'Không có tiền, đừng làm dự án đô thị'
Các Website khác - 12/01/2006
Ông Trần Ngọc Hùng. Ảnh: V.P.

Tổng thư ký Tổng hội Xây dựng VN Trần Ngọc Hùng cho rằng cần thiết phải ban hành quy định chủ đầu tư có đủ năng lực tài chính mới tham gia đấu giá đất và triển khai các dự án xây dựng đô thị. Theo ông, tự bỏ vốn ra kinh doanh, doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm hơn.
> Cấm bán nhà trên giấy để sàng lọc doanh nghiệp
> Quy chế đô thị mới

- Nhiều doanh nghiệp phản đối quy định cấm bán nhà trên giấy, ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Theo tôi cần hiểu quy chế đô thị mới theo nghĩa rộng hơn. Ban hành nghị định về quy chế đô thị mới, các nhà làm luật đã tính toán để ngăn ngừa tình trạng chiếm dụng và lợi dụng vốn của khách hàng. Bán nhà trên giấy là nhà đầu tư kêu gọi người mua góp vốn trước khi chưa có gì cả. Nếu họ xây dựng hạ tầng rồi thì không gọi là bán trên giấy nữa. Theo tôi quy định này một mặt nhằm chống đầu cơ tích trữ, mặt khác xóa sổ những doanh nghiệp không có vốn, lợi dụng quan hệ chạy chọt xin giao thuê đất rồi buôn bán bằng nước bọt không minh bạch.

Trên thực tế, nếu cứ căn cứ theo các mẫu hợp đồng kinh tế hiện nay, chẳng có điều nào cấm tôi đặt tiền mua một chiếc xe mà phải 3 tháng sau nhà sản xuất mới tung ra. Phương thức bán nhà phổ biến hiện nay là trả góp tiền theo từng giai đoạn và hoàn tất thanh toán khi nhận bàn giao nhà. Khoản tiền ứng trước ấy cũng được chủ đầu tư tính lãi, khách hàng không lo thiệt. Nếu cứ cứng nhắc cấm bán nhà trả góp khi doanh nghiệp đã xây sẵn hạ tầng, sẽ làm khó doanh nghiệp và họ sẽ tìm cách "lách".

- Ông thấy yêu cầu doanh nghiệp phải có 20% vốn khi triển khai khu đô thị mới liệu có vượt quá khả năng của các nhà đầu tư VN?

- Yêu cầu anh phải có tối thiểu 20% vốn là để anh làm xong hạ tầng. Đây sẽ là cuộc sàng lọc doanh nghiệp hiệu quả, vì anh phải xác định khả năng đến đâu thì đầu tư đến đó. Ví dụ nếu anh có vốn 100 tỷ đồng thì làm dự án 50 ha, vốn 200 tỷ đồng thì làm dự án 100 ha. Đây cũng là liệu pháp chống tình trạng phá sản hàng loạt doanh nghiệp bất động sản, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất kinh doanh từng xảy ra tại Thái Lan hồi những năm 90.

Nếu doanh nghiệp nào quy mô nhỏ muốn làm dự án to thì có thể liên kết hay hợp tác với ngân hàng. Họ tự bỏ vốn ra kinh doanh sẽ có trách nhiệm với dự án của mình hơn.

- Luật Đất đai đã cấm phân lô bán nền và giới kinh doanh cho rằng đây là một nguyên nhân khiến thị trường đóng băng, thị trường sẽ ra sao khi thực hiện thêm các quy định kể trên?

- Hai biện pháp làm song song sẽ tác động mạnh tới thị trường, song mỗi cái có một ý nghĩa riêng. Trước đây cho doanh nghiệp bán nền, dân xây nhà mỗi người một ý, Nhà nước không quản lý được quy hoạch, điển hình như tại TP HCM và Cần Thơ. Tương tự, doanh nghiệp được bán nhà trên giấy nên mới tồn tại nhiều công ty chỉ có vài anh cán bộ quan hệ tốt, chạy được đất làm dự án mà phất lên nhanh chóng.

Cá nhân tôi cho rằng đã đến lúc Nhà nước ra quy định anh nào có tiền thì tham gia đấu giá đất để làm đô thị, chứ không có chuyện cứ cấp đất rồi doanh nghiệp trả dần trong bao nhiêu năm.

- Nhưng vốn xây dựng một khu đô thị mới rất lớn, một nhà đầu tư khó có khả năng đảm đương nổi, hơn nữa không phải công ty nào cũng huy động được vốn từ dân cư?

- Đúng là lĩnh vực bất động sản cần vốn lớn, nhưng doanh nghiệp có khả năng thực sự có thể liên doanh liên kết. Còn với thực trạng như ở VN hiện nay nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, doanh nghiệp sẽ phá sản hàng loạt, chỉ 5-6 tháng nữa thôi tôi chắc lượng nhà rao bán sẽ tăng rất mạnh.

Phong Lan thực hiện