Việc tìm được và xác định chính xác hài cốt lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh không chỉ là tin vui đối với CNLĐ cả nước, mà còn khẳng định một bước tiến về khoa học của Việt Nam.
![]() |
PGS.TS.Đại tá Nguyễn Trọng Toàn trao biên bản kết quả giám định pháp y liệt sĩ Nguyễn Đức Cảnh cho Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thái Bình Nguyễn Ngọc Đoán. |
Hài cốt lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh được phát hiện lúc 9h15 ngày 21/9/2007 tại khuôn viên Cty CP Giày da Thống Nhất (An Dương, TP. Hải Phòng) và hiện được quàn tại Nhà tang lễ Quân khu 3 (Hải Phòng). Sau 13 ngày làm việc khẩn trương (tính từ ngày lấy mẫu xương 6/10), các cán bộ của Viện Pháp y quân đội đã có kết quả khẳng định: "Hài cốt trong tiểu được quàn tại nhà tang lễ Quân khu 3 (Hải Phòng) mang mã số PYXV.07 là hài cốt của liệt sĩ Nguyễn Đức Cảnh".
Tại buổi lễ, Chủ tịch LĐLĐ Thái Bình Nguyễn Ngọc Đoán cho biết: "Được sự ủng hộ và đồng ý của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thái Bình, Tổng LĐLĐ VN, từ năm 2006 LĐLĐ Thái Bình đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người xúc tiến tìm kiếm hài cốt của liệt sĩ Nguyễn Đức Cảnh. Hôm nay có kết quả khẳng định chính xác hài cốt lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh là niềm vui của nhân dân Thái Bình và CNVC-LĐ, tổ chức CĐ cả nước, luôn luôn ghi nhớ và học tập tấm gương cách mạng của các bậc tiền bối".
Dự kiến, kết quả giám định hài cốt của liệt sĩ Hồ Ngọc Lân (người bị thực dân Pháp chém cùng ngày với liệt sĩ Nguyễn Đức Cảnh) sẽ được công bố ngày 20/10.
PV cũng đã có cuộc phỏng vấn Đại tá PGS.TS. Nguyễn Trọng Toàn - Viện trưởng Viện Pháp y quân đội về độ tin cậy của phương pháp giám định hài cốt bằng phương pháp phân tích ADN ty thể.
Đại tá PGS.TS. Nguyễn Trọng Toàn cho biết:
- Phương pháp phân tích ADN ty thể là một công nghệ tiên tiến trên thế giới hiện đang được nhiều quốc gia sử dụng và được đưa vào VN từ năm 2002. Năm 2003 được triển khai thành đề tài khoa học cấp nhà nước có tên là "Nghiên cứu ứng dụng công nghệ ADN trong việc xác định hài cốt liệt sĩ" có mã số KC.04.23. Năm 2005 được nghiệm thu và ứng dụng trong thực tiễn, đã có hơn 100 trường hợp được xác định bằng phương pháp này.
Phương pháp phân tích của chúng tôi là lấy mẫu xương của hài cốt hiện được quàn tại Quân khu 3 tách chiết ADN tổng số từ xương; nhân bản đoạn gene HV1 ty thể (đoạn gene dùng để nhận dạng người do đoạn này không người nào giống người nào, không phả hệ nào giống phả hệ nào - PV); giải trình tự gene; phân tích và xử lý số liệu.
Số liệu được phân tích so sánh bằng phần mềm chuyên dụng cho thấy gene của mẫu xương và gene của mẫu máu lấy từ bà Nghiêm Thị Hồng (sinh năm 1943) và bà Nghiêm Thị Như Vân (sinh năm 1948) (đều là cháu ruột của liệt sĩ Nguyễn Đức Cảnh) giống nhau 100%, khác biệt hẳn so với gene của mẫu đối chứng không thuộc phả hệ của liệt sĩ Nguyễn Đức Cảnh và gene của người trực tiếp tiến hành phân tích.
Đặc biệt, hai vị trí 16140 và 16148 theo trình tự Andeson (trình tự của chuỗi ADN ty thể được nghiên cứu, được ông Andeson công bố đầu tiên năm 1981 - PV) chỉ thấy có ở gene mẫu xương và gene mẫu máu các cháu liệt sĩ Cảnh. Hai vị trí đặc biệt này chưa từng gặp thấy trong 70 phả hệ đã được nghiên cứu của viện. Kết quả so sánh ADN ty thể của các mẫu cho phép khẳng định: Mẫu xương có quan hệ huyết thống dòng mẹ với các mẫu máu của hai người cháu liệt sĩ Nguyễn Đức Cảnh.
- Thưa Đại tá, việc giám định thành công hài cốt của liệt sĩ Nguyễn Đức Cảnh có ý nghĩa thế nào đối với khoa học pháp y?
- Sự kiện này đánh dấu bước tiến mới của viện, khả năng kỹ thuật được nâng lên một bước. Trong hơn 100 trường hợp đã được giám định thành công thì trường hợp cốt để lâu nhất 65 năm. Nay đối với trường hợp của liệt sĩ Nguyễn Đức Cảnh bị thực dân Pháp giết ngày 31.7.1932, tức là cốt đã để 75 năm. Đặc biệt khi phát hiện, tình trạng cốt không còn được tốt, xương đã có hiện tượng mủn nát.
- Xin cảm ơn PGS.TS Đại tá Nguyễn Trọng Toàn!
Những đóng góp của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đối với cách mạng VN
Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh sinh ngày 2/2/1908 tại làng Diêm Điền, tổng Hộ Đội, huyện Thụy Anh (nay là thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy - Thái Bình). Tháng 3/1929, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh cùng các đồng chí Ngô Gia Tự, Nguyễn Phong Sắc, Trần Văn Cung, Trịnh Đình Cửu, Đỗ Ngọc Du... thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên tại số nhà 5D Hàm Long, HN. Đây là bước chuẩn bị quan trọng để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương nay là Đảng Cộng sản VN. Ngày 28/7/1929, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh chủ trì Hội nghị thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ tại số 15 phố Hàng Nón, HN - tiền thân của tổ chức CĐVN và thành lập cơ quan ngôn luận là Báo Lao Động và Tạp chí Công hội đỏ. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh trở thành lãnh tụ của Tổng Công hội đỏ và Tổng Biên tập đầu tiên của Báo Lao Động. Ngày 31/7/1932, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã bị thực dân Pháp giết hại khi mới tròn 24 tuổi. |
(Theo Lao Động)
▪ Một sinh viên treo cổ ngay tại trường (20/10/2007)
▪ Lò luyện gái nhảy (20/10/2007)
▪ Hiểm nguy trên đường đi “phượt” (20/10/2007)
▪ Sẽ cho tái chế một số rác thải y tế (20/10/2007)
▪ Chó “điên” cắn bị thương 33 người (20/10/2007)
▪ Chấm dứt tìm kiếm nạn nhân vụ cầu Cần Thơ (19/10/2007)
▪ Hà Nội: Nhiều con đường đang “kêu cứu” (19/10/2007)
▪ 14 lãnh đạo cao cấp nghỉ hưu theo chế độ (19/10/2007)
▪ Thêm 7 người chết và mất tích do mưa lũ (19/10/2007)
▪ Malaysia tiếp nhận lao động VN giúp việc gia đình (19/10/2007)