Bộ Y tế vừa đề xuất với Chính phủ đề án sản xuất thuốc điều trị AIDS tại Việt Nam. Theo Bộ này, các xí nghiệp dược phẩm trong nước, liên doanh hay 100% vốn nước ngoài đạt tiêu chuẩn GMP có thể đáp ứng được những đòi hỏi về quy trình, chất lượng để sản xuất các thuốc điều trị AIDS có thể hạ giá thành thuốc xuống chỉ còn ¼ giá nhập khẩu. Đã có rất nhiều doanh nghiệp sẵn sàng tham gia đề án này như Công ty TNHH Liên doanh Stada - đơn vị đầu tiên cung cấp hai sản phẩm thuốc Lamivudin và Lamzidivir (thuốc điều trị AIDS) ở Việt Nam với giá chỉ bằng 1/3 sản phẩm cùng loại nhập khẩu. Nếu được Chính phủ cho phép, Stada sẽ sản xuất loại thuốc điều trị AIDS thứ ba với hoạt chất Indinavir, họ sẽ hạ giá thuốc xuống ngang bằng với mức giá của Thái Lan, Ấn Độ vào tháng 2/2004.
Theo các chuyên gia, mỗi năm ở Anh có khoảng 1.000 người đã được chẩn đoán nhiễm HIV do quan hệ tình dục khác giới không an toàn. Một trong những nguyên nhân là do một số người đàn ông dù đã biết mình nhiễm HIV nhưng vẫn mong muốn sinh con và họ “lặng lẽ” quan hệ tình dục không dùng bao cao su với hy vọng con họ “được” rơi vào xác suất không bị nhiễm. Điều này quả rất là nguy hiểm, nguy cơ họ truyền HIV cho vợ là khá lớn và qua vợ sang con cũng không nhỏ bởi tịnh dịch của họ có chứa HIV.
Gần đây, các nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu theo hướng giúp người đàn ông nhiễm HIV và vợ của họ đạt được ước nguyện có con mà không nguy hại đến sức khỏe của vợ. Một trong những giải pháp được thử nghiệm đó là “rửa tinh trùng” nghĩa là tinh trùng “được rửa sạch” khỏi tinh dịch (vốn luôn đi kèm), sau đó mới đem thụ tinh. Cơ sở của biện pháp này là người ta cho rằng bản thân tinh trùng không mang theo HIV trên bề mặt của nó.
Theo một nghiên cứu mới nhất do các bác sĩ ở bệnh viện Chelsea và Westminster (Luân Đôn, Anh) tiến hành, kết quả cho thấy 1/3 (trong số 53 cặp vợ chồng áp dụng phương pháp trên) đã có thai. Tuy nhiên, bác sĩ Carole Gilling – Smith, Trưởng nhóm nghiên cứu lưu ý rằng “không có gì đảm bảo an toàn 100% trong cuộc sống. Những gì mà chúng tôi đang cố gắng làm chỉ làm giảm nguy cơ thôi”.
Tầm nhìn thế giới (World Vision) một tổ chức cơ đốc giáo hoạt động trên lĩnh vực phát triển và cứu trợ toàn cầu đã khởi động một chiến dịch tại 15 thành phố trên toàn thế giới nước Mỹ nhằm huy động sự hỗ trợ, đặc biệt là của các nhà Thờ Phúc Âm cho những người bị tác động bởi HIV/AIDS. Vì theo các tổ chức đã đến lúc cần làm thức tỉnh cộng đồng các nhà thờ và huy động họ tham gia vào việc giải quyết cuộc khủng hoảng AIDS ở Châu Phi với sự thông cảm nhiều hơn, hăng hái hơn. Còn trên thực tế, từ lâu đã có rất nhiều nhà thờ tham gia vào cuộc chiến chống đói nghèo, nhưng còn rất ít nhà thờ tham gia phòng, chống AIDS, hoặc có tham gia nhưng với mức độ hạn chế.
Tầm nhìn thế giới hy vọng rằng, qua chiến dịch lần này họ sẽ khuyến khích được các nhà thờ tham gia vào công việc phòng, chống AIDS. Ông Rich Steams (người mới được cử giữ chức vụ đứng đầu tầm nhìn thế giới) sau khi đi thăm một quận ở Uganda (nơi có 600.000 trẻ em bị AIDS cướp đi cha mẹ) nhận xét rằng “Đây là thảm họa lớn nhất mà tôi từng chứng kiến, thật là ngoài sức tưởng tượng” và ông cho rằng HIV/AIDS là một thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt “trong thế giới hiện nay”.
Với khoảng 700 người chết do AIDS mỗi ngày ở Kenya đã dẫn tới tình trạng ngày càng nhiều cây cối bị chặt phá để làm quan tài đến mức bà Wangari Maathai, Thứ trưởng Bộ Môi trường phải lên tiếng cảnh báo về nguy cơ biến mất của độ bao phủ rừng ở phạm vi quốc gia và theo bà cần phải đưa vào sử dụng loại quan tài rẻ tiền làm bằng nhựa hoặc các chất tổng hợp khác. Bởi việc này sẽ làm giảm tệ chặt phá rừng, buôn lậu gỗ và “lâm tặc”. Tuy nhiên, việc dùng quan tài nhựa sẽ buộc người Kenya phải thay đổi các tập tục mai táng người chết bằng quan tài gỗ ở Kenya đã từng được du nhập từ các nước thiên chúa giáo ở phương Tây.
Bà nói: “Có nhiều cách mai táng để thể hiện sự kính trọng của chúng ta với người thân yêu đã khuất, nhưng cũng đừng vì điều đó mà gây nguy hiểm cho tương lai của chúng ta”. Và “Việc chặt cây để làm quan tài không phải là điều tốt đối với những người đang sống”.
Vừa qua, Bộ Y tế Thụy Sỹ đã bày tỏ sự lo ngại của mình về sự “nhảy vọt” của tình hình nhiễm HIV ở nước này trong năm 2002, với mức tăng 25% so với năm ngoài và đây là sự gia tăng đầu tiên sau nhiều năm Thụy Sỹ đã làm giảm được số ca nhiễm mới.
Theo một bản tin của Bộ Y tế Thụy Sỹ thì sự lây nhiễm HIV ở mức này chủ yếu xảy ra qua quan hệ tình dục (cả đồng giới là khác giới).
Được biết, trong năm 2002, tỷ lệ nhiễm HIV ở Thụy Sỹ là 8,2 trên 100.000 dân, so với tỷ lệ trung bình ở Tây Âu là 6,1 trên 100.000 dân.
(Theo Đài Tiếng Nói Nhân Dân TP. HCM)
▪ Giá thuốc điều trị AIDS của Việt Nam tiếp tục giảm (26/03/2003)
▪ Thuốc AIDS sản xuất tại Việt Nam: Có thuốc - chưa có người mua (08/05/2003)
▪ Đang tìm chỗ đứng (29/06/2002)
▪ Bao giờ có thuốc điều trị AIDS giá rẻ ở Việt Nam? (29/04/2002)
▪ Thái Lan đưa ra thuốc chống AIDS rẻ nhất thế giới (09/04/2002)
▪ Châu Phi tìm kiếm nguồn thuốc giá rẻ điều trị AIDS (11/12/2001)
▪ Virus viêm gan G - niềm hy vọng mới của bệnh nhân nhiễm HIV (05/03/2004)
▪ Vatican chỉ trích các hãng dược phẩm (31/01/2004)
▪ Các nước nghèo phải được tiếp cận thuốc trị AIDS giá rẻ (15/07/2003)
▪ Vì sao linh trưởng bị nhiễm HIV nhưng không bị bệnh AIDS? (29/02/2004)