Duy Lợi khởi kiện võng xếp Trường Thọ
Các Website khác - 12/01/2006

Theo đơn, Duy Lợi yêu cầu tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, tiếp tục tạm giữ đối với 438 khung võng thành phẩm và 50 bán thành phẩm của doanh nghiệp Trường Thọ đang bị niêm phong, đòi bồi thường thiệt hại 100 triệu đồng. Tòa chưa thụ lý vụ kiện và hẹn thông báo kết quả xử lý vào ngày 17/1.

Duy Lợi cũng yêu cầu tòa buộc Trường Thọ chấm dứt hành vi vi phạm, không sản xuất, buôn bán kiểu dáng võng giống loại khung mà doanh nghiệp này đã đăng ký độc quyền sở hữu, theo Bằng độc quyền 7173.

Trước đó, ngày 14/9/2005, Chi cục quản lý thị trường đã kiểm tra xưởng sản xuất võng xếp của Trường Thọ và tạm giữ 438 khung võng. Tuy nhiên đến nay, Chi cục vẫn chưa ra quyết định xử phạt hành chính doanh nghiệp này. Ông Lâm Tấn Lợi, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Duy Lợi khẳng định, Trường Thọ vẫn tiếp tục sản xuất khung mắc võng giống kiểu dáng của mình.

Khung mắc võng Duy Lợi đã được đăng ký bảo hộ độc quyền kiểu dáng. Ảnh: P.A.

Luật gia Nguyễn Thanh Long thuộc Văn phòng luật sư Phạm và liên danh, giải thích, căn cứ để Duy Lợi tính ra mức thiệt hại yêu cầu bồi thường là toàn bộ số tiền lãi Trường Thọ thu được từ việc bán 2.912 khung võng vi phạm bằng 7173, kể từ tháng 7/2003 đến tháng 9/2005.

Trao đổi với báo giới, ông Lâm Tấn Lợi cho biết, Duy Lợi chọn Trường Thọ để khởi kiện đầu tiên trong số 16 đơn vị sản xuất võng xếp giống kiểu 7173, là do công ty này đã có nhiều hành vi vi phạm. "Chúng tôi sẽ khởi kiện tiếp Duy Phương, Ban Mai nếu việc vi phạm kiểu dáng của các cơ sở này vẫn không bị xử lý", ông Lợi tuyên bố.

Ngày 26/12, theo yêu cầu của Duy Lợi, Chi cục quản lý thị trường đã kiểm tra doanh nghiệp sản xuất võng xếp Duy Phương. 20 ngày trước đó, cơ quan chức năng cũng kiểm tra cơ sở võng xếp Ban Mai với cùng nội dung sản xuất võng xếp vi phạm bằng 7173.

Cuộc chiến của ngành võng với Duy Lợi

Những ngày đầu năm nay , Cục Sở hữu trí tuệ đã bác yêu cầu của Trường Thọ đòi hủy hiệu lực bằng 7173 vì không có tính mới. Cục cho rằng, những bằng chứng mà công ty này cung cấp không đủ cơ sở chứng minh khung mắc võng được bảo hộ ở bằng 7173 thiếu tính mới.

Tuy nhiên, đến giờ này, tranh chấp sở hữu kiểu dáng võng xếp không chỉ diễn ra giữa Trường Thọ và Duy Lợi mà nhiều đơn vị sản xuất võng xếp khác đã nhảy vào cuộc. 8 doanh nghiệp sản xuất võng xếp tại TP HCM đã ký tên vào đơn chung gửi Cục Sở hữu trí tuệ vào ngày 4/1, tiếp tục khiếu nại hủy bỏ hiệu lực bằng 7173. Lập luận của các đơn vị này cũng giống như Trường Thọ, là kiểu dáng khung võng bằng 7173 đã được sản xuất từ rất lâu đời và trở thành kiểu truyền thống của ngành võng Việt Nam.

Để chứng minh, 4 doanh nghiệp Trường Thọ, Duy Phương, Ban Mai, Trường Sơn đã gửi 3 mẫu khung võng đến Vinacontrol để giám định năm sản xuất. Kết quả, chứng thư giám định xuất xứ số 1267 của Vinacontrol cho thấy, căn cứ tình trạng rỗ mục, rỉ sét của vật liệu, sự xuống nước của màu sơn bên ngoài và độ mòn của khung, các chi tiết thông tin của nhân chứng... xác định kiểu dáng của 3 khung võng này đã được sản xuất, lưu thông và sử dụng tại khu vực các tỉnh phía Nam trước năm 1990.

"Chúng tôi e ngại xảy ra tình trạng một cơ sở lợi dụng việc đăng ký thành công độc quyền kiểu dáng truyền thống để triệt tiêu những đơn vị sản xuất khác cùng ngành", Giám đốc Trường Thọ Nguyễn Đình Thọ cho biết. Ông Thọ tiết lộ sẽ "đáp trả" Duy Lợi bằng cách khởi kiện doanh nghiệp này trong tháng 1 về hành vi cạnh tranh thiếu văn hóa, gây thiệt hại đến uy tín và vật chất của Trường Thọ.

Vẫn bảo hộ khung võng xếp Duy Lợi

Cuộc tranh luận về tính mới của kiểu dáng khung mắc võng được bằng 7173 bảo hộ giữa các nhà sản xuất đang đến hồi quyết liệt, phải cậy nhờ đến quan tòa phân xử. Đây cũng là hậu quả của thực trạng nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa chú trọng đến việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu cho mình. Chỉ đến khi có đối thủ nhanh chân đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ và bắt đầu ra tay độc quyền, thì doanh nghiệp mới nhảy nhổm lên vì bị ảnh hưởng đến nồi cơm.

Trao đổi với VnExpress đầu giờ chiều nay, Cục phó Sở hữu trí tuệ Hoàng Thanh Tân khẳng định: "Một khi chưa có văn bản nào của Cục hủy hiệu lực bằng 7173 thì khung mắc võng độc quyền vẫn được pháp luật bảo hộ". Điều này cũng có nghĩa, bất kỳ trường hợp nào làm giả, giống, nhái khung mắc võng 7173 là vi phạm pháp luật và sẽ bị cơ quan chức năng xử lý.

Theo ông Tân, để hủy hiệu lực bằng 7173, điều quan trọng nhất là các nhà sản xuất võng hãy cung cấp bằng chứng xác thực cho thấy giống võng xếp Duy Lợi và đã có trên thị trường trước thời kỳ ưu tiên bằng 7173.

Sáng nay, ông Lâm Tấn Lợi tái khẳng định võng xếp Duy Lợi xuất hiện trên thị trường sớm nhất trong các loại võng xếp, vào năm 2000. Đồng thời, ông cho biết đang khiếu nại Cục Sở hữu trí tuệ về việc Cục cấp bằng độc quyền cho 1 kiểu dáng khung mắc võng mới của cơ sở Duy Phương, trong đó có chữ X tương tự như khung 7173.

Phan Anh