Giết mổ gia cầm nhỏ lẻ phát triển, doanh nghiệp lao đao
Các Website khác - 26/03/2006

Sau 3 tháng hết dịch, người dân các khu đô thị đã quay lại với thói quen mua gia cầm sống và giết mổ ngay tại chợ. Nguy cơ tái phát dịch cúm đang rất cận kề, còn các doanh nghiệp vốn đầu tư hàng tỷ đồng cho dây chuyền giết mổ tập trung đang lâm vào thế thua lỗ, thậm chí phải đóng cửa.

Không giống dịp trước Tết nguyên đán, người dân Hà Nội phải đến siêu thị mua gà có nguồn gốc, có thương hiệu, được thú y kiểm dịch thì nay chọn cách ra chợ gần nhất. Vấn đề kiểm dịch, nguồn gốc gia cầm không còn được người tiêu dùng đặt lên hàng đầu. "Hết dịch rồi, làm gì phải mất công ra siêu thị mua gà. Gà siêu thị đông lạnh, lại nuôi công nghiệp, thịt bở và nhạt, ăn chẳng vào miệng", chị Lan Anh giải thích cho lý do mua gà ở chợ tạm lối vào ga Phú Diễn (Từ Liêm).

Không riêng chị Lan Anh, tâm lý thích mua gà sống tươi ngon, rồi nhờ người bán thịt luôn tại chỗ, vẫn phổ biến trong các bà nội trợ. Nắm bắt được tâm lý này, các chủ kinh doanh tìm mọi cách đưa gia cầm sống vào nội thành Hà Nội, bất chấp quy định cấm vận chuyển, kinh doanh, giết mổ gia cầm sống tại nội thành, nội thị của Chính phủ. Tại các chợ lớn như Thành Công, Hôm, nếu tìm gà sống trong phạm vi chợ thì không có, nhưng nếu hỏi gà vừa thịt thì các chủ hàng đều sẵn sàng đáp ứng. Còn tại nhiều chợ cóc, chợ tạm, gia cầm sống được bày bán, giết mổ công khai.

Đại lý gà sạch của Phúc Thịnh đã không còn đắt khách. Ảnh: N.T.

Nguồn gốc những sản phẩm này thường không rõ ràng và không loại trừ khả năng có cả gia cầm nhập lậu. Mới đây, lực lượng quản lý thị trường, bộ đội biên phòng các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, liên tiếp phát hiện ôtô chở gia cầm Trung Quốc đang trên đường vào sâu nội địa. Ông Nguyễn Đăng Vang, Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), người vừa có chuyến thị sát tình hình nhập lậu gia cầm tại Lạng Sơn, cảnh báo: "Gia cầm nhập lậu có thể bị nhiễm dịch, hoặc đã hết tuổi đẻ nên mới được bán tống, bán tháo với giá tại biên giới chỉ 6.000 đồng/kg".

Việc quay trở lại thói quen mua bán, giết mổ gia cầm nhỏ lẻ, không kiểm soát đang làm tăng nguy cơ tái phát dịch cúm, làm tê liệt ngành giết mổ gia cầm tập trung vốn đang được Nhà nước khuyến khích phát triển. Ông Nguyễn Đăng Vang cho biết, cả nước hiện có 136 cơ sở giết mổ gia cầm tập trung, trong dịp Tết các cơ sở đã phát huy hết công suất, nhưng nay đang hoạt động èo uột. Đơn cử, Công ty Phát triển xuất nhập khẩu gia cầm trước Tết đã phải cho ngừng hoạt động khu giết mổ tập trung tại huyện An Khánh, Hà Tây.

Công ty cổ phần Phúc Thịnh (Đông Anh, Hà Nội), doanh nghiệp đầu tiên tại miền Bắc mạnh dạn đầu tư 700 triệu đồng lắp đặt dây chuyền giết mổ gia cầm từ năm 2005, nay đang hoạt động cầm chừng. Trước Tết, khi dịch căng thẳng, mỗi ngày đơn vị cung cấp 1.500-2.500 gia cầm, nhưng hiện chỉ tiêu thụ được 900 con. Trong đó chỉ 200 gà tươi, còn lại là gà cấp đông. Dây chuyền giết mổ với công suất 500 con một giờ nay chỉ được hoạt động 2 tiếng, trong đó chỉ nửa tiếng là giết mổ, còn lại là thời gian khởi động máy.

Theo ông Ngô Văn Dũng, Phó giám đốc Công ty Phúc Thịnh, giết mổ tập trung đòi hỏi đầu tư công nghệ, có hệ thống phân phối, là doanh nghiệp phải nộp các loại thuế, giá thành sản phẩm vì thế không đủ sức cạnh tranh với gia cầm giết mổ nhỏ lẻ. Hiện giá gà công nghiệp của công ty là 32.000-33.000 đồng/kg, gà cấp đông chỉ 23.000 đồng/kg, nhưng vẫn khó bán. Ông Dũng cho rằng, muốn chuyển hướng giết mổ tập trung, đảm bảo vệ sinh thực phẩm, vệ sinh thú y thì phải kiểm soát chặt chẽ khâu vận chuyển, kinh doanh và giết mổ nhỏ lẻ. "Đã cấm gia cầm sống vào nội thành, nội thị thì phải cấm triệt để. Không thể lúc làm chặt, lúc lại buông lỏng khiến doanh nghiệp không yên tâm đầu tư", ông Dũng nói.

Đại diện Tổng công ty thương mại Hà Nội, đơn vị có ý định đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ giết mổ gia cầm tập trung bên cạnh dây chuyền giết mổ gia súc hiện có, cũng tỏ ra lo lắng trước quy định cấm vận chuyển, kinh doanh, giết mổ gia cầm trong nội thành, nội thị không được thực hiện. "Phải có chế tài xử phạt nghiêm khắc những người vi phạm quy định cấm này. Nếu đầu tư hàng tỷ đồng xây khu giết mổ tập trung rồi bỏ đấy thì sẽ là lãng phí", vị đại diện này nói.

Lo ngại không có đầu ra cho gia cầm giết mổ tập trung, nhiều doanh nghiệp không mấy mặn mà với quyết định số 394 của Thủ tướng ban hành ngày 13/3 về việc ưu đãi thuế và đất đai; hỗ trợ lãi suất vốn vay thương mại đối với các cơ sở giết mổ, bảo quản chế biến gia súc, gia cầm và cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung, công nghiệp. Ông Dũng đặt vấn đề: "Dây chuyền giết mổ sẵn có còn hoạt động không hết công suất, đầu tư xây mới hay nâng cấp mở rộng liệu có lãng phí?".

Như Trang

Theo dòng sự kiện:
Lập đoàn kiểm tra gia cầm nhập lậu (22/03)
Kiểm soát gia cầm nhập lậu qua biên giới (20/03)
Buôn lậu gia cầm qua đường biên lại sôi động (15/03)
Gia cầm lậu lại đổ về TP HCM (11/03)
Virus cúm H5N1 làm thiệt hại 460 tỷ đồng (02/03)
Xem tiếp»