Người dựng cờ bên cầu Hiền Lương
Các Website khác - 22/12/2005

(VietNamNet) – 5 lần tham gia thiết kế, thi công và sửa chữa các cột cờ từ Bắc cầu Hiền Lương đến bờ Bắc sông Thạch Hãn dưới bom đạn của kẻ thù. Khi hồi tưởng, nước mắt ông cứ ứa ra trên gương mặt đã xế bóng.         

 

Ông Trương Nam Sơn, hiện là Phó Ban liên lạc Hội cựu chiến binh tiểu đoàn 303, trú tại 218/3 Xô Viết Nghệ Tĩnh (cũ), nay là đường Chu Văn An, phường 26, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ông Sơn, từng là Phó Tổng giám đốc, Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam, đơn vị duy nhất được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ thiết kế, thi công, lắp dựng, sửa chữa 5 cây cột cờ từ Bắc cầu Hiền Lương đến bờ Bắc sông Thạch Hãn (Hiền Lương, Đông Hà, Cửa Việt, Ái Tử, Thạch Hãn).

 

Khi hồi tưởng, nước mắt cứ ứa ra trên gương mặt đã xế bóng của ông Sơn.

Ông Sơn là người trực tiếp thiết kế, chỉ huy thi công các cột cờ trong suốt 20 năm chống Mỹ. Ngọn cờ là hồn thiêng của Tổ quốc, giá trị lịch sử của 5 cây cột cờ đã phải đổi bằng xương máu của đồng bào, chiến sĩ vùng tuyến lửa và cả nước, trong đó có một phần của ông và công nhân ngành Lắp máy Việt Nam.

 

15 tuổi, người thanh niên tên Sơn này đã tham gia phong trào thanh niên Tiền phong. Rồi thanh niên Cứu quốc. Trong cuộc Tổng khởi nghĩa ở Sài Gòn, ông tham gia cướp chính quyền từ xã lên huyện đến tỉnh và theo bộ đội đánh Pháp cho tới ngày tập kết ra Bắc.

 

Cuối năm 1950, ông bị thương nên được chuyển về Ban căn cứ địa Đồng Nai. Ở đây, ông được giao nhiệm vụ tổ chức và xây dựng lực lượng cơ quan trong căn cứ địa. Lúc này, ông đã là thương binh 2/4. Sau ngày tập kết ra Bắc, ông được  chuyển về Bộ Xây dựng.

 

Ông học nghề lắp máy khi trên mình mang đầy thương tích. Lưng đeo ba lô, dưới mang chân gỗ, với quyết tâm khám phá những điều mới lạ. Không chấp nhận chịu dốt, ông kiên trì học tập.

 

39 năm, hành nghề lắp máy, ông ngẫm ra một điều thú vị: “Giữa đời lính, đời thợ đều dũng cảm, mưu lược, hy sinh và gian khổ. Một năm mới có 10 ngày phép, vợ con mong đợi mỏi mòn có gì khác nhau. Nhưng ông yêu nghề và nghề lại yêu ông, nên gắn bó cùng nhau đến suốt cuộc đời”.

 

2 lần dựng cờ trên bờ Bến Hải

 

Thật bất ngờ khi ông được nhận lệnh của anh Hai Dung, Cục trưởng Cục Cơ khí Điện nước (tiền thân của ngành lắp máy Việt Nam, nguyên Phó Tư lệnh khu 7 thời kháng chiến chống Pháp) tiếp đoàn đại biểu nhân dân miền Nam vừa vượt tuyến ra Bắc cho biết: Cột cờ bằng gỗ của ta trên bờ Bắc cầu Hiền Lương đã trải qua hai mùa mưa nắng (1954-1956) có nguy cơ bị gãy đổ.

 

Cột cờ ở Hiền Lương trong những năm 60. Ảnh: Sĩ Sô.

Trong khi đó, đồng bào ta ở bờ Nam bị giặc đẩy ra xa bờ Bắc, nên không nhìn thấy rõ lá cờ Tổ quốc. Nhân dân miền Nam thiết tha đề nghị Chính phủ cho xây dựng một cột cờ khác cao hơn, to hơn của Mỹ Ngụy ở bờ Nam để nhân dân mình dù ở xa vẫn luôn nhìn rõ ngọn cờ Tổ quốc.

 

Nếu như ngày nay, khi lắp dựng một cột cờ cao hàng trăm mét, nặng hàng tấn, bằng các phương tiện hiện đại thì chẳng có gì khó. Nhưng thời đó, năm 1956, khi đất nước đang bị chia cắt, để lắp dựng một cột cờ thì quả là nhiệm vụ nặng nề và gian khổ, nhưng rất thiêng liêng.

 

Được Chính phủ giao nhiệm vụ thực hiện nguyện vọng của nhân dân hai miền giới tuyến, đoàn của ông hành quân vào Vĩnh Linh, với quyết tâm lắp dựng cột cờ trước ngày tiến hành Tổng tuyển cử thống nhất đất nước vào tháng 7/1956.

 

Khó khăn lớn nhất lúc đó là Hiền Lương không có điện. Cách duy nhất là phải gia công cột cờ tại Hà Nội, rồi vận chuyển vào lắp dựng.

 

Hành trình trên con đường chưa tới 800km, nhưng phải vượt trên 10 chuyến phà, qua 10 ngày đêm với xe dài, đường hẹp và hư hỏng nặng. Cuối cùng, lá cờ đỏ sao vàng có chiều dài 9 mét, rộng 6 mét phất phới tung bay trên bầu trời lộng gió của Hiền Lương - Bến Hải, với cột cờ sừng sững, uy nghiêm, cao hơn cờ Mỹ Ngụy 3 mét. Người dân hai đầu giới tuyến hân hoan, cảm động..

 

Kể từ sau sự kiện vịnh Bắc bộ, nhất là vào thời kỳ cao điểm của chiến tranh, quân đội Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, cột cờ Hiền Lương nằm trong “tọa độ chết”, là mục tiêu oanh kích của không lực Hoa Kỳ và Hạm đội 7.

 

Nhưng quân và dân Vĩnh Linh một lòng anh dũng, kiên cường đánh trả quyết liệt, quyết tâm bảo vệ ngọn cờ Tổ quốc. Cột cờ Hiền Lương phải gánh chịu hàng trăm nghìn trận mưa bom của kẻ thù, nhưng vẫn sừng sững.

 

Một lần nữa, đội quân của ngành lắp máy do ông Sơn trực tiếp chỉ huy lại nhận lệnh khẩn cấp vào Hiền Lương, thay thế cột cờ cũ đã bị nhiều thương tích.

 

Toàn cảnh cầu Hiền Lương, ảnh chụp ngày 2/9/1959. Ảnh: Sĩ Sô

Như lần trước, đoàn phải gia công cột cờ tại Hà Nội rồi chở vào. Đoạn đường từ Thanh Hóa đến Hiền Lương lúc này, máy bay địch gầm rú bắn phá, bom đạn cày tung. Nhiều nơi không thể đi được, đoàn phải hành quân theo đường Trường Sơn.

 

Mặc dù, anh em thợ rất mệt mỏi với cuộc hành quân quá dài dưới bom đạn, nhưng không chùn bước, nản lòng. Đến nơi, đoàn bắt tay ngay vào công việc để hoàn thành đúng thời gian quy định, vì  nguy cơ cột gãy lúc nào không lường trước được.

 

Đúng ngày 25/12, đoàn phải lắp dựng xong cột cờ mới. Vì chọn vào ngày Lễ Giáng sinh, có thể tránh được thương vong và tổn thất.

 

Khi cột được nâng lên khoảng 35 độ, bỗng có một máy bay OV 10 đến quần đảo và bắn đạn khói. Anh em công nhân Lắp máy vẫn không nao núng, tất cả vẫn hiên ngang, bình tĩnh, từ từ nâng cột lên 40 độ, rồi 50 độ cho đến khi cột cờ thẳng đứng trong tiếng hò reo, vui mừng và cảm phục của bộ đội biên phòng.

 

Cùng đưa cờ tiến về giải phóng miền Nam

 

Tiếp theo thắng lợi của chiến dịch Đường 9 Nam Lào, quân và dân ta giải phóng thêm được vùng đất rộng lớn. Giặc rút tới đâu, đoàn của ông Sơn tiến sâu tới đó. Công ty lắp máy lại nhận trách nhiệm đưa ngọn cờ giải phóng cắm sâu về đất phương Nam (Đông Hà, Ái Tử, Cửa Việt, Thạch Hãn) trước mũi quân thù, trong niềm mong đợi của nhân dân hai miền Nam Bắc.

 

Những cột cờ thiêng mọc đến đâu, khiến cho địch càng thêm hoang mang. Mùa xuân 1975, ngành Lắp máy Việt Nam được vinh dự trở lại Hiền Lương trước giờ quyết định vận mệnh của đất nước.

 

Trong tâm tưởng của ông, việc lắp dựng cột cờ mới lần này trước giờ tổng tiến công Chiến dịch Mùa Xuân đại thắng mang một ý nghĩa rất lớn.

 

Cầu đường sắt Tiên An vắt mình qua sông Bến Hải. Ảnh: GiangVT.

Ngày xưa, tổ tiên ta rất coi trọng việc tế cờ khởi nghĩa, tế cờ ra trận… Cờ là hiện thân của hồn thiêng đất nước, vì “còn cờ còn đất”. Chính ý nghĩa này mà quân và dân Vĩnh Linh không hề tiếc máu xương bảo vệ ngọn cờ của Tổ quốc suốt 20 năm trời không bị gãy đổ dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù.

 

Chiến công và lòng quả cảm của quân và dân Vĩnh Linh chính là động lực giúp những người thợ ngành lắp máy biến quyết tâm dựng cột cờ phía Bắc cầu Hiền Lương thành công, an toàn trước giờ nổ súng.

 

Những đoàn quân rầm rập hành quân Nam tiến được thề nguyện dưới ngọn cờ Tổ quốc trước giờ quyết định vận mệnh của đất nước. Ra quân lần này, tâm hồn ông rất hưng phấn, không gian thật yên tĩnh, không còn nghe tiếng bom rơi, đạn nổ, tiếng gầm rú của những “con ma thần sấm”.

 

Nhưng lần này, công việc của đoàn không kém phần vất vả và gian khổ. Hành trình của đoàn phải nhường đường cho bộ đội hành quân thần tốc. Suốt chặng đường chỉ có bộ đội, xe tăng và pháo rầm rập tiến quân ra trận, quốc lộ 1 ngập ngụa trong bùn, chỉ có xe xích và xe ba cầu mới đi nổi.

 

Xe của đoàn chạy suốt ngày đêm mà vẫn thấy chậm, gần tới Hồ Xá, đoàn phải bỏ xe, cuốc bộ. Hàng ngày, đoàn phải hành quân từ Hồ Xá đến Hiền Lương cả đi và về gần 20 km. Bữa cơm chiều thường vào khoảng 12h đêm.

 

Đối với ông đây là một thử thách lớn, suốt ngày phải ngâm chiếc chân gỗ dưới bùn mưa. Một ngày cuối tháng 2/1975, đấy là thời điểm 11 ngày trước khi chiến dịch Buôn Mê Thuột khai hỏa. Lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc được kéo lên trên đỉnh cột cờ mới. Tất cả bộ đội qua đây đều dừng lại tuyên thệ, rồi lại vội vã ra đi cho kịp Chiến dịch Mùa Xuân lịch sử.

 

Hồi tưởng lại những giây phút thiêng liêng ấy, những giọt nước mắt ông cứ ứa ra trên gương mặt đã xế bóng về chiều.      

 

Thời gian gần đây, ông có dịp đi ngang qua Hiền Lương - Bến Hải muốn tìm lại cột cờ dấu xưa nhưng không còn đó. Nghĩ về ngày ấy mà lòng ông vẫn thổn thức. Hiền Lương nay đã đổi khác.

 

·         Anh Ngọc – Phan Công