Người lao động mờ nhạt trong Luật Doanh nghiệp
Các Website khác - 21/11/2005

Dự luật quy định khá đầy đủ về nghĩa vụ và quyền lợi của giám đốc, tổng giám đốc, chủ sở hữu, nhưng chỉ dành duy nhất một khoản nhỏ trong điều 9 để đề cập tới quyền lợi của người lao động.

Các luật hiện hành đã quy định khá rõ quyền lợi người lao động.

Khoản 4, điều 9 dự thảo Luật Doanh nghiệp quy định: Doanh nghiệp phải có nghĩa vụ bảo đảm quyền, lợi ích của người lao động theo quy định của pháp luật về lao động; thực hiện đầy đủ chế độ bảo hiểm xã hội, y tế và bảo hiểm khác cho người lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm.

"Đại diện người lao động cần được tham gia trong hội đồng quản trị để có tiếng nói với những quy định liên quan đến quyền lợi của họ", Chủ tịch Liên đoàn lao động TP HCM Đặng Ngọc Tùng góp ý trong buổi thảo luận về Luật Doanh nghiệp sáng 21/11.

Ông Tùng phát biểu, Luật Doanh nghiệp đề cập cơ chế làm chủ cho người lao động, nhưng thực tế việc lao động có nơi, có điều kiện để bày tỏ lập trường còn khó. Để bảo vệ quan điểm của mình, ông lấy ví dụ ở Đức, tuy là nước tư bản chủ nghĩa nhưng trong các doanh nghiệp đều có hội đồng doanh nghiệp, hưởng lương từ công ty, khi chủ doanh nghiệp thực hiện một quy định nào đó liên quan đến người lao động thì phải thông qua hội đồng này.

Một số đại biểu cho rằng dự luật quy định về nghĩa vụ và quyền lợi của giám đốc, tổng giám đốc, những người chủ sở hữu khá đầy đủ, còn quyền lợi của người lao động thì chỉ có ngắn gọn trong một khoản của một điều.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Hoàng Anh, Tổng giám đốc Công ty đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Hải Phòng, ở doanh nghiệp nhà nước mới có thể nói đến cơ chế người lao động làm chủ chứ những doanh nghiệp đã bán khoán cho tư nhân khó có thể thực hiện điều này. Không có vốn thì không tham gia được vào hội đồng quản trị.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế ngân sách Quốc hội Đặng Văn Thanh lại cho rằng, trong các luật hiện hành như Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội có quy định khá đầy đủ quyền hạn, nghĩa vụ của người lao động. Luật Doanh nghiệp chỉ quy định nghĩa vụ của các doanh nghiệp trong việc bảo đảm quyền lợi ích của người lao động theo quy định của pháp luật.

Thực tế, khi được tuyển dụng vào làm việc tại các doanh nghiệp, hầu hết người lao động đều ký kết các hợp đồng trong đó xác lập cụ thể quyền và chế độ được hưởng.

Quy định doanh nghiệp không được quyền tăng lương trả thưởng khi công ty không thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn bị nhiều đại biểu cho là chưa hợp lý, vì các doanh nghiệp nợ là chuyện bình thường trong kinh doanh.

Cũng trong sáng nay có khá nhiều ý kiến tranh luận việc đưa hợp tác xã vào luật. Theo ông Đặng Ngọc Tùng, mục tiêu của hợp tác xã là quan tâm nhiều đến phúc lợi chứ không chỉ nhắm đến lợi nhuận đơn thuần như doanh nghiệp, vì thế cần có cơ chế điều chỉnh riêng. Ông Tùng cho hay đã nghiên cứu khá kỹ Luật Hợp tác xã của Singapore và thấy nó hoàn toàn khác với Luật Doanh nghiệp. Hợp tác xã có thể được mua đất giá rẻ hơn, được miễn thuế nhiều hơn so với doanh nghiệp, nhưng đất đó để xây nhà trẻ cho xã viên chứ không đưa vào kinh doanh.

Tiến sĩ Đặng Văn Thanh cũng đồng tình đưa hợp tác xã vào luật riêng, vì Luật Hợp tác xã đang phát huy hiệu lực quản lý và nhiều hợp tác xã hoạt động hiệu quả theo luật này.

Giám đốc Nguyễn Hoàng Anh lại cho rằng có thể đưa hợp tác xã vào luật bởi trên thực tế nhiều đơn vị như Liên hợp các hợp tác xã TP HCM - chủ hệ thống siêu thị Co-op mart - phải thực hiện các nghĩa vụ thuế, đầu tư... không khác gì doanh nghiệp khác.

Chiều nay, các đại biểu thảo luận Luật Đầu tư. Sau những tranh luận về đăng ký, thẩm tra đầu tư, trong lần này nhiều ý kiến tập trung vào các nội dung có nên ghi ưu đãi đầu tư vào ngay giấy phép kinh doanh đầu tư hay không, những quy định về bảo đảm đầu tư trong trường hợp pháp luật thay đổi chính sách. Quy định về giải quyết tranh chấp có nên đem tới trọng tài quốc tế cũng được góp ý rộng rãi.

Việt Phong