Ngành thủy sản lo ô nhiễm vì cá chết
Các Website khác - 06/01/2006

Hiện tượng cá chết hàng loạt vì bệnh mủ gan tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long suốt tuần qua đang khiến người nuôi cá lo ngại. Lo ngại vì lợi nhuận sụt giảm là một chuyện, việc lớn hơn nữa ở chất lượng nguồn nước ngày càng kém đi. Cá chết nhiều như năm nay là chuyện chưa từng thấy.

Hộ bà Nguyễn Thị Ngọc Minh ở cồn Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, nuôi gần 1 triệu con cá tra trong 6 ao. Đa số ao thì không sao, nhưng 1-2 ao mấy ngày nay cứ phải liên tục vớt cá chết. "Mỗi ngày tổng cộng khoảng 2.000 con cá chết, mặc dù tỷ lệ không nhiều so với tổng đàn nuôi nhưng đây là năm đầu tiên cá chết nhiều như vậy", bà Minh cho biết. Theo bà Minh, năm nào cũng có cá chết vào mùa này do thời tiết thay đổi, mùa nước nổi ở các tỉnh miền Tây qua đi nên nước từ ruộng rút ra sông, mang theo nhiều nguồn nước không sạch vào ao khiến cá dễ nhiễm bệnh.

Những bè cá trên sông có nguy cơ ô nhiễm khi hứng những nước thải từ các ao cá bị bệnh mủ gan. Ảnh: D.K.

Hầu hết các ao nuôi cá nằm cập sông Tiền, sông Hậu, chạy suốt các tỉnh Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp... đều có xảy ra hiện tượng cá chết ở một vài ao. Ông Dương Nghĩa Quốc, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn Đồng Tháp khẳng định, hiện nay tình trạng cá chết là có thật và đáng báo động nhưng chưa phải là dịch vì chỉ xảy ra ở một vài ao nuôi với mật độ dày đặc. "Tỷ lệ chết chỉ vài phần trăm trong ao nhưng quan trọng là đã làm ô nhiễm nguồn nước chung", ông Quốc nói.

Phó chủ tịch Hiệp hội nghề cá An Giang Lê Chí Bình cho biết, tỉnh này cũng đã lác đác xảy ra cá chết một số nơi nhưng còn rất ít và chưa nghe người dân thông báo chính thức.

Xét nghiệm bệnh phẩm của cá chết tại Đồng Tháp, hôm qua, Trường Đại học Cần Thơ đã công bố kết luận, xác định nguyên nhân cá chết là do bị bệnh mủ gan, đồng thời khuyến cáo ngư dân phải ngăn ngừa bệnh bộc phát và tránh lây lan.

Nguy cơ lây bệnh cho người

Trao đổi với VnExpress, ông Quốc lấy làm lo ngại trước thực tế nhiều chủ nuôi cá đã sử dụng cá chết để làm thức ăn cho các loại thủy sản khác, thậm chí còn xin phép xẻ thịt phơi khô để bán ra thị trường. Ngoài ra, cá chết thường bị ngư dân ném ra sông chắc chắn sẽ làm ô nhiễm môi trường nước chung cho tất cả các tỉnh nằm dọc sông Tiền, sông Hậu.

Tỉnh Đồng Tháp đang hợp tác cùng với Trường Đại học Cần Thơ và Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 để huấn luyện, tuyên truyền ngư dân trong việc xử lý cá chết và sát trùng ao. "Cá chết phải được chôn và sát trùng kỹ chứ không được chế biến thành thức ăn, tránh nguy cơ bị lây bệnh cho các thủy sản khác và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người", ông nói. Tuy nhiên ông thừa nhận rất khó giám sát việc xử lý cá chết trong ngư dân vì cơ quan chức năng thiếu người, thiếu lực.

Vớt ngay cá sạch, có thể thu hoạch được trước khi bệnh lây lan. Ảnh: D.K.

Thứ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Việt Thắng cũng cảnh báo, tình trạng chủ ao nuôi xả nước bừa bãi ra môi trường nước tự nhiên sẽ làm ô nhiễm lây lan trên diện rộng. Mặc dù chưa có số liệu báo cáo cụ thể từ các tỉnh về lượng cá chết, song Bộ Thủy sản đã tập trung chỉ đạo các tỉnh giám sát và xử lý chặt chẽ đối với các ao cá có hiện tượng chết.

Các biện pháp chính đang được triển khai lập tức là vớt ngay những ao cá nào khỏe mạnh, có khả năng thu hoạch được trong lúc bệnh chưa thành dịch; những ao đang nuôi cá với mật độ dày đặc thì phải giãn dần, di chuyển bớt đến các ao khác để giảm mật độ; thay nước trong ao nếu thấy nước bị dơ.

Các chuyên gia thủy sản cần phải nghiên cứu kỹ thêm về cách điều trị bệnh. "Chưa nên điều trị bằng tất cả các loại kháng sinh ngay mà phải chọn lựa, vì nhiều loại kháng sinh đang bị cấm sử dụng", ông Thắng nói.

Ô nhiễm lại thành vấn đề cấp thiết

Một lần nữa tình trạng ô nhiễm môi trường nuôi thủy sản lại được các chuyên gia ngành đặt ra ở mức cấp thiết. Thứ trưởng Thắng thừa nhận, ngành chưa xác định được ô nhiễm nguồn nước tự nhiên hay ô nhiễm môi trường nước trong ao nuôi do ngư dân. Tuy nhiên, mục tiêu làm giảm ô nhiễm ô trường nước vẫn được Bộ Thủy sản tập trung chỉ đạo các tỉnh hướng dẫn và khuyến khích ngư dân nuôi thủy sản đúng kỹ thuật, vừa mật độ.

Ông Lê Chí Bình cho biết, kế hoạch năm 2006 của tỉnh An Giang chỉ đặt ra mức chỉ tiêu sản lượng là 180.000 tấn cá nguyên liệu, tăng 30.000 tấn so với năm 2005, mặc dù tiềm năng của tỉnh có thể nuôi thêm nhiều hơn. "Tỉnh đã quyết định đầu tư vào nâng cao chất lượng hơn là tăng số lượng, để đảm bảo được môi trường nuôi sạch", ông Bình nói với VnExpress.

Xu hướng lập các liên hợp sản xuất thủy sản sạch trong lúc này đang được ngành thủy sản các tỉnh đặt ra. Trong khi ông Dương Nghĩa Quốc vừa mới đặt ra vấn đề liên kết sản xuất cá sạch cho tỉnh này, thì An Giang đã xây dựng mục tiêu năm 2006, 100% ngư dân tỉnh này phải đăng ký quy trình sản xuất cá sạch theo hướng dẫn của Bộ Thủy sản. Ngoài ra, khoảng 20-30 người nuôi cá trong và ngoài Hiệp hội nghề cá An Giang sẽ tham gia liên hợp cá sạch kết hợp bao tiêu sản phẩm từ nhà máy chế biến.

Không thiếu thủy sản cho Tết

Mặc dù cá đang chết ở đồng bằng, ảnh hưởng nhất định đến người nuôi cá, song ngành thủy sản khẳng định không thiếu hàng để cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng Tết. "Cá chết chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng đàn thủy sản đang nuôi ở đồng bằng", ông Quốc nói. Phó ban quản lý chợ đầu mối thủy sản Chánh Hưng Trương Minh Đức cũng khẳng định, hiện nay thủy sản về chợ rất nhiều và không có dấu hiệu thiếu cung trong dịp Tết.

Phan Anh