Ta đang ở đâu?
TT - Một buổi học môn giải tích số tại một trường ĐH, thầy giáo mở đầu bài giảng bằng thông tin về một cuộc gặp mặt của trường với những vị khách đến từ Ấn Độ. Tại đây, trường đã tự hào giới thiệu những thành tựu của mình trong nhiều năm qua: các giải vô địch Robocon, Tin học sinh viên, các mô hình khoa học tiên tiến…
Trong khi đó, những vị khách Ấn Độ lại hết sức khiêm tốn với việc giới thiệu một lĩnh vực nghiên cứu mà đất nước họ đang tập trung đầu tư: “rural technology” (tạm dịch là công nghệ nông thôn), lĩnh vực mang cái tên dân dã, nhưng khi biết rõ về nó thì chắc chắn giới trí thức VN phải giật mình tự hỏi: ta đang ở đâu?
Ấn Độ là một quốc gia có nền công nghệ thông tin phát triển mạnh trên thế giới, ấy vậy mà hãy nghe họ định nghĩa thế nào là công nghệ: “Công nghệ không đơn thuần chỉ là động cơ phản lực hay máy vi tính. Đó là sự kết hợp giữa kiến thức, kỹ thuật và nhận thức. Đó là công cụ, máy móc, nông trang và những nhà xưởng.
Đó là sự tổ chức, những chu trình và con người. Các yếu tố văn hóa, lịch sử để phát triển, ứng dụng công nghệ là chìa khóa dẫn đến thành công hay thất bại. Tóm lại, công nghệ là khoa học và nghệ thuật hoàn thành công việc thông qua áp dụng những kỹ năng và kiến thức” (*).
Như thế, công nghệ Ấn Độ là sự nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật để nâng cao chất lượng sống từ nông thôn: máy giặt chạy bằng than, máy dệt thủy lực, dụng cụ lấy mật... Những thành tựu giản đơn như thế nhưng là biểu hiện rõ rệt nhất của một xu hướng mang tính toàn cầu: phát triển bền vững!
Thế còn VN thì sao? Máy cắt lúa, máy gặt xếp dãy... đều là thành quả của những anh nông dân “tay không đánh giặc”, trong khi nhiều kỹ sư được đào tạo ra thì “cầm súng đứng nhìn”. Phải chăng khoa học VN đúng như thầy tôi nhận định: “Đầu tới trời, nhưng chân cũng đã rời khỏi đất!”.
Lý thuyết chúng ta tuyệt vời, nhưng áp dụng vào cuộc sống vẫn còn là khoảng cách diệu vợi. Chúng ta đang lơ lửng mà quên mất mình đang sống ở đâu, cần gì và phải làm gì? Phải nói là chúng ta đang cố gắng bắt kịp thế giới nhưng lại quên thức thời với chính mình. Cho nên mỗi khi nói đến đổi mới giáo dục đại học, đổi mới phương pháp giảng dạy, giáo trình... thì xin hãy đổi mới tư duy của mình trước, hay đơn giản hơn, chỉ cần tự đặt câu hỏi với bản thân (không phải câu hỏi tu từ): ta đang ở đâu?
LÊ HỮU
(*) Nguồn: Rural Technology Institute Gujarat http://www.rtigujarat.org/
▪ Giáo viên thời online (21/11/2005)
▪ Hội thảo du học Singapore (21/11/2005)
▪ Chương trình học bổng Goh Keng Swee (21/11/2005)
▪ Ngăn chặn nạn chảy máu chất xám trong các trường ĐH (21/11/2005)
▪ Trẻ em sinh đầu năm sẽ học giỏi hơn (21/11/2005)
▪ ĐH Đà Lạt được cấp chứng chỉ ISO quốc tế (21/11/2005)
▪ Hành trình vạn dặm của Giáo sư Tuệ (21/11/2005)
▪ 100 suất học bổng sau ĐH của Đại sứ quán Pháp (22/11/2005)
▪ Đặc cách GS Ngô Bảo Châu: 2 kiến nghị với Thủ tướng (22/11/2005)
▪ Một gia đình có 7 giáo viên dạy giỏi (19/11/2005)