Đơn vị sự nghiệp công lập: Được trao quyền tự chủ về tài chính
Các Website khác - 09/05/2006
Đơn vị sự nghiệp công lập:
Được trao quyền tự chủ về tài chính

* Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 43 trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
* Các bệnh viện, trường học, cơ quan báo chí... nếu tự chủ hoàn toàn kinh phí được quyết định tổng mức thu nhập trong năm cho người lao động sau khi đã trích lập quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp.
* Khuyến khích các đơn vị sự nghiệp chuyển đổi sang hoạt động theo loại hình DN.

Cả nước có 75.000 đơn vị sự nghiệp,
trong đó có 50.000 đơn vị
(chiếm 66,6%) được trao quyền
tự chủ theo nghị định mới.
Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 25.4, được xem là bước cởi trói tiếp tục cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Sẽ có khoảng 50.000/75.000 đơn vị sự nghiệp thuộc đối tượng điều chỉnh của NĐ này, mà điều đáng lưu tâm là các đơn vị sự nghiệp đảm bảo đủ chi phí hoạt động được tự quyết định biên chế và tổng mức thu nhập hàng năm cho người lao động.

Đã tăng tự chủ về tài chính
Trước khi Nghị định 43 được ban hành, đã có 5.900 đơn vị sự nghiệp có thu thực hiện giao quyền tự chủ về tài chính theo quy định của Nghị định 10 (chiếm khoảng 42,4% số đơn vị sự nghiệp có thu khi đó). Trên thực tế, khi được giao quyền tự chủ, các đơn vị sự nghiệp đã thực sự chú trọng hơn trong việc phát triển và mở rộng các hoạt động dịch vụ để tăng thu. Đối với các đơn vị do T.Ư quản lý, số thu sự nghiệp năm 2002 đã tăng 73% so với năm 2001 (năm chưa thực hiện theo NĐ10), năm 2003 tăng 23,2% so với năm 2002. Các đơn vị do địa phương quản lý cũng có số tăng tương ứng là 20,4% và 29,6%. Mức thu nhập của người lao động tăng bình quân từ 10-15%. Nhiều đơn vị đạt mức tăng thêm bằng 2-2,5 lần quỹ tiền lương cấp bậc, chức vụ. Cá biệt có đơn vị đạt mức tăng gấp 7 lần. Hoạt động nội bộ của các đơn vị sự nghiệp đã không còn bị can thiệp sâu nữa.

Chưa hết vướng
Những kết quả ban đầu của việc giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp đã khẳng định một hướng đi đúng. Tuy nhiên, trên thực tế, trong khi những đơn vị có nguồn thu lớn đều hưởng ứng tích cực việc thực hiện theo NĐ10, thì các đơn vị có nguồn thu thấp hoặc không đáng kể lại chưa muốn chuyển đổi, vì e ngại số kinh phí ngân sách đảm bảo sẽ bị cắt giảm. Bên cạnh đó, các đơn vị thực hiện tự chủ về tài chính lại chưa được tự chủ về tổ chức thực hiện nhiệm vụ và bộ máy, biên chế, lao động nên lại chưa phát huy được tự chủ ngay trong tổ chức hoạt động của mình...

Các đơn vị sự nghiệp công lập
(trong đó có các bệnh viện) được
quyết định tổng mức thu nhập
cho người lao động.
Phá bỏ rào cản
Nghị định 43 ra đời được xem như một bước khai thông, mở rộng việc giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp. Với nghị định mới này, các đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ trên cả 3 mặt: Nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính.

Dù vậy, Nhà nước vẫn quan tâm đầu tư để hoạt động sự nghiệp ngày càng phát triển. Đơn vị sự nghiệp được thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc xác định nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch và tổ chức hoạt động. Đối với những đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo hoặc đảm bảo một phần kinh phí hoạt động, tuỳ theo khả năng của đơn vị, được quyền quyết định mua sắm tài sản, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, được sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết hoặc góp vốn liên doanh với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để đầu tư xây dựng, mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động dịch vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.

Đơn vị sự nghiệp được quyền thành lập, sáp nhập, giải thể các đơn vị trực thuộc. Đối với đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi phí hoạt động, được tự quyết định biên chế. Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp cũng được quyền quyết định việc tuyển dụng cán bộ, viên chức, được quyết định bổ nhiệm vào ngạch viên chức, chấm dứt hợp đồng...

Đối với lĩnh vực tài chính, Nhà nước vẫn đảm bảo cấp từ ngân sách kinh phí cho hoạt động thường xuyên, kinh phí cho hoạt động khoa học, công nghệ, kinh phí đào tạo cán bộ, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế, vốn đầu tư xây dựng cơ bản, kinh phí mua sắm thiết bị... theo dự toán hàng năm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nhưng với đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo được chi phí hoạt động được quyết định tổng mức thu nhập trong năm cho người lao động, sau khi đã trích lập quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp (25%). Những đơn vị đảm bảo được một phần chi phí hoạt động được tự quyết định mức thu nhập trong năm cho người lao động, nhưng tối đa không quá 3 lần quỹ tiền lương cấp bậc, chức vụ trong năm do Nhà nước quy định. Việc chi trả thu nhập cho người lao động được thực hiện theo nguyên tắc tính đến hiệu suất và đóng góp của cá nhân với đơn vị và công việc được giao.

Với những bước "cởi trói" này, các đơn vị sự nghiệp đã có "cây gậy" trong tay để phát huy mọi tiềm năng, đem lại hiệu quả cao nhất cho hoạt động của mình và người lao động kỳ vọng sẽ được hưởng đồng lương xứng đáng hơn với kết quả lao động. Hạnh Phương

* Nhà nước khuyến khích các đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp, loại hình ngoài công lập, nhằm phát huy mọi khả năng của đơn vị trong việc thực hiện các hoạt động của đơn vị theo quy định của pháp luật. Các đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi sang loại hình ngoài công lập được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, tài sản nhà nước đã đầu tư theo quy định của pháp luật. (Điều 4, NĐ43)
* Mục tiêu đặt ra của NĐ này là nhằm giúp các đơn vị sự nghiệp có thu như bệnh viện, trường học, cơ quan báo chí... sẽ được trao thêm quyền và nếu họ tự chủ hoàn toàn kinh phí sẽ được quyết định tổng mức thu nhập trong năm cho người lao động, sau khi đã trích lập quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp. Đây là một điểm mới sửa đổi để khắc phục những quy định đang "bó" các đơn vị sự nghiệp. Nghị định 10 đang có hiệu lực, dù đã trao quyền tự chủ nhưng các đơn vị sự nghiệp có thu vẫn bị khống chế quỹ tiền lương.