Công an TP HCM vừa đề nghị UBND thành phố cho phép được phạt chủ xe và bến cảng, kho bãi nếu để xe chở quá tải. Đề nghị này đã vấp phải nhiều ý kiến tranh cãi quyết liệt bởi chủ xe không thể quản lý xe, chủ kho bãi chỉ có chức năng kinh doanh và trên hết nếu chở đúng tải, doanh nghiệp vận tải cầm chắc lỗ.
Ông Trần Triều Dương, Phó giám đốc công an thành phố, cho hay, lỗi quá tải của các xe chở hằng ngày càng nhiều. Nếu trong năm 2004 chỉ xử phạt hơn 200 vụ thì đến năm 2005 đã tăng lên hơn 1.300 vụ. Chỉ tính riêng tháng 3 đã xử phạt 336 vụ.
Chở quá tải đang là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn nghiêm trọng, làm hư hại cầu, đường. Vừa qua, Ban giám đốc Công an thành phố đã làm việc với các cảng để hạn chế từ nơi bắt đầu xuất hàng. Tuy nhiên, một số cảng cho rằng, cảng chỉ làm kinh doanh, không có chức năng kiểm tra giấy phép trọng tải của xe, nên không thể bắt buộc họ phải chở đúng tải được. Cảng chỉ có thể ra thông báo gửi chủ hàng, chủ xe, khuyến cáo họ tuân thủ quy định về trọng tải.
Theo ông Nguyễn Văn Thịnh, Trưởng phòng cảnh sát giao thông Công an TP HCM, trong năm 2005, Phòng đã mở chiến dịch kiểm tra trọng tải xe ngay cổng cảng, đồng thời đề nghị cảng Sài Gòn hỗ trợ nhưng chưa thực sự hiệu quả. Vẫn có nhiều doanh nghiệp vận tải, chủ hàng móc ngoặc với nhau chở vượt tải gấp 3-4 lần nhưng cảng vẫn không có ý kiến gì. Nếu cảnh sát giao thông bắt quả tang xe chở quá tải thì cũng chỉ phạt rồi lại cho đi.
Chưa kể, nếu không biết xe có quá tải hay không lại phải dẫn đi cân rất phức tạp. Chính vì vậy phải giám sát chặt từ chủ xe đến cảng, kho bãi, nơi bốc hàng lên xe mới mong giải quyết nạn quá tải hiện nay.
![]() |
Đa số xe tải vào cảng Sài Gòn lấy hàng đều chở quá tải. (chụp trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1) Ảnh: V.H. |
Chủ xe: Người đồng ý, người phản đối
Đồng tình với đề nghị của công an thành phố, ông Nguyễn Thanh Tùng, chủ doanh nghiệp vận tải Thanh Tùng, cho rằng, đây là biện pháp hữu hiệu để chủ xe phải có trách nhiệm quản lý tài xế của mình. Ông Tùng còn đề nghị phải có quy định cụ thể là ban giám đốc các cảng phải chịu trách nhiệm nếu để xe chở quá tải.
Theo ông Tùng, 70% xe chở quá tải xuất phát từ các cảng. Chính vì thế, lãnh đạo các cảng cần có biện pháp không để cho các chủ hàng cũng như nhà xe lên hàng quá tải ngay tại cảng.
"Đây là khâu đầu tiên tiếp tay cho xe chở quá tải. Chỉ cần thông qua lệnh chuyển hàng là cảng có thể biết số hàng trên mỗi xe là bao nhiêu. Nếu quá tải thì không thông qua lệnh chuyển hàng". Theo ông Tùng, cách kiểm tra này không có gì quá phức tạp
Ngoài việc kiểm soát kỹ xe chở hàng từ trong cảng ra, biện pháp căn cơ để không còn tình trạng xe chở quá tải là xử phạt thật nặng đối với tài xế, nâng mức từ phạt từ 750.000 đồng như hiện nay lên 5 triệu đồng.
Tuy nhiên, ý kiến này đã bị ông Nguyễn Ngọc Lự, chủ một đội xe của hợp tác xã vận tải số 9, phản bác. Ông cho rằng, một ngày hàng chục lái xe đi về nên không thể kiểm soát hết. Ông Lự đề nghị người chủ hàng, chủ kho bãi các khu chế xuất, công nghiệp cũng phải chịu một phần trách nhiệm chuyện quá tải của xe. "Nếu nơi chất hàng, chủ hàng không đồng ý chất vượt mức cho phép thì làm sao xe quá tải được", ông Lự bày tỏ.
Chủ doanh nghiệp vận tải tư nhân Vinh Trưởng lại đưa ra một quan điểm khác. Ông cho rằng, việc xử phạt chủ xe khi xe quá tải là không hợp lý vì chủ xe không thể đi theo xe mãi. Việc chủ hàng móc ngoặc với lái xe để chở thêm lấy tiền bồi dưỡng vẫn xảy ra. "Nếu tài xế không đồng ý chở quá tải thì chủ hàng cũng phải chịu vì nếu bị phạt họ sẽ bị bấm lỗ bằng lái, chủ hàng đâu liên quan gì. Nếu chủ xe đuổi việc tài xế vì lý do không chịu chở quá tải họ sẽ kiện chủ xe ngay", ông này lý giải.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nếu chở đúng tải thì chi phí vận chuyển sẽ rất cao và đôi khi còn gây khó cho chủ hàng, vì thế họ không chấp nhận. Ông Lự dẫn chứng, một cuộn tôn nặng khoảng 12-15 tấn, nếu chở đúng tải (11 tấn) thì chẳng lẽ lại cắt phần thừa đó ra. Chỉ khi nào chở các loại hàng hóa có thể chia nhỏ thì mới tính được đúng tải.
"Nếu chở đúng tải mà sống được thì dại gì lại chở quá tải để phải chung chi và hao mòn xe", ông Lự bức xúc. Bình thường một chuyến vận chuyển từ TP HCM ra Biên Hòa có giá khoảng 800.000 đồng, Nếu chở đúng tải thì giá cước mỗi tấn hàng khoảng 73.000 đồng. Với giá cước này bảo đảm không chủ hàng nào đồng ý thuê cả. Vì bài toán lợi nhuận và khách hàng nên xe cứ phải chở gấp 3-4 lần tải trọng cho phép.
Chủ của đội xe 15 chiếc chuyên chở vật liệu xây dựng của hợp tác xã vận tải số 9 băn khoăn, đặc thù vận chuyển vật liệu xây dựng là phải vào sâu trong nội thành, khu dân cư, tuy nhiên lại có quá nhiều cầu yếu dưới 13 tấn và đường cấm nên xe tải lớn không thể vào.
Một khối đá 1:2 mua tại hầm giá đã 95.000 đồng, chở về bán được 130.000 đồng, nếu dùng xe 2,5 tấn (loại xe tải được phép chạy trong nội thành) thì chỉ chở chưa đến 2 khối. Trong khi đó, chi phí của 1 chuyến xe này từ hầm đá (Biên Hòa) về đến TP HCM thấp nhất cũng 150.000 đồng. Với giá cước vận chuyển như vậy thì không doanh nghiệp nào có thể sống được. Vì vậy nhiều chiếc xe có tải trọng 2,5 tấn vẫn phải gồng mình chở 4 mét khối đá (tương đương 6,5 tấn).
Việt Hòa
▪ Quan chức xin lỗi (25/03/2006)
▪ Cần tiêu chí chuẩn cho các trường quốc tế (25/03/2006)
▪ Bắt đầu sửa tường chắn cầu Văn Thánh 2 (25/03/2006)
▪ Thông qua danh sách nhân sự ứng cử trung ương khóa X (25/03/2006)
▪ Vỡ hàm nhưng bị mổ cánh tay (25/03/2006)
▪ Bệnh viện Lao và bệnh phổi Hà Nội đón nhận huân chương Lao động hạng Nhất (24/03/2006)
▪ Chàng sinh viên và tủ sách gia đình năm thế hệ (24/03/2006)
▪ Đã có bộ kit thử hóa chất độc hại trong thực phẩm (24/03/2006)
▪ Nhập lậu gia cầm trên tuyến biên giới Lào Cai có chiều hướng phức tạp (24/03/2006)
▪ Cần xóa bỏ bao cấp trong ngành điện (24/03/2006)