Thắt chặt kiểm soát gà lậu tại các nơi tiêu thụ
Các Website khác - 22/03/2006

(VietNamNet) - Song song với tăng cường kiểm soát gia cầm nhập lậu qua biên giới, Ban Chỉ đạo QG Phòng chống dịch cúm gia cầm hôm nay (21/3) cho biết, ngay trong tuần này sẽ tiến hành hàng loạt các biện pháp để giảm thiểu lượng gà lậu tràn về nơi tiêu thụ.

Soạn: AM 731237 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Công tác tiêm phòng cho gia cầm đang được tiến hành gấp rút tại các địa bàn xung yếu.

85% gà lậu là gà thải loại của Trung Quốc

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT kiêm Trưởng ban Chỉ đạo QG Phòng chống dịch cúm Cao Đức Phát, sau chuyến công tác tại Lạng Sơn hôm 20/3, nói rằng, nguyên nhân khiến gà nhập lậu tuồn ồ ạt vào Việt Nam thời gian qua là do chênh lệch giá quá cao. Gia cầm tại Trung Quốc chỉ 6.000 đồng/kg, khi về đến Đồng Đăng (Lạng Sơn) là 25.000-30.000 đồng/kg và khi xuôi các tỉnh đồng bằng đã lên tới 45.000-50.000 đồng/kg. 85% gà lậu là gà thải loại của Trung Quốc.

Đây là mầm mống khiến dịch cúm có thể tái phát ở Việt Nam bất cứ thời điểm nào. Dịch cúm gia cầm hiện vẫn diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, và chính Cục trưởng Cụ Thú y nước ngày cũng thừa nhận là virus cúm gia cầm đang biến đổi.

Bộ trưởng Cao Đức Phát đã yêu cầu Lạng Sơn và các tỉnh có đường biên giới phía Bắc, Tây Nam phải thiết lập ngay các phòng tuyến chống gà lậu, đặt tại các cửa khẩu, trạm kiểm soát đường bộ hay nơi tập kết của đầu nậu.

Trong đó, với đối tượng là đầu nậu, khi phát hiện buôn gia cầm nhập lậu cần có các hình thức xử phạt hợp lý, từ vận động không tham gia đến răn đe. Đối với những người tham gia khuân vác, chính quyền địa phương cần tuyên truyền và thực hiện ký cam kết không tham gia. Khi phát hiện thấy gà lậu tịch thu, tiêu hủy ngay.

Bộ trưởng nhấn mạnh, cần hỗ trợ lực lượng bắt buôn lậu ban đêm kinh phí như mức hỗ trợ đối với lực lượng thú y trong thời gian xảy ra dịch. Bên cạnh đó, cung cấp các trang thiết bị phòng hộ như găng tay, ủng, mũ.... để tránh lây lan dịch bệnh.

Tấn công gà lậu ngay tại những đầu mối tiêu thụ

Bộ trưởng cho rằng một trong những vấn đề quan trọng hiện nay là phải tấn công gà lậu ngay tại những đầu mối tiêu thụ dưới xuôi, đặc biệt là tại địa bàn 6 tỉnh, thành Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Tây. Bên cạnh đó, sắp xếp lại hoạt động của các trạm kiểm dịch, chỉ đặt ở những khu vực trung tâm nhưng hoạt động phải hiệu quả. Cục Thú y thành lập ngay lực lượng thanh tra chuyên ngành để kiểm tra tại các trạm kiểm dịch (như lót tay qua trạm hoặc cấp tràn lan giấy kiểm dịch). Khi phát hiện có biện pháp xử lý nghiêm khắc.

Ông Nguyễn Đăng Vang, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) lo lắng, phải đến giữa tháng 5 mới có gia cầm sản xuất trong nước, bởi chúng ta mất 21 ngày để ấp mới và 2 tháng nuôi. Do vậy, song song với việc tiêu hủy ngay gia cầm nhập lậu, các DN trong nước nên tiếp tục nhập gia cầm đông lạnh từ quốc gia không có dịch để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng yêu cầu Viện Thú y trong tuần này phải tiến hành ngay việc lấy mẫu phẩm gia cầm nhập lậu tại Móng Cái (Quảng Ninh) và Lạng Sơn để xét nghiệm, báo cáo kết quả lên Chính phủ trong cuộc họp giao ban tuần này.

Đồng thời, "thúc giục" các địa phương đẩy mạnh công tác tiêm phòng vắc-xin, thực hiện gấp rút tại những địa bàn xung yếu như Bắc Giang, Bắc Ninh hay tuyến biên giới Tây nam. Cục Thú y cần đặt mua ngay vắc-xin của Trung Quốc, đủ để tiêm cho đàn gia cầm trong năm 2006, tránh tính trnạg thiếu hụt hay phải chờ đợi do năm nay nhu cầu vắc-xin cho gia cầm tại các nước tăng cao.

Ban Chỉ đạo QG Phòng chống dịch cúm cũng cử 6 đoàn công tác đi kiểm tra việc thực hiện kiểm soát, kiểm dịch gia cầm nhập lậu tại các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Trong đó Bộ Tài chính đi kiểm tra Lạng Sơn, Bộ Thương mại đi Bắc Giang và Bắc Ninh, Bộ Công an kiểm tra tại Lào Cai, Bộ NN-PTNT kiểm tra tại Quảng Ninh và Bộ Y tế kiểm tra tại Hải Phòng, Thái Bình.

  • Hà Yên