Nâng cấp lộ trình đến xã hội thông tin
Các Website khác - 16/11/2005

Internet là nguồn thông tin hữu ích vô tận nếu biết khai thác đúng
TT (Tunis) - Điều mà giới truyền thông bàn tán suốt hai năm nay cuối cùng cũng sắp có lời giải: ai sẽ là người... “thống trị” Internet? Vai trò độc tôn của ICANN - tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ - trong những năm vừa qua đã để lộ những bất cập. Thủ đô Tunis của xứ Ả Rập Tunisia nhộn nhịp hẳn với sự hiện diện của hơn 11.000 thành viên LHQ, quan chức chính phủ 50 nước cùng hơn 100 tổ chức phi chính phủ.

Họ chuẩn bị bước vào phiên cuối của Hội nghị thượng đỉnh xã hội thông tin (WSIS) diễn ra từ ngày 16 đến 18-11.

Một trật tự mới của Internet

Suốt hai tháng vừa qua, nhiều phiên thảo luận diễn ra khắp nơi trên thế giới vẫn chưa đi đến được một kết luận nào về nhiệm vụ đầy quyền lực của ICANN trong thế giới Internet mênh mông.

ICANN hiện đang quản lý hệ thống tên miền của toàn thế giới và đã để xảy ra nhiều tranh chấp không giải quyết được. Chuyện lạm thu phí cấp tên miền, nạn buôn bán tên miền cũng như việc cấp phát những tên miền mới luôn là vấn đề gây tranh cãi.

Nhiều quốc gia châu Âu lên tiếng về tình trạng độc quyền quá đáng của ICANN và muốn tìm kiếm một sự thay thế.

Tuy nhiên, tổ chức nào sẽ thay thế và thay thế như thế nào để vẫn duy trì được sự hoạt động bình ổn của thế giới ảo ngày càng rộng lớn là một cuộc tranh luận chưa có điểm chung.

Ngay chiều đầu tiên mở cửa trung tâm hội nghị quốc tế, chủ đề số ba "quyền cai trị Internet" đã trở nên nóng hổi trước thềm phiên họp chính. Và những cuộc tranh luận vẫn tiếp tục...Internet liệu có bị chia năm xẻ bảy, câu trả lời còn ở phía trước.

Khoảng cách số

Khái niệm được đề cập liên tục trong cuộc hội thảo giữa các phóng viên đến từ các quốc gia đang phát triển do Học viện Báo chí thế giới (trụ sở tại Đức) tổ chức là “khoảng cách số”.

Một ví dụ do đồng nghiệp người Ghana đưa ra khá lý thú: “Bây giờ để một cái máy tính xách tay giá 1.000 USD và một món tiền 20 USD ngoài đường ở một thành phố nghèo, liệu rằng người dân sẽ nhặt cái máy tính hay chộp ngay lấy 20 USD?”.

Sau phiên đầu tiên của hội nghị WSIS tổ chức tại Geneva hồi năm 2003, các quốc gia và tổ chức quốc tế đã đưa ra cam kết thực hiện những dự án qui mô lớn nhằm mục tiêu đến năm 2015, một nửa dân số thế giới sẽ có thể truy cập được Internet.

Nhưng sự thật thì cho đến nay, người dân của những nước nghèo mà đại diện là những đồng nghiệp đến từ Uganda, Kenya, Zimbabwe, Moldova... khẳng định: chúng tôi đang cần phải lo cái ăn trước đã.

Sự mò mẫm trên con đường đến thế giới số còn được thể hiện trong một dự án được chuẩn bị khá công phu: máy tính xách tay giá 100 USD cho trẻ em các nước nghèo.

Mọi người hồ nghi: liệu có đủ giáo viên có trình độ để hướng dẫn sử dụng, và bao nhiêu trong số máy tính ấy có thể thay đổi cuộc sống của các em hay lại chỉ quẩn quanh trong những trò chơi điện tử hoặc trùm mền cung kính như một báu vật cần bảo quản.

Thậm chí nhiều người còn tỏ ra lo sợ việc sau vài năm, những chiếc máy này lại trở thành một đống rác thải công nghiệp khổng lồ mà thiên nhiên không có khả năng thu hồi.

Tổng thư ký LHQ Kofi Annan trong bài diễn văn phát đi trước thềm hội nghị nhấn mạnh một khả năng thiết lập một thứ tạm gọi là “thuế Internet” để gây quĩ phát triển công nghệ dành cho những quốc gia kém phát triển. Tuy nhiên, thông điệp này cũng không nhận được nhiều sự ủng hộ.

“Không thể sợ nằm mơ mà không dám ngủ”. Những điều mà hội nghị qui mô nhất trong năm này của Tunis đang chuẩn bị đề cập phải đối mặt với không ít câu hỏi khó khăn.

TRẦN NGUYÊN