![]() |
Cửa hàng bán gà sạch ở phố Núi Trúc. Ảnh: Thuý Hà |
Theo ghi nhận của VnExpress ngày 5/1, các cửa hàng thường trưng biển bán gà sạch, song nhiều sản phẩm gia cầm lại không hề có dấu kiếm dịch cũng như giấy chứng nhận nguồn gốc. Gà còn "lén lút" chui vào các chợ nhỏ của thành phố bất chấp lệnh cấm vận chuyển gia cầm sống.
Với tấm băng rôn đỏ bán gà sạch được cấp giấy chứng nhận của Cục an toàn vệ sinh thực phẩm treo ngay trước vỉa hè, cửa hàng 89 Núi Trúc thu hút rất đông khách hàng tới mua. Mỗi ngày cửa hàng bán được vài chục con gà, cao điểm như hôm Tết dương lịch, hơn 50 con gà nhanh chóng tiêu thụ hết. Mặc dù băng rôn quảng cáo bán đùi gà của Mỹ, nhưng tại đây còn bán cả gà nhập khẩu nguyên con lẫn gà ta làm sẵn. Gà Mỹ được đóng bao bì kín có dán nhãn mác, ngày hạn sử dụng, song lượng bán ra chỉ bằng một nửa so với gà ta, dù giá chỉ 50.000 đồng/kg trong khi gà ta 60.000 đồng/1 kg.
Chủ hàng cho biết những ngày đầu, tại đây chỉ bán gà ngoại nhập, sau đó thấy nhu cầu mua gà ta của người dân khá cao nên cũng tìm nguồn gà đảm bảo và bây giờ chủ yếu bán gà ta. Theo như lời bà chủ thì gà được mua ở vùng không có dịch và giết mổ tại nhà máy. Tuy nhiên, trên bao bì không thấy có nhãn mác, trên con gà cũng không có dấu kiểm soát giết mổ như quy định.
Trên phố Nguyễn Văn Tố cạnh chợ Hàng Da những ngày gần đây cũng xuất hiện một dãy hàng trứng và gà mổ sẵn bày bán công khai, được quảng cáo là gà sạch ở vùng không nhiễm dịch. Theo quan sát của VnExpress, phần lớn các sản phẩm này đều không có dấu kiểm dịch. Khi được hỏi, chủ hàng cũng không có giấy chứng nhận nguồn gốc hàng. Đề cập đến thực tế này, Ban quản lý chợ Hàng Da cho biết, hiện chưa cho phép bán gia cầm trong khu vực chợ. "Các hộ bán gà ngoài phố Nguyễn Văn Tố là hàng tự do, không thuộc sự quản lý của chúng tôi", một cán bộ ban quản lý nói.
Chợ Long Biên cũng có một số hàng bán gia cầm đông lạnh, nhưng nhãn mác thường bị nhàu nát. Một số sản phẩm còn nguyên vẹn thì ghi có xuất xứ từ cơ sở sản xuất gà sạch Hoàng Phúc, ở Hà Tây. Trong khi đó, đây không phải là cơ sở được phép tiêu thụ gia cầm tại địa bàn Hà Nội .
Gà ta sống được bán với giá 35.000-37.000 đồng/kg, gà giết mổ là 45.000 đồng, gà công nghiệp mổ rồi có giá 25.000 đồng/kg, trứng gà được bán với giá 1.000-1,200 đồng một quả, trứng vịt lộn là 1.500 đồng. |
Ngoài những cửa hàng bày bán công khai, tại các chợ nhỏ, chợ tạm, gia cầm xuất hiện một cách lén lút. Tại chợ tạm ở ngõ Thái Thịnh 1, chủ một hàng thịt thường buộc 1 con gà dưới gầm bàn. Chị chủ hàng thanh minh là gà nhà nuôi mang đi biếu. Nhưng kỳ thực khi có người hỏi mua chị sẽ nhanh chóng trao tay và thay vào đó một con "gà biếu" khác. Cách đó không xa, chị Hương bán đồ thủy sản cũng thường có một bao tải rách chứa gà phía sau lưng, khi có khách mua chị sẽ lôi từ trong bao tải ấy ra con gà còn sống nguyên. Chị Hương cho biết, từ hôm Noel mỗi ngày chị mang theo hai con gà ta "để bán cho khách quen". Trước đây, khách mua hàng muốn giết mổ phải mất thêm tiền công, còn bây giờ chị Hương sẵn sàng giúp khách làm thịt gà mà không hề tính công lãi. "Tôi đã hợp đồng với một cơ sở chuyên giết mổ trước đây, đang thất nghiệp trong mùa cúm", chị Hương tiết lộ.
Nhiều cửa hàng bún miến trong thành phố cũng bắt đầu quay trở lại với gia cầm. Thịt vịt, ngan và gà được bày bán công khai mà không có dấu kiểm dịch, bất chấp lệnh cấm. Các nhà hàng chỉ đảm bảo với khách bằng lời nói: "Dịch sắp hết rồi nên không đáng lo ngại", và "hàng của em lấy từ vùng không có dịch ở Hà Tây đảm bảo an toàn". Các quán này cũng khá đông khách, một phần vì họ tin lời quảng cáo, phần vì không được ăn món khoái khẩu đã quá lâu. "Vài tháng nay phải nhịn nên thấy rất thèm thịt gà. Lúc đầu cũng hơi sợ nhưng thấy nhiều người vào ăn và cũng không thấy ai mắc cúm nữa nên... kệ", anh Tuấn, thực khách tại một quán miến Ngan trên đường Doãn Kế Thiện, nói.
Trứng gà cũng đã lác đác được bày bán ở nhiều nơi. Tuy nhiên rất ít nơi có trứng dán tem vệ sinh thú y, hầu hết là hàng trôi nổi không bao bì nhãn mác. Tại chợ Nhà Xanh (Cầu Giấy) trứng gà thường được giấu kín trong kho hoặc vùi trong các bao tải gạo. Chỉ cần có khách hỏi, họ nhanh chóng bới hàng cho khách. Một cửa hàng trứng vịt lộn trong ngõ Thịnh Hào từ khi có dịch cúm đã trưng biển bán bún ốc, nhưng thực tế trong quầy không hề có bún mà toàn trứng để phục vụ khách quen.
Ông Hàn Tự Do, Phó chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội, cho biết hiện tại ở Hà Nội chỉ có gà sạch của Công ty cổ phần Phúc Thịnh (Đông Anh), Công ty cổ phần CP Việt Nam (Hà Tây) và Trung tâm gia cầm Thuỵ Phương (Thanh Trì) được phép vận chuyển, tiêu thụ. Những loại gà của ba cơ sở trên mới chỉ bán phổ biến tại các siêu thị. Đến nay chưa có chợ nào của Hà Nội được phép mua bán gia cầm vì chưa bảo đảm đủ các điều kiện vệ sinh, có tủ bảo quản gà lạnh... Nếu muốn bán gà vịt trước tiên phải có sự đồng ý của Ban quản lý chợ và Sở Y tế.
Ông Do xác nhận không hề biết về thực trạng bán gia cầm lén lút hiện nay.
Trong khi đó, Phó chủ tịch TP Nguyễn Thế Quang cho biết, TP đang lên kế hoạch tổng kiểm tra các siêu thị và chợ trên địa bàn.
Trịnh Vũ
▪ Sữa XO của Hàn Quốc có hàm lượng chì cao hơn công bố (06/01/2006)
▪ Tiền bị rách, nát đổi như thế nào (06/01/2006)
▪ Tự bảo quản đồng hồ nước? (06/01/2006)
▪ Nâng cao hiệu quả tiếp xúc cử tri (06/01/2006)
▪ Ðối thoại với Ðại biểu Quốc hội - Giám đốc Công ty than Cao Sơn (06/01/2006)
▪ Ðổi mới công tác tiếp công dân (06/01/2006)
▪ Ðoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội bước vào thời kỳ mới (06/01/2006)
▪ Một số tư liệu về quốc hội 60 năm qua (*) (06/01/2006)
▪ Lương tối thiểu không thể là mức lương chính (06/01/2006)
▪ Nhộn nhịp tour du xuân (06/01/2006)