TPHCM có số bệnh nhân lao cao nhất nước
Các Website khác - 04/03/2004

Hằng năm, người bệnh lao được tiếp nhận chữa trị tại TP HCM khoảng 12.000 người, chiếm 10% số bệnh nhân lao trong cả nước. Số phát hiện tăng trung bình 6-7%/ năm và đang có chiều hướng xấu đi. Đa phần người bệnh thuộc lứa tuổi trưởng thành.

Báo cáo của Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TP HCM trong buổi hội thảo tăng cường phòng chống lao diễn ra sáng nay cũng cho biết, HIV làm gia tăng đáng kể số bệnh nhân lao hằng năm tại TP HCM. Tỷ lệ tử vong bệnh nhân lao kèm HIV cao gấp 15 lần bệnh nhân lao không kèm HIV.

Ngoài đại dịch HIV, còn nhiều yếu tố khác làm gia tăng số người bị mắc lao như lao kháng thuốc; dân nhập cư (chiếm khoảng 10% số lượng bệnh nhân lao đăng ký hằng năm); tác động của trường cai nghiện (hiện nay các trường cai nghiện của thành phố đang quản lý hơn 30.000 học viên là những đối tượng có nguy cơ mắc lao rất cao, gấp 10 lần so với cộng đồng).

Một yếu tố không kém phần quan trọng nữa là TP HCM, nơi có số bệnh nhân lao cao nhất nước, chỉ có 10 cán bộ phụ trách lao/100.000 dân (ở các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ là 20/100.0000), số lượng cán bộ này lại thường không ổn định và có khuynh hướng giảm dần. Sự quan tâm, hiểu biết các ban ngành đoàn thể về bệnh lao chưa cao. Cuộc điều tra thăm dò 100 cán bộ nhà nước của Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch cho thấy, khi được hỏi về diễn biến của tình hình lao trên địa bàn thành phố, có đến 71% trả lời không đúng. Cứ 4 người được hỏi trong số chủ tịch, Phó chủ tịch UBND quận, huyện, phường, xã, giám đốc các trung tâm văn hóa… chỉ có một người trả lời đúng.

Hiện nay, 1/3 dân số thế giới nhiễm vi khuẩn lao, mỗi năm có khoảng 2 triệu người chết do bệnh này. Năm 2003 số bệnh nhân mắc lao mới 8,6 triệu người (138/100.000 dân). Việt Nam là 1 trong 7 quốc gia có tình hình lao nghiêm trọng nhất thế giới, bên cạnh Campuchia, Trung Quốc, Lào, Mông Cổ, Papua New Guinea, Philippines.

Thu Hằng