Dâng sao giải hạn đầu năm
Các Website khác - 06/02/2009

Một tuần nay, chùa Phúc Khánh (Hà Nội) nườm nượp người đến đăng ký dâng sao giải hạn. Các ni sư, phật tử đang hối hả viết sớ, soạn đồ lễ để chuẩn bị dâng sao Thái Bạch vào ngày rằm tháng giêng.

Sau khi đi lễ trong chùa Phúc Khánh, chị Minh (phố Bùi Xương Trạch, Hà Nội) mới rà trong danh sách tuổi để tìm sao chiếu mệnh. Chị giật mình khi thấy năm nay "đứng" sao Thái Bạch, em trai được sao La Hầu chiếu.

"Người ta nói sao Thái Bạch quét sạch cửa nhà nên tôi giải hạn luôn cho yên tâm. Mà để nhà chùa làm thì tin tưởng hơn", chị Minh nói.

Cũng như chị Minh, nhiều người khác gặp các sao như La Hầu, Kế Đô cũng vội vàng đăng ký giải sao hoặc í ới gọi người thân: "Tuổi em gặp sao nặng lắm, phải giải đi thôi...".

Theo một phật tử phụ trách ghi tên nơi cửa chùa, mỗi ngày ở đây tiếp nhận khoảng 600-700 người đăng ký dâng sao, mức phí là 70.000 đồng cho một người, 50.000 đồng cho người làm lễ cầu an.

Đăng ký dâng sao trong chùa Phúc Khánh. Ảnh: Đoàn Loan.

Chùa Tứ Kỳ, quận Hoàng Mai, Hà Nội cũng nhộn nhịp người đến đăng ký giải sao mặc dù mức phí tới 200.000 đồng một người. Bà Liên, khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp, ghi tên giải sao cho 4 người trong nhà mất ngót ngét triệu bạc. Không chỉ đăng ký giải sao, bà còn nhờ các thầy viết sớ để chuẩn bị đi chùa Hương, Yên Tử. "Năm nào tôi cũng phải giải hạn, cầu may cho cả nhà và đi vài chùa lễ phật. Tiền đi lễ các nơi tốn gần chục triệu, song không làm thì không yên tâm", bà Liên bày tỏ.

Chùa Quán Sứ (Hà Nội) cũng có lễ dâng sao giải hạn vào tối 12, 16, 20, 26 tháng giêng. Mỗi ngày ở đây có hàng trăm người đến hành lễ và đăng ký dâng sao. Không chỉ người lớn tuổi, nhiều nam thanh nữ tú cũng nô nức cầu may và đăng ký giải sao. Chen chân trong chùa Quán Sứ, cậu sinh viên trường Bách Khoa tên Bình cho hay, các năm trước cậu không làm giải sao, song năm nay, cậu chuẩn bị ra trường nên cũng phải đi dâng sao để chuyện học hành được suôn sẻ.

Trao đổi với VnExpress.net, Hòa thượng Thích Thanh Dương, chùa Quán Sứ, cho rằng, người dân mong muốn gặp may mắn, an bình, công việc làm ăn thuận lợi. Do vậy mới có những lễ nghi để bày tỏ tấm lòng rung động đến Phật thánh. Giải sao không có trong giáo lý Nhà Phật mà là tín ngưỡng của người dân Việt từ xa xưa. Khi phật giáo vào Việt Nam gặp nghi lễ tốt đẹp của nhân dân nên hòa quyện vào nhau, nhà chùa giúp dân bày tỏ nguyện vọng nơi cửa chùa.

Cũng theo thầy Dương, mỗi người đều có một sao chiếu mệnh, người biết năm hạn của mình thì sẽ cẩn thận hơn những năm trước. Tuy nhiên, không nên dựa hẳn vào những lễ nghi giải sao mà con người phải có ý thức phấn đấu. Nghi lễ dâng sao để họ có thêm nghị lực trong cuộc sống, yên tâm làm những việc khó khăn trong năm.

Phật tử cần thành tâm, không cần sắm lễ nhiều. Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Hòa thượng Thích Thanh Quyết, Viện phó Viện Phật giáo - trụ trì chùa Phúc Khánh, cho biết, ông đã thấy nhiều người nói gặp rủi ro trong năm khi bị sao xấu chiếu ứng. Các sách tư tưởng văn hóa phương Đông cũng đều nhắc đến những vì sao xấu đẹp gắn với tâm linh, hay kinh nghiệm của người xưa cũng đã lưu truyền trong dân gian như "Thái Bạch quét sạch cửa nhà". Do vậy, tâm lý đi dâng sao giải hạn của người dân là dễ hiểu.

Tuy nhiên, theo Hòa thượng Thích Thanh Quyết, không nhất thiết gặp sao xấu thì mới đi giải, hàng năm mọi người nên đi cầu an để bày tỏ thành kính với Phật, không cần sắm lễ nhiều, chủ yếu là thành tâm.

Hòa thượng Thích Thanh Quyết cho hay, mỗi năm chùa Phúc Khánh làm lễ dâng sao, giải hạn cho khoảng chục nghìn người. Mỗi tháng nghi lễ này được thực hiện một lần. Mỗi người dâng sao được nhà chùa viết cho 12 lá sớ để cúng trong 12 tháng, cùng với rất nhiều vật phẩm để hành lễ.

Theo VnExpress