong dân số từ 35 tuổi trở xuống.
Trong diện 15-35 tuổi, tỉ lệ nữ mù chữ thấp hơn nam, tỉ lệ huy động đúng tuổi vào tiểu học, THCS, THPT của nữ cũng đều tốt hơn nam; chỉ có tỉ lệ huy động vào học ĐH thấp hơn mà thôi. Với đà này thì trong thế kỷ 21, nữ giới sẽ vượt nam về chỉ số giáo dục và mỗi năm sẽ càng vượt xa hơn.
Một điều đáng mừng khác là số năm học trung bình của TP tiến lên rất nhanh. Từ 1979-1989 tăng 0,1 lớp; từ 1989-1999 tăng 0,2 lớp; từ 1999-2002 tăng 0,68 lớp.
Có thể thấy rõ nhu cầu học tập đã trở thành nhu cầu thiết thực hàng đầu của đại đa số dân cư. Đây là một trong những tiền đề vững chắc cho việc phát triển giáo dục cả chiều rộng lẫn chiều sâu trong thế kỷ 21.
Tuy nhiên cũng có những bất ngờ nhưng lại gây lo lắng, đó là tỉ lệ người thất nghiệp trong cư dân Nhà Bè và quận 7- nơi có khu chế xuất hoạt động tốt nhất nước - lại cao nhất so với các quận huyện khác trong TP. Tỉ lệ người lao động chưa có việc làm tại hai nơi này lần lượt là 15,31% và 15,25%, cao hơn gấp đôi tỉ lệ chung của TP. Một cuộc khảo sát độc lập của Viện Kinh tế cũng xác nhận tình trạng này.
Từ đó có thể đặt vấn đề: phải chăng người nông dân nơi đây, sau khi ruộng đất được chuyển thành đất công nghiệp thì dù cầm số tiền khá lớn trong tay nhưng do mất nghề cũ là làm nông nghiệp, lại không đủ trình độ văn hóa và tay nghề để chuyển qua làm nghề mới là sản xuất công nghiệp nên đành chịu thất nghiệp? Phải chăng đây sẽ là nguồn gốc đẻ ra lớp người nghèo mới?
Thiết nghĩ kinh nghiệm của Trung Quốc - chuyển tiền đền bù đất cho nông dân thành cổ phần trong các xí nghiệp hương trấn trong quá trình công nghiệp hóa ở nông thôn - là đáng để ta suy gẫm.
* Ngoài ra còn có những kết quả khảo sát nào theo ông cần đáng báo động?
- Đáng lo lắng nhất cho TP chúng ta là vấn đề dịch HIV/AIDS và vệ sinh môi trường. Kết quả giám sát dịch tễ trên các nhóm đối tượng cho thấy trong bốn người tiêm chích ma túy thì ba người bị nhiễm HIV, tỉ lệ người dưới 30 tuổi trong số người nghiện đang tăng nhanh liên tục, từ 15,2% năm 1993 lên thành 77,5% vào năm 2002; tỉ lệ nữ nhiễm HIV trong số mới bị nhiễm cũng tăng nhanh chóng từ 7,1% năm 1993 thành 24,2% năm 2002.
Những xu hướng này báo hiệu một lực lượng không nhỏ trong nguồn nhân lực lý ra phải thành trụ cột nuôi sống gia đình thì ngược lại phải sống dựa vào cha mẹ hoặc xã hội; số trẻ em vừa mồ côi vừa bị nhiễm HIV sẽ ngày một đông, trở thành mối lo cho cả xã hội.
Tình trạng vệ sinh môi trường ở TP cũng đáng lo ngại: ở nông thôn, 38,5% không có cầu tiêu hợp vệ sinh, hơn 40% số hộ phải tự lo giải quyết rác thải trong sinh hoạt. Chừng nào TP chưa có biện pháp xử lý rác cho các bãi rác tập trung thì chừng đó bài toán rác thải chưa có lời giải triệt để, và người dân sống gần khu vực các bãi rác tập trung còn phải lo từng ngày.
* Cuối cùng, có một điểm cũng đáng lưu ý là căn cứ vào đâu để cho rằng “thành quả phổ cập giáo dục THCS là rất mong manh”, cũng như “việc phổ cập bậc trung học sẽ vô cùng gian nan ở phần lớn quận huyện”?
- Từ những kết quả khảo sát có thể thấy: ở tiểu học tỉ lệ đi học đúng tuổi lên đến 94,45%, như vậy dù có rơi rụng gì thì tỉ lệ có bằng tiểu học đúng tuổi cũng sẽ quá 90%, trong khi chuẩn phổ cập tiểu học chỉ đòi hỏi 80%. Trong khi đó, tỉ lệ huy động đúng tuổi ở THCS chỉ đạt 77,95% , riêng Cần Giờ mới đạt 54,49%.
Có thể thấy ngay là tỉ lệ có bằng THCS đúng tuổi sẽ thấp hơn chuẩn cần phải đạt để hoàn thành phổ cập giáo dục THCS là 80%, và chúng ta phải đối phó bằng cách gom những em lớn tuổi chưa có bằng vào học các lớp cấp tốc để kịp có bằng.
Nếu dồn sức và tiền của thì ta có thể đạt được trong năm này, nhưng sang năm khác lơi đi lại không đạt chuẩn. Mong manh là ở chỗ đó, dù chỉ xét về mặt số lượng mà thôi. Dự báo công cuộc phổ cập bậc trung học sẽ vô cùng gian nan vì TP mới chỉ có 47,59% HS học THPT đúng tuổi (trong đó Cần Giờ mới chỉ có 18,39%).
KIM LIÊN
▪ Heroin, AIDS lên web (08/04/2003)
▪ Bom nổ chậm của Châu Á (13/10/2002)
▪ Ngày Thế giới Phòng chống AIDS: Các tổ chức sức khoẻ thế giới đặt mục tiêu chống AIDS (01/12/2003)
▪ Nhân Ngày Thế giới phòng chống AIDS 1.12: Châu Á có nguy cơ theo gót Châu Phi (01/12/2003)
▪ "Tảng băng chìm" HIV/AIDS đang bắt đầu nổi lên (25/11/2003)
▪ Tình trạng nạo phá thai ở vị thành niên: Hậu quả của sự "tế nhị" (10/07/2003)
▪ "Du lịch tình dục trẻ em" đã tràn sang VN (02/07/2003)
▪ Những đứa trẻ trong vòng vây tội lỗi (18/01/2003)
▪ Báo động lây nhiễm HIV/AIDS (13/01/2003)
▪ AIDS - mối đe dọa lớn cho sự ổn định toàn cầu (28/11/2002)