“Nhà nước không thể cứ đền bù cho các ông làm sai”
Các Website khác - 03/11/2007
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trần Quốc Vượng.

Trong thời gian qua xảy ra những vụ án tham nhũng mà nghi ngờ rất lớn nhưng chứng minh được lại rất ít. Vậy nguyên nhân là do đâu, thưa ông?

Việc điều tra xét xử phải trên cơ sở chứng cứ, còn tất cả thông tin trên báo chí và tố giác của nhân dân chỉ là 1 kênh mà thôi. Sự thật như thế nào phụ thuộc vào quá trình điều tra vì có những việc thông tin ban đầu thì rất nhỏ nhưng điều tra ra lại rất lớn và ngược lại…

Việc xây dựng nhà nước pháp quyền của chúng ta là phải tôn trọng sự thật, tôn trọng chứng cứ khách quan và tôn trọng pháp luật.

Vậy có phải chúng ta không đủ khả năng chứng minh hành vi của các đối tượng, chẳng hạn như trường hợp bị cáo Mai Văn Dâu chỉ là tham ô có 6.000 USD?

Tất nhiên, khi phạm tội người ta phải che giấu hành vi và cơ quan điều tra phải chứng minh điều đó là rất khó. Hồ sơ chúng ta chứng minh được đến đâu thì xử lý đến đó, không thể xử lý vô cớ được. Không chỉ có ở nước ta mà nước ngoài cũng vậy.

Có ý kiến cho rằng việc điều tra các vụ án tham nhũng lớn của cơ quan điều tra còn bị hạn chế tính độc lập. Vậy theo ông có nên trao thêm quyền cho cơ quan điều tra không?

Đây là việc cần nghiên cứu và nằm trong tiến trình cải cách tư pháp. Để làm ngay thì chưa thể được.

Theo báo cáo của Viện thì có 44 trường hợp đã truy tố nhưng bị TAND tuyên không có tội. Làm thế nào để khắc phục tình trạng truy tố oan, sai?

Mục tiêu của chúng tôi từ giờ trở đi là không được để oan, chúng tôi đặt chỉ tiêu cho các VKS các tỉnh là nếu xảy ra 1 trường hợp oan thì năm đó, cơ quan đó không đạt được bất kỳ danh hiệu thi đua nào cả. Tuy nhiên, làm hàng vạn vụ án thì sai sót là khó tránh...

Còn để khắc phục tình trạng oan thì có rất nhiều cách mà trước hết là mỗi cán bộ kiểm sát phải tăng cường trách nhiệm của bản thân. Thứ 2 là phải tăng cường đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ kiểm sát. Thứ nữa là tăng cường sự kiểm tra, giám sát của các cấp, nhất là việc quy trách nhiệm cho các Viện trưởng và các trưởng phòng.

Việc đền bù án oan thường kéo dài rất lâu, tại sao vậy?

Điều này là do quá trình thương lượng giữa hai bên lâu hay chóng mà thương lượng không được thì đưa nhau ra tòa xử.

Hiện nay việc xử lý trách nhiêm đối với những người gây ra oan sai đã được thực hiện như thế nào?

Chúng tôi đang phải  xử lý vấn đề này. Thực ra tất cả các vụ oan đều xảy ra từ trước khi có Nghị quyết 388, những người gây ra oan hầu hết đã về hưu hoặc chuyển công tác khác và lúc đó thì trách nhiệm giữa cá nhân và tập thể lại không rõ.

Nhưng không thể không xác định trách nhiệm được, Nhà nước không thể cứ đền bù cho các ông làm sai mà không phải chịu trách nhiệm gì cả. Tuy nhiên để làm việc này thì cần phải có quá trình.

Khi ra tranh tụng tại tòa, rất nhiều kiểm sát viên đuối lý hơn so với luật sư, vậy làm thế nào để khắc phục tình trạng đó?

Nói rằng rất nhiều kiểm sát viên đuối lý hơn luật sư là không đúng mà chỉ có một số rất ít trường hợp mà thôi. Về việc này, chúng ta đã có chỉ đạo lấy việc tranh tụng tại tòa với vai trò của luật sư và kiểm sát viên là trọng tâm. Chính vì điều đó nên trong năm nay chúng tôi đã giao cho VKS tỉnh, VKS huyện phải tổ chức một phiên tòa mẫu để rút kinh nghiêm.

Như thế chúng ta học tập mô hình của phương tây là thẩm phán chỉ giữ vai trò điều khiển phiên tòa?

Không phải như vậy, mỗi nước có một mô hình khác, hiện nay ở ta vai trò của thẩm phán là hết sức quan trọng.

Xin cám ơn ông!

Mạnh Cường- Phương Thảo (ghi)