![]() |
Thời hạn công bố kết luận có thể là tháng 1-2/2006. |
Bộ Thương mại cho biết, sau gần 2 tháng điều tra trực tiếp 8 doanh nghiệp được lựa chọn trong vụ kiện bán phá giá giày mũ da VN, đoàn chuyên gia điều tra của Ủy Ban châu Âu (EC) đã về nước, nhưng chưa công bố kết luận sơ bộ.
Theo Bộ Thương mại, nhờ có sự hướng dẫn kịp thời của Hiệp hội da giày VN (Lefaso), 115 doanh nghiệp da giày VN đã khai và gửi mẫu điều tra thông tin tới EC. Trong đó, có hơn 80 doanh nghiệp gửi xác nhận trên về Lefaso và Bộ Thương mại. Một số doanh nghiệp còn chủ động thuê luật sư tư vấn luật nước ngoài để hoàn tất các tài liệu theo yêu cầu EC, nhằm thể hiện sự hợp tác tích cực trong vụ kiện bán phá giá giày da mũ của VN.
Các doanh nghiệp phải chứng minh được tất cả những khoản chi tiêu của công ty, như xây dựng nhà xưởng, tổ chức sản xuất, trả lương công nhân, thực hiện những chính sách xã hội đối với người lao động và chi phí trong sản xuất kinh doanh... Từ việc xác định được giá thành sản phẩm của mình, nhà sản xuất phải chứng minh là không bán phá giá vào thị trường EU.
EU bắt đầu khởi kiện giày dép da của VN bán phá giá từ ngày 7/7. Ủy ban châu Âu (EC) quyết định điều tra bán phá giá đối với 33 mã giày mũ da của VN theo đơn kiện ngày 30/5 của Liên minh ngành sản xuất da châu Âu. 60 nhà sản xuất của VN bị liệt kê trong đơn kiện. Kết quả, EC chọn 8 doanh nghiệp để kiểm tra mẫu bao gồm: Công ty Pou Yuen VN, Công ty Pou Chen VN, Công ty Taekwang Vina, Công ty liên doanh Kainan, Công ty Giày 32; Công ty Dona Biti’s, Công ty xuất nhập khẩu Bình Tiên và Công ty Giày da Hải Phòng. Dự kiến, cuộc điều tra mẫu của EC đối với 8 doanh nghiệp trên bắt đầu từ ngày 20/9. |
Qua trao đổi với VnExpress ông Nguyễn Đức Thuấn, Phó chủ tịch Lefaso cho biết, hầu hết các doanh nghiệp da giày VN đã có sự chuẩn bị tốt. Họ chứng minh chủ yếu chỉ làm hàng gia công cho các công ty và tập đoàn nước ngoài nên không thể quyết định được giá bán sản phẩm, vì thế không thể coi là có hành vi bán phá giá vào thị trường EU. Tuy nhiên, đến thời điểm này EC vẫn chưa có một kết luận nào về cuộc điều tra đối với 8 doanh nghiệp nằm trong danh sách điều tra. "Theo như tôi được biết, thời gian sớm nhất mà EC công bố kết luận sơ bộ về đợt điều tra có thể vào tháng 1 đầu năm sau, còn chậm nhất là tháng 2/2006. Nhưng đây cũng chỉ mới là dự kiến, mọi việc vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của phía EC", ông Thuấn nói.
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội da giày TP HCM (SLA) cho biết, hiện đoàn điều tra EC đã trở về nước, nhưng kết quả sơ bộ ban vẫn chưa được tiết lộ. "Trước tiên EC sẽ công bố những kết luận sơ bộ về cuộc điều tra đối với 8 doanh nghiệp. Sau đó, kết quả này sẽ được trình lên phía EU và cuối cùng mới có kết luận chính thức. Như thế, thời gian từ nay đến khi kết quả được công bố vẫn còn rất dài", ông Kiệt nói.
Hiện các đối tác nước ngoài vẫn chưa chịu ký tiếp hợp đồng tiếp với nhà sản xuất trong nước, vì muốn biết kết luận điều tra từ phía EC.
Theo ông Kiệt, các hợp đồng mà doanh nghiệp đã ký được với đối tác trong thời gian này chỉ là những đơn hàng giá rẻ hoặc các mặt hàng nằm ngoài danh sách bị kiện. "Tình trạng trên dẫn đến nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng cho công nhân làm việc. Một số đơn vị đã cho công nhân nghỉ, không biết khi kết quả điều tra được công bố, khách đặt hàng trở lại thì lấy đâu ra nhân công để làm", ông Kiệt tâm sự.
Nguyễn Thùy
▪ Lilama được làm chủ đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng (21/11/2005)
▪ Nam Định: Khởi công xây dựng Nhà máy đóng tàu Thịnh Long (21/11/2005)
▪ Phú Yên: Phát triển mạnh cây caosu tiểu điền (21/11/2005)
▪ Mía đường đắng chát, do đâu? (Bài 2) (21/11/2005)
▪ Tiêu chuẩn bổ nhiệm lãnh đạo trong Cty nhà nước (21/11/2005)
▪ Khánh Hoà: Gần 38 tỉ đồng cho chương trình giải quyết việc làm (21/11/2005)
▪ MobiFone đã khôi phục tài khoản cho khách hàng (21/11/2005)
▪ Đường Hồ Chí Minh đoạn Ngọc Hồi - Tân Cảnh: Thay giám đốc điều hành (21/11/2005)
▪ Đầu tư vào dệt may kém hiệu quả (21/11/2005)
▪ 'Nên đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá ngân hàng' (21/11/2005)