Sục sôi một phong trào cách mạng
Các Website khác - 12/09/2005
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, nhiều địa danh đã đi vào lịch sử như những mốc son chói lọi. Nghệ Tĩnh là một trong những địa danh đó. Nghệ Tĩnh Xô-viết bình minh đỏ, niềm tự hào của nhân dân, nguồn cổ vũ chúng ta đi tới những chân trời mới. Hào khí xô-viết đang thúc giục chúng ta trong công cuộc đổi mới hôm nay.
Cao trào Xô-viết Nghệ Tĩnh là một trong những trang chói lọi nhất trong pho sử vàng của Ðảng và dân tộc ta ngay sau khi Ðảng mới ra đời.

Năm 1930 tại Nghệ Tĩnh, ngay sau khi được thành lập, các đảng bộ địa phương phát động quần chúng đấu tranh hưởng ứng các cuộc bãi công của công nhân các đồn điền cao-su Phú Riềng ở miền nam, công nhân Nhà máy dệt Nam Ðịnh ở miền bắc, công nhân Nghệ Tĩnh tổ chức đình công ở Nhà máy cưa, bãi công ở Nhà máy diêm Bến Thủy. Các cuộc đấu tranh nói trên đã có tác dụng thúc đẩy phong trào công nhân Nghệ Tĩnh tổ chức cuộc biểu tình kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1-5, mở màn cho cao trào cách mạng 1930-1931 ở Nghệ Tĩnh cũng như trong cả nước. Từ sáng sớm, hơn một nghìn nông dân hai huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc được công nhân Vinh - Bến Thủy làm nòng cốt đã rầm rộ kéo vào thành phố Vinh phối hợp biểu tình, đưa yêu sách đòi tăng lương, giảm giờ làm, miễn sưu, giảm thuế.

Bọn cầm quyền đưa hàng trăm lính đến ngã ba Bến Thủy chặn đoàn biểu tình lại. Anh em binh lính không tuân theo mệnh lệnh của bọn chỉ huy Pháp, không bắn vào đoàn biểu tình mà nổ súng lên trời. Hốt hoảng, bọn giám binh, chánh mật thám Pháp và bọn chủ người Pháp đã xả súng bắn vào đoàn biểu tình làm bảy người chết và 18 người bị thương. Như lửa đổ thêm dầu, ngọn lửa căm hờn càng dâng cao, đoàn biểu tình không hề nao núng, cờ đỏ búa liềm vẫn giương cao, tiếng thét phẫn nộ không ngừng vang động. Lần đầu trong lịch sử cách mạng nước ta, công nhân, nông dân và binh lính người Việt đã bắt tay nhau giữa trận tiền vì nghĩa cả.

Cũng vào buổi sáng 1-5-1930 lịch sử đó, ba nghìn nông dân huyện Thanh Chương tập trung tại đình Hạnh Lâm, tổng Cát Ngạn tổ chức mít-tinh rồi tuần hành kéo đến đồn điền Ký Viễn đòi lại ruộng đất và con đường độc đạo đi vào rừng làm ăn của bà con mà nó đã chiếm. Tên Ký Viễn bỏ trốn, nhân dân đã đốt cháy dinh cơ của nó. Sau đó, con đường đi vào rừng được mở rộng và Ký Viễn buộc phải thực hiện thêm một số yêu sách của nhân dân.

Cùng lúc, tại Trường tiểu học Pháp - Việt chợ Rộ (Thanh Chương), 100 học sinh đã tổ chức bãi khóa chống lại ách áp bức của đế quốc, phong kiến.

Ðến ngày 3-5, thực dân Pháp và phong kiến tay sai đưa giám binh Petite cùng 60 lính kéo lên Hạnh Lâm đàn áp. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ đảng và Nông hội đỏ, nhân dân đã bao vây chúng trong đình làng Hạnh Lâm, đấu tranh mặt đối mặt với chúng trong hai ngày đêm liền. Cuối cùng để tháo chạy, giám binh Petite ra lệnh cho binh lính bắn xả vào quần chúng, làm 18 người chết và 20 người bị thương! Nhưng cũng từ đó, Thanh Chương là một trong những nơi ngọn lửa đấu tranh bốc cao mãi.

Thắng lợi của các biểu tình ngày 1-5 tại Vinh - Bến Thủy và Hạnh Lâm, Võ Liệt là chiến công đầu của công nhân, nông dân Nghệ Tĩnh. Sự kiện đó ghi vào lịch sử Việt Nam một cột mốc quan trọng, mở đầu cho cao trào cách mạng năm 1930-1931 trong toàn quốc. Kẻ địch phải thú nhận: Ở Bến Thủy, Hạnh Lâm, cuộc biểu tình chấm dứt bằng đổ máu, điều ấy kích động mạnh mẽ và sâu sắc dư luận của công chúng. Công chúng thức tỉnh và phong trào do đó mà càng rộng hơn và mạnh hơn.

Cũng trong thời kỳ này, làn sóng biểu tình của nông dân Nghệ Tĩnh không ngừng dâng cao. Sau Thanh Chương đến lượt nông dân các huyện Anh Sơn, Nghi Lộc, Nam Ðàn, Can Lộc đang dâng lên như ngọn triều Biển Ðông:

"Kìa Bến Thủy đứng đầu dậy trước
Nọ Thanh Chương tiếp bước, bước lên
Nam Ðàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên
Anh Sơn, Hà Tĩnh một phen dậy rồi"

Ngày 1-8, nhân ngày Quốc tế chống chiến tranh đế quốc tại huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đã nổ ra cuộc đấu tranh lớn, 500 người dân biểu tình kéo về huyện lỵ. Tri huyện Trần Mạnh Ðàn đã phải ra tận cầu Nghèn đón đoàn biểu tình, nhận yêu sách và hứa sẽ trả lời sau một tuần.

Ngày 30-8, ba nghìn nông dân huyện Nam Ðàn biểu tình vũ trang bằng gậy gộc, giáo mác kéo đến huyện lỵ phá huyện đường, tri huyện Nam Ðàn Lễ Khắc Tưởng đã phải ký đóng dấu vào bản yêu sách của nhân dân với lời cam kết "từ nay về sau không được nhiễu hại nhân dân".

Sáng 1-9, hơn hai vạn nông dân từ khắp các làng, xã của huyện Thanh Chương kéo lên huyện lỵ đòi chính quyền tay sai của thực dân Pháp giải quyết yêu sách của nhân dân. Bọn cầm quyền không sao giải tán được cuộc biểu tình. Tên đồn trưởng Pháp ở Thanh Quả cùng tri huyện Thanh Chương Phan Sĩ Bàng ra lệnh cho lính bắn vào đoàn biểu tình, giết chết ông Nguyễn Công Thường. Lập tức, các đơn vị tự vệ và nhân dân xông lên. Ðồng bào ở bên tả ngạn sông Lam gấp rút chèo đò sang, đứng chật trên con đường kéo đến huyện lỵ, tiến vào công sở, trại giam. Tri huyện và cả lính tráng bỏ chạy. Quần chúng mở cửa nhà lao giải phóng tù chính trị, đốt cháy cả huyện đường, đuổi bọn lính được phái đến đàn áp chạy về đồn Thanh Quả.

Ðêm hôm đó, ở tất cả các làng, xã trong huyện Thanh Chương quần chúng tổ chức mít-tinh truy điệu ông Nguyễn Công Thường và các chiến sĩ hy sinh trong cuộc đấu tranh.

Ngày 8-9, hơn một nghìn nông dân huyện Thạch Hà có số đông phụ nữ tham gia, diễu hành qua các xã rồi kéo đến thị xã Hà Tĩnh. Tù chính trị trong nhà lao cũng hưởng ứng bằng việc tuyên bố tuyệt thực. Thực dân Pháp đưa lính đến đàn áp, nhưng bị lực lượng biểu tình cản lại. Ðoàn biểu tình kéo đến Dinh công sứ Pháp đòi miễn sưu, hoãn thuế và thả tù chính trị.

Làn sóng biểu tình nối tiếp nhau dâng lên ở các huyện đồng bằng Nghệ Tĩnh về sau lan tới một số huyện miền núi.

Ngày 12-9, đã nổ ra cuộc biểu tình ở Thái Lão (Hưng Nguyên) lịch sử, hơn tám nghìn nông dân các xã trong huyện kéo lên huyện lỵ. Máy bay của Pháp đã ném bom khi đoàn biểu tình vừa tới làng Thái Lão (cách huyện lỵ 2 km) làm nhiều người chết và bị thương. Chiều đến, khi đồng bào đến tìm xác người chết thì máy bay Pháp lại ném bom lần thứ hai, cả hai lần Pháp đã giết chết 217 người và 125 người bị thương.

Vụ thảm sát của thực dân Pháp đã làm cho ngọn lửa căm thù trong nhân dân càng bốc cao, quyết tâm chiến đấu được nuôi dưỡng từ thế hệ này sang thế hệ khác vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, nhân dân đã tiến công dồn dập vào thực dân phong kiến, làm rung chuyển hệ thống chính quyền của chúng từ tỉnh, đến làng. Trước khí thế xung thiên của quần chúng cách mạng, bọn quan lại phủ, huyện trong hai tỉnh nhiều nơi bỏ trốn. Tổng lý các làng, xã đã mang sổ sách triện bạ nộp cho cách mạng. Ban chấp hành Nông hội đỏ (thường gọi là xã bộ nông) đứng ra quản lý mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, xã hội ở nông thôn, làm nhiệm vụ của chính quyền nhân dân theo kiểu chính quyền xô-viết.

Từ tháng 9-1930 đến đầu năm 1931, chính quyền xô-viết đã tồn tại và phát huy quyền làm chủ nông thôn của quần chúng. Những thôn, làng do xã bộ nông nắm chính quyền trong thời kỳ ấy thường gọi là làng xô-viết, "làng đỏ".

Khi chính quyền Xô-viết nông thôn ra đời ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thì cuộc khủng bố trắng của thực dân Pháp cũng bắt đầu.

Toàn quyền Ðông Dương Pasquier và khâm sứ Trung Kỳ Lefol đã đến tận nơi điều tra. Chúng phái đến Nghệ Tĩnh những tên thực dân và tay sai khát máu, sừng sỏ trong nghề đàn áp cách mạng, như Dubonhome, thanh tra quân đội Pháp và đưa Thượng thư Bộ hình Tôn Thất Ðàn ra trực tiếp làm Tổng đốc An Tĩnh phối hợp thường trực chỉ huy cuộc khủng bố.

Ngoài số lính lê dương 250 tên đã ở Vinh, chúng còn điều thêm loại lính này từ Huế ra và từ Pháp, Algeria, Ma-rốc sang.

Thực dân Pháp còn báo động cho các đế quốc Anh, Mỹ, Hà Lan, lập liên minh chống cộng sản Ðông Dương - Hồng Công - Trung Hoa - Thái-lan - Nam Dương - Philippiner (10-1930) hòng chống lại phong trào cách mạng Ðông-Nam Á, trước tiên là ở Việt Nam. Cuộc khủng bố trắng của thực dân Pháp đối với phong trào cách mạng Nghệ Tĩnh hết sức khủng khiếp. Louis Marty, Giám đốc Sở liêm phóng Ðông Dương, trước đã từng làm công sứ Vinh đã phải thừa nhận trong 70 năm trời thống trị, chưa bao giờ chúng ta phải đàn áp đến như thế. Nhưng chúng đã lầm. Chính sách khủng bố trắng cực kỳ dã man của chúng chẳng những không cản trở được bước tiến của cách mạng mà trái lại nó đã trở nên một thứ lửa thử vàng, nó rèn luyện cho người cách mạng càng thêm vững vàng.

Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới do Ðảng ta khởi xướng và lãnh đạo, nhân dân ta nói chung và nhân dân Nghệ An - Hà Tĩnh nói riêng đã thu được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Với lòng yêu quê hương đất nước, thế hệ hôm nay phát huy truyền thống xô-viết, xây dựng Nghệ An, Hà Tĩnh thành những tỉnh giàu đẹp trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, thỏa lòng mong ước của các chiến sĩ xô-viết trước đây.

GS. VS. NGUYỄN DUY QUÝ