Nói xuôi cũng được, nói ngược cũng xong
Các Website khác - 22/11/2005

Công ty Bảo Việt Hậu Giang:
Nói xuôi cũng được, nói ngược cũng xong

Quảng cáo, mời gọi, dụ dỗ khách hàng tham gia bảo hiểm là "nghệ thuật" kinh doanh của các Cty bảo hiểm. Ngoài những đơn vị làm ăn uy tín, thì có không ít Cty thu tiền rất nhanh, nhưng khi phải bồi thường trách nhiệm thì đánh bài chuồn. Dưới đây là một trường hợp như vậy.

Ông Trương Văn Thàn cư trú tại phường 4, thị xã Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang - ký hợp đồng bảo hiểm tàu sông với Cty Bảo Việt Hậu Giang và đóng 3 loại phí bảo hiểm gồm: Bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu, bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với con người và bảo hiểm tai nạn thuỷ thủ thuyền viên, tổng phí bảo hiểm 597.500 đồng. Số tiền Cty Bảo Việt Hậu Giang phải chịu trách nhiệm dân sự chủ tàu khi tàu gặp rủi ro là 300 triệu đồng.

Đêm ngày 9.5.2005, tàu HGI-0397H của ông Thành chở 80 tấn cám sấy từ kho Việt Tiến - Thốt Nốt về kho Đức Thịnh - Ô Môn (Cần Thơ). Đến bến, tàu neo đậu đúng quy định. Nhưng đến 5 giờ sáng hôm sau, thuỷ triều xuống, tàu bị cọc ngầm đâm thủng vỏ, nước tràn vào và tàu bị chìm.

Theo giám định của Bảo Việt Cần Thơ, số hàng hoá thiệt hại là 193.783.800 đồng. Ông Thành đã bồi thường cho chủ hàng 194.129.880 đồng (cộng thêm tiền lãi) theo thoả thuận. Sau đó, ông Thành gửi đơn đến Cty Bảo Việt Hậu Giang xin bồi thường, nhưng đơn vị này có thông báo từ chối trách nhiệm bảo hiểm.

Tại thông báo số 76 TBKT/2005 ngày 26.5.2005, Bảo Việt Hậu Giang khẳng định: "Đây là trường hợp bất khả kháng, vì thuyền trưởng và thuyền viên không thể biết trước cọc ngầm dưới sông... Trường hợp tai nạn trên do bất khả kháng không phải do lỗi chủ tàu.

Căn cứ vào điểm C khoản 1, Điều 94, Chương VII của Luật Giao thông đường thuỷ được công bố ngày 24.6.2004, thì chủ tàu miễn bồi thường cho hàng hoá trên. Căn cứ vào điểm 1, điều 3, chương II, phần III của Quy tắc bảo hiểm thân tàu, trách nhiệm dân sự chủ tàu thuyền hoạt động trong vùng nội thuỷ và vùng biển Việt Nam, ban hành ngày 22.11.2000 của Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam thì không phát sinh trách nhiệm bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu sông của Bảo Việt Hậu Giang".

Bảo Việt Hậu Giang giải thích rất chặt chẽ, trích dẫn đủ loại quy định như vậy, nhưng quên mất "Những điều cần biết trong bảo hiểm tàu sông" được in kèm theo giấy chứng nhận bảo hiểm tàu sông của Bảo Việt Việt Nam. Trong đó, mục A thuộc các trường hợp được bồi thường bảo hiểm được quy định rõ: "Đắm, mắc cạn, đâm va vào đá, vật thể ngầm hoặc nổi trôi hoặc cố định...".

Về bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu, thuyền mà Bảo Việt phải bồi thường cũng được quy định rất cụ thể đối với trường hợp: "Mất mát, hư hỏng hàng hoá, tài sản chuyên chở trên tàu, thuyền được bảo hiểm". Hoá ra, các quy định "lẩn thẩn" của Bảo Việt Việt Nam đã tạo cho chính đơn vị này nói xuôi cũng được, nói ngược cũng xong. Chỉ có khách hàng là người chịu thiệt.

Ngày 19.9, ông Trương Văn Thành khởi kiện Bảo Việt Hậu Giang lên TAND TX Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, đòi Bảo Việt Hậu Giang bồi thường trách nhiệm bảo hiểm, cụ thể là 194.129.880 đồng mà ông Thành đã bồi thường cho chủ hàng. Bởi vì, theo hợp đồng và giấy chứng nhận bảo hiểm giữa hai bên, Bảo Việt Hậu Giang chịu trách nhiệm bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu là 300 triệu đồng. Ngày 21.11, TAND TX Vị Thanh mời các bên đến hoà giải, nhưng đại diện Bảo Việt Hậu Giang vắng mặt.

Thanh Phong - Hồng Thuỷ